Diễn viên Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Oscar bị đối xử thế nào?

Một trong những hạt sạn lớn nhất của Oscar diễn ra ngày 28/2 là một số ngôi sao gạo cội ở Hollywood tẩy chay sự kiện mà họ gọi là “Oscar trắng” vì phân biệt chủng tộc với diễn viên da màu. Sự việc khiến người ta nhớ lại diễn viên Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Oscar cách đây 75 năm, khi đó, bất chấp tài năng, bà đã phải chịu nhiều sự bất công và tủi hổ chỉ vì màu da.

Đó là cố diễn viên Hattie McDaniel, người giành giải ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai bà vú trong phim Cuốn theo chiều gió tại Oscar 12 năm 1939. Thời đó, chế độ phân biệt chủng tộc vẫn mạnh nên sự kiện vốn là vinh quang trong nghiệp diễn của một diễn viên lại bị biến thành giây phút tủi hổ.

Để đưa được bà McDaniel vào dự lễ Oscar tại khách sạn Ambassador, các lãnh đạo quyền lực ngành điện ảnh đã phải năn nỉ “gẫy lưỡi” khách sạn này. Cuối cùng, bà được vào nhưng phải ngồi tại một cái bàn nhỏ cách xa những diễn viên được đề cử Oscar khác.

Vai diễn của McDaniel trong phim Cuốn theo chiều gió.

Bài phát biểu của bà McDaniel khi nhận giải thưởng dài 67 giây cũng rất khiêm tốn. Bà thút thít khóc khi nói: “Tôi chân thành hi vọng tôi sẽ luôn luôn là niềm tự hào của người da màu và ngành điện ảnh”. Sau đó, mắt đẫm lệ, bà vội vàng rời sân khấu tới chiếc bàn bên rìa phòng.

Theo giáo sư luật Burlette Carter thuộc Đại học George Washington, người từng nghiên cứu về diễn viên McDaniel và giải Oscar của bà, đó là những giọt nước mắt nhẹ lòng, vui sướng nhưng cũng đau đớn. Giáo sư nói: “Đó là buổi tối lạ thường nhất đời McDaniel nhưng bà lại phải ngồi một mình. Bạn có thể thấy những bức ảnh các diễn viên khác của phim Cuốn theo chiều gió ngồi cùng nhau. Và bà cũng không thể tham gia bất kỳ bữa tiệc nào sau đó”.

Theo giáo sư Carter, người nào đó đã sắp xếp để McDaniel được vào khách sạn Ambassador nhưng công ty điện ảnh sản xuất bộ phim có thể muốn hạ thấp sự có mặt của bà tại lễ trao giải. Thời đó, thế giới rất khác bây giờ. Không chỉ miền nam và miền trung nước Mỹ, California cũng bị phân biệt chủng tộc, New York không quá tệ nhưng vẫn phân chia khu vực dành riêng cho người da đen và da trắng. Nếu bà McDaniel được chụp ảnh cùng toàn bộ các diễn viên khác, công ty có thể gặp rắc rối. Họ đã bỏ rất nhiều tiền làm phim và muốn thu hồi lại vốn.

Hai tháng trước lễ trao giải Oscar 12, bà McDaniel đã bị cấm cửa trong lễ ra mắt phim Cuốn theo chiều gió ở Atlanta. Nam diễn viên chính Clark Gable thời đó đã thông báo ông sẽ không dự lễ ra mắt phim vì luật cấm người da màu. Điều đáng nói là chính bà McDaniel đã giục diễn viên Gable, một trong những người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất thế giới bấy giờ, chịu lùi bước và tham gia lễ công chiếu.

Tối đó, bà McDaniel đã kỷ niệm lễ ra mắt bộ phim cùng với các bạn diễn người Mỹ gốc Phi ở một địa điểm khác. Điều an ủi là bà đã nhận được một bức điện từ tác giả cuốn sách Cuốn theo chiều gió Margaret Mitchell với nội dung: “Tôi ước bà có thể nghe thấy tiếng reo hò khi Thị trưởng Atlanta đã kêu gọi ủng hộ diễn viên Hattie McDaniel của chúng ta”.

Để phim Cuốn theo chiều gió được trình chiếu ở khu vực Deep South, nhà sản xuất David O. Selznick đã phải đồng ý vẽ lại áp phích phim, loại bỏ mọi gương mặt da đen. Lúc đó, các lãnh đạo da trắng Deep South mới cho phép phim ra các rạp.

Bà McDaniel (trái) nhận tượng Oscar năm 1939.

Dưới luật phân biệt chủng tộc hà khắc, người da trắng và da màu ở Mỹ bấy giờ rất cách biệt. Bản thân bà McDaniel cũng có bố mẹ từng là nô lệ. Điều đó đã bám sâu vào nghiệp diễn của bà, trong đó vai diễn điển hình thường là một người hầu. Trong cuộc sống, bà cũng phải kiếm thêm tiền bằng nghề giúp việc. Sự phân biệt chủng tộc đã bám theo bà McDaniel tận xuống mồ khi nghĩa trang Hollywood từ chối tâm nguyện cuối cùng của bà là được yên nghỉ ở đây.

Một điều không may khác xảy ra khi tượng Oscar của bà McDaniel biết mất cách đây 40 năm nhưng Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh vẫn từ chối thay thế bằng tượng khác, bất chấp lời kêu gọi từ các sử gia.

Phải 25 năm sau khi diễn viên McDaniel làm nên lịch sử, mới có một người Mỹ gốc Phi nữa giành giải Oscar, đó là Sidney Poitier. Và nửa thế kỷ sau, diễn viên Whoopi Goldberg mới trở thành phụ nữ da đen tiếp theo giành Oscar với vai diễn trong phim Ghost năm 1990. Trong những ngày đầu của kinh đô Hollywood, người Mỹ gốc Phi thường chỉ có vai trò phụ. Khi đóng phim, họ phải làm đen thêm màu da và học cách nói giọng của người nô lệ.

Sinh ra ở Kansas, diễn viên McDaniel theo anh trai Sam lên Hollywood để thử giọng hát và tham gia hàng trăm buổi thử giọng. Khi Sam có chương trình phát thanh riêng, bà McDaneil đã tham gia chương trình, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên xuất hiện trên đài phát thanh.

Sau phim Cuốn theo chiều gió, McDaniel vẫn vào vai người hầu trong các bộ phim. Bà bảo vệ vai diễn của mình: “Tại sao tôi phải phàn nàn về việc kiếm được 700 USD tuần nhờ đóng vai người hầu? Nếu tôi không làm thế, tôi sẽ phải làm người hầu thật kiếm 7 USD mỗi tuần”. Bà McDaniel thường bị người Mỹ gốc Phi chỉ trích vì không bảo vệ quyền của người da màu. Tuy nhiên, bà cho rằng bà không muốn đưa chính trị vào nghề diễn.

Sau này, bà McDaniel cũng kiếm đủ tiền để mua nhà riêng, tự thưởng cho mình những chiếc áo khoác lông, một ô tô đẹp và đồ trang sức. Ngay cả việc mua nhà ở khu toàn người da trắng cũng khiến bà khó khăn. Bà đã phải viện dẫn bạn diễn như Gable và James Cagney để đấu tranh cho mình.

Trong cả sự nghiệp, bà McDaniel được ghi tên trong 90 bộ phim nhưng bà xuất hiện trong ít nhất 200 phim nữa mà không hề được liệt kê trong danh sách diễn viên. Thông tin về bà cũng rất ít. Các tạp chí về người nổi tiếng ghi lại mọi lời các diễn viên da trắng thốt ra nhưng hiếm khi phỏng vấn diễn viên Mỹ gốc Phi.

Diễn viên McDaniel chết khi mới 57 tuổi năm 1952 vì bị ung thư vú. James Cagney là diễn viên da trắng nổi tiếng duy nhất dự đám tang bà.

Thùy Dương
Nóng bỏng “tranh luận màu da” trước thềm Oscar 2016
Nóng bỏng “tranh luận màu da” trước thềm Oscar 2016

Trước thềm lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar 2016, giới phê bình lẫn người hâm mộ môn “nghệ thuật thứ 7” đang bị cuốn vào một cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh câu chuyện “Giải Oscar toàn người da trắng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN