Ngày 27/3/1941, con tàu Nitta Maru của Nhật Bản cập cầu tàu số 8, gần tháp Aloha nổi tiếng ở Honolulu trên đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ). Hòa vào dòng người lên đảo là một thanh niên trẻ, dáng người mảnh khảnh, được một quan chức của tòa lãnh sự Nhật Bản ra đón. Phó Tổng lãnh sự Oto jiro Okuda hướng dẫn người thanh niên 29 tuổi, Tadashi Morimura (tên thật là Takeo Yoshikawa), làm thủ tục hải quan và lái xe đưa anh ta về tòa nhà hai tầng của lãnh sự quán trên đại lộ Nuuana. Ở đó, Morimura đã gặp Tổng lãnh sự Nagao Kita. Anh ta được bố trí ở trong một căn phòng trong khuôn viên của tòa lãnh sự và được đặt tước hiệu là Quan Chưởng ấn nhưng chỉ Kita và Okuda biết được nhiệm vụ thật của Morimura: Thu thập tin tức tình báo phục vụ cho trận đột kích Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941.
Kỳ cuối: Tuổi trẻ lẫy lừng, cuối đời vất vưởng
Đến tháng 9, từ những tin tức tình báo thu lượm được, Nhật Bản đã hình thành bức tranh tổng thể về các mục tiêu ở Oahu. Những gì mà họ cần bây giờ chỉ là thường xuyên cập nhật chính xác vị trí của tàu chiến, số lượng máy bay của Mỹ tại khu vực này. Ngày 24/9/1941, lãnh sự quán Nhật Bản ở Honolulu nhận được bức điện tuyệt mật số 83 gửi đến từ Tôkyô.
Nội dung bức điện yêu cầu xác định vị trí của các tàu theo 5 khu vực địa lý ở Trân Châu Cảng. Các chuyên gia giải mã ở Oasinhtơn đã thu được bức điện này, giải mã trong vòng 15 ngày và xác định đây là bức điện thông báo về một âm mưu đánh bom. Tuy nhiên, giới chóp bu Mỹ lại không đánh giá đúng tầm quan trọng của bức điện nên nó đã không được chuyển tới cho các chỉ huy quân sự ở quần đảo Hawaii. Cuối tháng 10, tàu Taiyo Maru rời Yokohama (Nhật Bản) đến Honolulu trong tiết trời mùa đông giá lạnh. Trên boong tàu là ba sĩ quan hải quân Nhật Bản.
Họ nhận nhiệm vụ quan sát dọc theo tuyến đường đã được vạch ra cho lực lượng tấn công, thẩm tra lại những thông tin của tòa lãnh sự và thu thập thêm các số liệu. Tuy nhiên, gánh nặng đòi hỏi phải có những thông tin mới lại đổ cả lên Yoshikawa. Anh ta phải làm việc gần như cả ngày lẫn đêm để có được những tấm bản đồ vẽ các vị trí bố trí lực lượng quân sự của Mỹ ở Oahu. Tốc độ thu thập tin tức tình báo của Nhật diễn ra song song với những căng thẳng trong quan hệ Nhật- Mỹ ngày càng gia tăng. Ngày 5/11/1941, phiên họp Hoàng gia ở Tôkyô đã cho phép chuẩn bị một cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng vào chủ nhật ngày 7/12/1941, theo giờ Oahu.
Trong suốt tháng 11, những yêu cầu cập nhật thông tin và phản hồi diễn ra hết sức khẩn trương giữa Nhật Bản và Hawaii. Trong khi Yoshikawa và những cộng sự của anh ta đang chạy đua với thời gian để thu thập tin tức ở đảo Oahu, thì hạm đội Kido Butai, lực lượng tấn công của Nhật Bản, đã được tập hợp và di chuyển về phía đông vào khu vực phía bắc Thái Bình Dương. Sau đó không lâu, hai tuần một lần, Yoshikawa đã gửi về Nhật Bản báo cáo về những tàu của Mỹ tại Trân Châu Cảng để bổ sung thông tin. Vào cuối tháng 11, lãnh sự quán Nhật Bản tại Hawaii nhận được lệnh phá hủy tất cả những tài liệu bí mật ở đây. Ngày 1/12/1941, với sự hiện diện của Nhật hoàng Hirohito, Hội đồng cơ mật Nhật Bản chính thức cho phép tấn công Trân Châu Cảng. Ngày hôm sau, Tôkyô lệnh cho hạm đội Kido Butai bắt đầu lên đường nhằm hướng quần đảo Hawaii thẳng tiến.
Ngày 5/12/1941, Yoshikawa đã có một chuyến trinh sát khu vực Trân Châu Cảng. Sau đó, Yoshikawa nhận được một bức điện với nội dung liệu những con tàu đang thả neo của Mỹ có được đặt dưới sự bảo vệ của những khí cầu phòng không và những lưới thép chống ngư lôi hay không? Báo cáo của Yoshikawa do sơ suất đã rơi vào tay tình báo Mỹ, nhưng tiếc thay nó đã không được giải mã cho đến tận sau ngày xảy ra vụ không kích. Chiều 6/12/1941, Yoshikawa thực hiện chuyến đi trinh sát cuối cùng ở Trân Châu Cảng từ cầu tàu Pearl City. Trở lại tòa lãnh sự, anh ta kết hợp với Kita làm một báo cáo sau đó mã hóa bức điện và chuyển tới bộ phận liên lạc để truyền về Tôkyô. Sau đó không lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã nhận được bức điện và chuyển nó tới Tham mưu trưởng hải quân. Theo như báo cáo của Yoshikawa, mọi việc dường như hết sức thuận buồm xuôi gió cho cuộc tấn công diễn ra vào ngày chủ nhật. Vào cuối ngày thứ bảy, giờ Oahu, thông tin cập nhật về mục tiêu được chuyển tới hạm đội Kido Butai, lúc này đang rẽ sóng hướng về phía nam đảo Oahu.
Các nhân viên của tòa lãnh sự Nhật Bản, do không nhận được lời cảnh báo trước từ Tôkyô, lo lắng tụ tập lại với nhau khi họ nghe thấy những tiếng nổ long trời lở đất của trận không kích bất ngờ diễn ra vào chủ nhật ngày 7/12/1941 định mệnh. Lúc này Kita và Okuda đang chuẩn bị đi đánh gôn. Yoshikawa thì đang ở một mình. Không lâu sau đó, lực lượng cảnh sát Mỹ đã bất ngờ ập đến và lục soát tòa nhà lãnh sự quán Nhật nhưng họ cũng chỉ kịp ngăn chặn được việc thiêu hủy những trang tài liệu cuối cùng. Ngay sau đó, Mikami lái xe đến và đề nghị với lực lượng cảnh sát cho phép anh ta thông báo với Tổng Lãnh sự và Phó Tổng Lãnh sự rằng anh ta đã có mặt để đưa họ ra sân gôn. Nhưng tất nhiên, Mikami đã nhận được câu trả lời: "Những vị khách đi xe taxi của anh ta sẽ không được phép ra ngoài". Yoshikawa và các đồng nghiệp ở lại lãnh sự quán trong hơn một tuần và sau đó được đưa về San Diego (Mỹ). Tháng 3/1942, họ được chuyển đến một trại giam ở bang Arizona, nơi đang giam giữ nhiều người Mỹ gốc Nhật. Cuối cùng, nhân viên phản gián này và các cộng sự đã được trao đổi với những nhà ngoại giao Mỹ bị bắt giữ ở Nhật Bản.
Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, không một người Mỹ nào biết được danh tính thực sự của Yoshikawa. Trở về nước, Yoshikawa lập gia đình và tiếp tục phục vụ trong lực lượng tình báo của hải quân Nhật cho đến khi chiến tranh kết thúc. Do lo sợ bị Mỹ bắt khi lực lượng này chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1945, anh ta đã trốn về vùng nông thôn và núp dưới vỏ bọc của một nhà sư. Khi Nhật Bản không còn bị chiếm đóng nữa, Yoshikawa quay về đoàn tụ với gia đình và không kể cho bất kỳ người nào nghe về bí mật của cuộc đời mình cho mãi đến tận năm 1960. Cuối đời, Yoshikawa là một người bất hạnh, không có khả năng tự kiếm sống và buộc phải dựa vào công việc bán bảo hiểm của vợ để tồn tại qua ngày. Chính phủ Nhật không những không trao tặng cho Yoshikawa một danh hiệu nào mà còn không cấp lương hưu cho anh ta. Người điệp viên của trận chiến Trân Châu Cảng lừng lẫy một thời nhiều lúc chỉ còn biết tự lục vấn bản thân: Tại sao lịch sử lại đối đãi với mình như vậy?
Đình Vũ (tổng hợp)