Franklin Roosevelt và bài phát biểu phá vỡ truyền thống đại hội đảng ở Mỹ

Ngày 2/7/1932, Thống đốc bang New York, ông Franklin D. Roosevelt đã làm một điều mà chưa ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào từng làm tại đại hội đảng.

Theo tờ Washington Post, ông đã có một bài phát biểu chấp nhận đề cử của đảng. Tại thời điểm mà nước Mỹ chìm trong cuộc Đại Suy thoái thời Tổng thống Herbert Hoover thuộc đảng Cộng hòa, ông Roosevelt đã tuyên bố: “Tôi cam kết với các bạn, tôi cam kết với bản thân tôi là sẽ có chính sách kinh tế mới dành cho người Mỹ”.

Chú thích ảnh
Ông Franklin D. Roosevelt phát biểu chấp nhận đề cử tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago năm 1932. Ảnh: AP

Bài phát biểu đã phá vỡ truyền thống lâu nay là ứng cử viên tổng thống phát biểu chấp nhận đề cử vài tuần sau đại hội toàn quốc. Điều còn khiến dư luận giật mình hơn là ứng cử viên tổng thống Roosevelt 50 tuổi khi đó còn đi bằng máy bay tới Chicago để dự đại hội của đảng Dân chủ được tổ chức trong sân vận động Chicago. Thời đó, đi bằng máy bay bị coi là rủi ro. 

Một bài báo bình luận về sự kiện: “Đây là người đã được đề cử cho vị trí cao nhất xứ sở này, người đã chứng tỏ tin tưởng hoàn toàn vào hệ thống giao thông nhanh chóng hiện đại”. Sau này, ông Roosevelt trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đi máy bay ra nước ngoài thăm binh sĩ Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Năm bầu cử 2020 cũng ghi dấu một ứng cử viên tổng thống phá lệ trong đại hội đảng. Khi việc tập trung đông người trở nên bất khả thi do đại dịch COVID-19, Tổng thống Donald Trump đêm nào cũng "đăng đàn" phát biểu tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa được tổ chức trực tuyến.

Trước năm 1932, đích thân chấp nhận đề cử tại đại hội đảng bị coi là không phù hợp kể từ khi đại hội bốn năm được tổ chức một lần từ năm 1832. Quyết định của ông Roosevelt khi phá vỡ truyền thống 100 năm đó mang tính chiến lược. Vị thống đốc bang New York bị liệt từ thắt lưng trở xuống do mắc bệnh bại liệt. Đại hội là cơ hội để ông thể hiện sự mạnh mẽ của bản thân và mối quan tâm với hình thức giao thông hiện đại.

Lúc đại hội khai mạc, ông Roosevel ở nhà tại Hyde Park, New York và nghe đại hội đảng Dân chủ qua đài như đa số người dân Mỹ. Khi có tin mình đã giành đề cử trong lần bỏ phiếu kín thứ tư, ông Roosevelt đã đề nghị đảng Dân chủ họp thêm một ngày nữa. Lúc đó, chiếc máy bay ba động cơ của hãng American Airways đã chờ sẵn ở sân bay Albany gần đó, sẵn sàng cất cánh.

Vào sáng sớm ngày 2/7, ông Roosevelt đã tới sân bay cùng những người tháp tùng gồm vợ là bà Eleanor, hai con trai Elliott và John. Ông nói với những người có mặt đang reo hò: “Đây là một ngày hoàn hảo cho chuyến đi”. 

Trong thực tế, mọi chuyện không hoàn hảo chút nào. Chiếc máy bay sơn màu xanh và bạc cất cánh, bay theo tuyến đường đưa thư tới Chicago và dừng hai lần tại Buffalo và Cleveland. Máy bay gặp gió mạnh và mưa bão. Về sau, cháu gái của viên phi công viết: “Các hành khách hoảng sợ chỉ có thể bám chặt vào tay ghế. Trong cơn hỗn loạn, các tờ giấy ghi bài phát biểu nhận đề cử rơi khỏi bàn. Chiếc máy đánh chữ suýt văng khỏi bàn”.

Chuyến bay mất 8 giờ. Lúc 16 giờ 30, máy bay tới sân bay Chicago muộn hơn hai giờ so với dự kiến. Đoàn xe chở ông Roosevelt và gia đình tới đại hội mất 1 tiếng 20 phút nữa chạy trên đường phố Chicago. Trong khi đó, tại sảnh đại hội, ca sĩ đang hát cho các đại biểu nghe.

Cuối cùng, ông Roosevelt cũng chống gậy tới được bục phát biểu của diễn giả trong tiếng hò reo của các đại biểu. Ông bám vào hai tay vịn được lắp tạm. Tờ Post-Dispatch của St. Louis nhận xét: “Ông Roosevelt đã bám vào bục bằng cả hai tay, ngẩng đầu và mỉm cười. Ông ấy có dáng vóc ưa nhìn, to lớn, đứng thẳng trong bộ vest màu xanh cài bông cẩm chướng đỏ. Ông bắt đầu bài phát biểu: “Tôi lấy làm tiếc vì đã tới muộn, nhưng tôi không thể kiểm soát gió trời”.

Ông Roosevelt lưu ý rằng việc ứng viên tổng thống phát biểu tại đại hội đã phá vỡ truyền thống ngớ ngẩn rằng ứng viên cần tự nhận là không biết gì về việc mình được đề cử cho tới khi được thông báo chính thức vài tuần sau đó. Ông nói: “Các bạn đã đề cử tôi và tôi biết điều đó. Tôi ở đây để cảm ơn các bạn vì vinh dự này”. Ông nói tiếp: “Từ giờ, chúng ta sẽ phá vỡ truyền thống ngu ngốc này”.

Trong bài phát biểu 30 phút, ông Roosevelt không nhắc tới tên Tổng thống Hoover khi công kích các chính sách của đảng Cộng hòa. Ông nói: “Có hai cách để quan sát nghĩa vụ của chính phủ trong các vấn đề ảnh hưởng tới đời sống xã hội và kinh tế. Thứ nhất là xem chính phủ đó có ưu đãi một số ít người hay không và hy vọng một ít của cải của họ sẽ rò rỉ, nhỏ giọt xuống người lao động, xuống nông dân, xuống doanh nghiệp nhỏ. Đó không và không bao giờ là lý thuyết của đảng Dân chủ. Giờ không phải lúc sợi hãi, phản kháng hay hèn yếu”.

Chú thích ảnh
Ông Roosevelt chống gậy phát biểu tại đại hội. Ảnh: AP

Gần lúc kết thúc bài phát biểu, ông Roosevelt cam kết một chính sách kinh tế mới, qua đó dẫn dắt tới cao trào bài phát biểu. Cụm từ “chính sách kinh tế mới” (New Deal) về sau đã trở thành chủ đề trong các chương trình giải cứu liên bang của chính phủ do ông đứng đầu. Khi ông Roosevelt kết thúc bài phát biểu, đám đông hò reo ủng hộ vang dội trong tiếng nhạc bài “Happy Days Are Here Again”.

Diễn viên hài Will Rogers, người nhận được 22 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu kín thứ hai từ bang nhà Oklahoma, đã ca ngợi lời kêu gọi thay đổi kinh tế của ông Roosevelt. Ông Rogers, vốn là một người sớm ủng hộ việc đi lại bằng máy bay, đã nói rằng ông Roosevelt đã mang đến cú hích lớn nhất cho ngành hàng không khi đi máy bay tới đại hội.

Tổng thống Hoover lúc đó không nghe bài phát biểu của đối thủ vì ông đang trên đường từ Nhà Trắng tới khu nghỉ dưỡng mùa hè. Ngày hôm sau, máy bay hải quân đã bay tới chỗ nghỉ của ông Hoover, mang theo một tập báo đưa tin về bài phát biểu. 

Ông Hoover đang chuẩn bị bài phát biểu chấp nhận đề cử truyền thống hồi giữa tháng 8 sau khi được đề cử là ứng viên của đảng Cộng hòa ở Chicago hồi tháng 6. Ông đã định phát biểu vào buổi tối từ Nhà Trắng nhưng sau đó đã phát biểu tại Constitution Hall. Bài phát biểu được phát sóng toàn quốc.

Khi nền kinh tế đang u ám, ông Roosevelt là ứng viên rất được ưa thích. Ứng viên liên danh với tư cách phó tổng thống, Chủ tịch Hạ viện John Nance Garner, nói với ông Roosevelt: “Mọi điều ngài cần làm là còn sống cho tới ngày bầu cử”. Kết quả là ông Roosevelt đã giành chiến thắng vang dội.

Thùy Dương/Báo Tin tức
4 kỳ Đại hội đảng gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ
4 kỳ Đại hội đảng gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ

Xướng được tên một ứng cử viên duy nhất tại Đại hội toàn quốc đảng là một dấu mốc quan trọng trên đường đua tới Nhà Trắng. Nhưng không phải kỳ đại hội nào của đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cũng suôn sẻ như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN