Fidel Castro-Garcia Marquez: Tình bạn và văn chương

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro sinh năm 1926; nhà văn Garcia Marquez, người đoạt giải Nobel văn chương 1982, sinh năm 1927. Fidel là một luật sư, ông lấy bằng tiến sĩ về luật dân sự và luật ngoại giao tại Đại học La Habana, Cuba; Marquez tốt nghiệp khoa Luật và khoa Báo chí Đại học Quốc gia Côlômbia. Khi hai người gặp gỡ và quen biết nhau vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Fidel là người đứng đầu nhà nước cách mạng Cuba còn non trẻ, Marquez là nhà văn đang trên đường tiếp cận hiện-thực-không-huyền-ảo Mỹ La tinh trong vai trò một nhà báo. Và đôi bạn văn nhân – chính khách ấy đã cùng nhau đi suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ…

“Tình bạn thân thiết giữa Fidel Castro và tôi là một cái gì đó rất riêng tư, bắt nguồn từ tình yêu văn chương của cả hai người”. Nhà văn Gabriel García Márquez nhớ lại: "Tôi quen biết Fidel từ năm 1960, khi làm phóng viên cho Hãng thông tấn châu Mỹ La tinh (Prensa Latina) của Cuba do nhà báo Jorge Ricardo Masetti, người Áchentina, bạn của Che Guevara làm giám đốc. Hồi đó Fidel thường hay đến trụ sở Prensa Latina để trao đổi với Masetti về các vấn đề thời sự chính trị diễn ra trong khu vực và tình hình quốc tế".

Lãnh tụ Fidel Castro và nhà văn Garcia Marquez có một tình bạn thân thiết. Ảnh: internet


Vào thời điểm ấy, Marquez là một nhà văn trẻ đang hăm hở khám phá, ông cũng say mê nghề báo và là cây viết phóng sự tân văn chủ lực của hãng nên thường được giám đốc Masetti mời tham gia bàn luận cùng với nhà lãnh đạo quốc gia “vốn là người trò chuyện không biết mệt, và khi mệt thì lấy việc chuyện trò làm phương cách nghỉ ngơi” (lời của Marquez nói về Fidel trong một bài viết sau này của ông). Thời gian sau đó, hai người nhanh chóng trở nên thân mật hơn trong giao tiếp, nhưng Marquez cũng không nghĩ rằng quan hệ giữa ông và Fidel một lúc nào đó có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc đàm luận về chính trị và thời cuộc. Nhưng rồi sau này ông bỗng nghiệm ra rằng ma lực của văn chương là cái đã đưa tình bạn của một chính khách và một văn nhân đi ra ngoài sự ràng buộc của lễ nghi, để đến với sự đồng điệu của những tâm hồn giàu xúc cảm.

Vào giữa thập kỷ 1970, khi Marquez đã là nhà văn có tiếng trên văn đàn Mỹ Latinh, trong một lần gặp gỡ giữa hai người, Fidel kể rằng đôi khi ông cảm thấy mệt mỏi và không có hứng thú khi cả ngày phải đọc rất nhiều văn kiện, tài liệu, tất cả đều khô khan và đơn điệu. Nhà văn bèn gợi ý với nhà chính trị rằng vào những lúc nghỉ ngơi nên chăng đổi gió bằng cách đọc một tác phẩm văn học nào đó để thư giãn. Và Marquez rất ngạc nhiên khi ông lần lượt đưa ra những tên sách khác nhau của hàng loạt tác giả Âu-Mỹ, nhưng quyển nào Fidel cũng nói là đã đọc rồi, không những thế ông còn bình phẩm về nội dung, lược thuật cốt truyện hay kể một chi tiết nào đó về nhân vật chính. Vậy là lần đó, Marquez kể lại, “Tôi đã phát hiện ra điều bí mật mà cho tới lúc đó không mấy người biết, bí mật đó là: Fidel Castro không phải là một chính trị gia đơn thuần, ông còn là người say mê văn học, có một sức đọc ít người theo kịp, một sự hiểu biết sâu rộng về văn chương kim cổ, và nhà chính khách ấy, người chiến sĩ bắn súng không thua kém các tay thiện xạ ấy, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh du kích trong rừng, lúc nào cũng có một quyển sách bên cạnh và ông đọc rất nhanh bất cứ khi nào có thể”.

Nhà văn Garcia Marquez gặp gỡ lãnh tụ Cuba Fidel Castro ngày 12/3/2007. Ảnh: internet


Theo lời tác giả “Trăm năm cô đơn” (Cien anos de soledad), lãnh tụ Cuba là một độc giả khá đặc biệt, ông đọc sách không chỉ là để nắm được nội dung chính mà còn chú ý đến từng chi tiết, phát hiện ra những mâu thuẫn về kiến thức, những sai sót về tư liệu ít ai để ý. Một lần sau khi đọc xong “Chuyện kể cùa người chìm tàu” (Relato deun náufrago) Fidel bảo với Marquez rằng tác giả đã tính sai tốc độ chạy tàu, bởi vì với vận tốc ấy thì chẳng bao giờ con tàu có thể cập bến vào thời điểm như trong sách đã viết. Nhà văn ngồi tính toán lại và xác nhận là mình nhầm lẫn. Do vậy đến khi Marquez viết xong tập “Ký sự về cái chết được báo trước” (Crónica de una muerte anunciada), ông cẩn thận đem bản thảo để Fidel đọc trước khi gửi đi nhà in. Vài ngày sau, nhà văn nhận được thư Fidel cho biết rằng các thông số về loại súng săn nói trong truyện là không đúng với thực tế.

Người đề xướng “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” nhận xét rằng Fidel Castro là người ứng khẩu rất hay, văn nói của ông trau chuốt như là đã được viết ra trong đầu trước khi phát biểu. Các bài nói của Fidel về cái chết của Che Guevara ở Bôlivia, về việc Tổng thống Chilê Salvador Allende đương đầu với cuộc đảo chính của Pinochet năm 1973 và về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Cuba ở Ănggôla có thể xem là những thiên phóng sự bằng lời đặc biệt hấp dẫn. Fidel là người coi trọng văn phong trong sáng và cách dùng từ ngữ chính xác trong các bài viết của mình. Fidel viết hay và ham viết, có lần ông tâm sự: "Nếu con người có kiếp sau thì ở thế giới bên kia tôi muốn theo nghề viết văn". Trước khi là bạn của Marquez, Fidel đã chơi thân với tác giả của “Ông già và biển cả”, ông có thể đọc Hemingwey từ nguyên bản tiếng Anh.

Bìa cuốn “Trăm năm cô đơn” - tác phẩm để đời của Garcia Marquez.

 

Garcia Marquez nói rằng ông không chỉ quen biết lãnh tụ Cuba Fidel Castro, ông còn có quan hệ thân tình với nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác như Tổng thống Pháp, François Mitterrand; Thủ tướng Tây Ban Nha, Felipe Gonzales; Tổng thống Panama, Omar Torrijos…nhưng các vị này “chỉ bàn luận về chính trị, không bao giờ nói chuyện văn chương, dù rằng họ đều là những người tài ba xuất chúng”.

Về phần mình, lãnh tụ Cuba Fidel Castro nhớ lại: "Khi El Che (cách gọi thân mật nhà cách mạng Guevara) nói với tôi về việc lãnh đạo Hãng tin chính thức của Cuba có ý định mời nhà văn Côlômbia có cái tên còn chưa mấy ấn tượng Gabriel Garcia Marquez làm phóng viên chuyên trách các vấn đề khu vực Mỹ Latinh, không ai có thể tiên đoán được rằng chúng tôi đang đứng trước một Nobel văn chương trong tầm tay".

Fidel nói tiếp: "Thế rồi, tình bạn của chúng tôi đã đến và kéo dài hơn 50 năm, xuyên qua hai thế kỷ, và được vun đắp bằng hàng trăm cuộc chuyện trò đầy thú vị về đủ mọi đề tài, trong đó câu chuyện văn chương không bao giờ bị gác lại bởi bất cứ sự kiện chính trị nào, dù cho đó là những việc quan trọng và cấp thiết đến mấy. Nói chuyện với Gabo (tên gọi rất thân mật của Marquez) bao giờ cũng là bài thuốc hóa giải sự căng thẳng, nhiều khi ghê gớm, trong cuộc đời của một người làm cách mạng và hoạt động chính trị giữa bối cảnh của một thế giới đầy biến cố bất thường".

Phạm Đình Lợi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN