Điểm lại những lần Mỹ từng phát động cuộc chiến thuế quan với thế giới - Phần 1

Từ cuộc chiến gà vào những năm 1960 đến cuộc tranh cãi về chuối vào những năm 1990, nước Mỹ từng tham gia nhiều cuộc chiến thuế quan trước thời Tổng thống Donald Trump.

Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930

Vào năm 1929, thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ, gây ra chấn động không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Đại Khủng Hoảng, một giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài suốt một thập kỷ, đã bắt đầu.

Vài tháng sau, tức là tháng 6/1930, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký thành luật Đạo luật Smoot-Hawley. Luật này ban đầu nhằm áp đặt thuế quan để bảo vệ nông dân Mỹ khỏi bị cạnh tranh từ nước ngoài, nhưng đã được mở rộng ra một loạt các sản phẩm khác, tăng thuế quan đối với hàng hóa nông sản và công nghiệp khoảng 20%.

Chú thích ảnh
Willis C. Hawley (trái) và Reed Smoot vào tháng 4/1929, ngay trước khi Đạo luật thuế quan Smoot–Hawley được Hạ viện thông qua. Ảnh: Wikipedia

Luật này được đặt tên theo những người ủng hộ chính là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Reed Smoot của bang Utah và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Willis Hawley của bang Oregon.

Ngay lập tức, đạo luật này đã gây ra các cuộc chiến thương mại. Nhiều quốc gia, bao gồm Canada, Pháp và Tây Ban Nha, đã áp đặt thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ. Theo tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Canada đã đánh thuế lên 16 sản phẩm của Mỹ, chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu của Mỹ vào thời điểm đó.

Suy giảm thương mại đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Đến năm 1933, xuất khẩu của Mỹ đã giảm 61%. Đạo luật Smoot-Hawley thường được các chuyên gia coi là một yếu tố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hoover giảm sút và chiến dịch tái cử của ông thất bại khi thành viên đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt đánh bại ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932.

Vào tháng 6/1934, Tổng thống Roosevelt ký Đạo luật Thỏa thuận Thương mại hai bên, theo đó kêu gọi các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia khác để xoa dịu các tác động của Smoot-Hawley. Đạo luật này nêu rõ rằng phục hồi đầy đủ và lâu dài nền kinh tế trong nước phần nào phụ thuộc vào khôi phục và củng cố thương mại quốc tế. Giữa năm 1934 và 1939, chính quyền của Tổng thống Roosevelt đã đàm phán các thỏa thuận thương mại với 19 quốc gia.

Cuộc chiến gà những năm 1960

Chú thích ảnh
Trang trại gà ở Florida, Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Vào những năm 1960, Mỹ và các quốc gia châu Âu đã tham gia cuộc chơi tốn kém liên quan đến gà trên Đại Tây Dương.

Trong suốt Thế chiến II từ năm 1939 đến 1945, thịt đỏ bị hạn chế. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch khuyến khích người Mỹ ăn cá và gia cầm khác thay thế. Trong những năm tiếp theo, Mỹ đã tăng cường chăn nuôi gà trong các trang trại, điều này đã làm giảm giá gà.

Giai đoạn sau Thế chiến II cũng chứng kiến quá trình toàn cầu hóa tăng tốc. Châu Âu bắt đầu mua gà giá rẻ từ Mỹ. Kết quả là các nông dân châu Âu lo sợ sẽ bị loại khỏi thị trường khi gà Mỹ giá rẻ, lớn nhanh đánh bại những con gà lớn chậm và giá đắt của châu Âu.

Năm 1962, các thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), sau này được sáp nhập vào Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt thuế quan đối với gà Mỹ. Pháp, Tây Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã tăng thuế quan đối với gà Mỹ lên 13,43 xu (khoảng 1,4 USD ngày nay) cho mỗi pound gà (1 pound = 0,45kg).

Xuất khẩu gà của Mỹ sang châu Âu giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giữa năm 1962 và 1963, xuất khẩu gà của Mỹ giảm khoảng 30%.

Vào năm 1963, Tổng thống Lyndon B Johnson đã áp đặt thuế quan trả đũa đối với tinh bột khoai tây, rượu mạnh, dextrin (một hóa chất được sử dụng để sản xuất giấy), xe tải có giá trị trên 1.000 USD (10.267,7 USD hiện nay).

“Thuế gà” đối với xe tải nhẹ vẫn còn hiệu lực. Điều này đã dẫn đến một trò chơi “mèo vờn chuột” giữa các nhà sản xuất nước ngoài cố gắng tiếp cận thị trường Mỹ và các nhà quản lý. Các nhà sản xuất đã cố gắng chế tạo những mẫu xe có thể đáp ứng tiêu chuẩn của xe chở khách, hoặc có thể lắp ráp tại Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng các nhà sản xuất ô tô châu Á, đặc biệt là từ Nhật Bản, chủ yếu đã xây dựng các nhà máy ở Bắc Mỹ.

Cuộc chiến gỗ giữa Mỹ và Canada năm 1982

Chú thích ảnh
Gỗ được vận chuyển tới Vancouver, Canada. Ảnh: Wikipedia

Mỹ ở trong tình thế “chỉ thấy cây mà không thấy rừng” khi chiến đấu với Canada về gỗ mềm.

Nguồn gốc của cuộc xung đột là Canada trồng và khai thác gỗ từ đất công và giá cả do chính phủ quyết định. Trong khi đó, Mỹ khai thác gỗ từ các khu đất tư nhân.

Vào năm 1982, Mỹ cho rằng Canada đang trợ cấp không công bằng cho gỗ mềm, dẫn đến nhiều vòng xung đột, thuế quan và thuế quan trả đũa.

Cuộc chiến gỗ vẫn tiếp tục. Gỗ của Canada phải đối mặt với mức thuế 14% hiện tại ở Mỹ, ngay cả trước khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ tăng thêm 25% như mới đây.

Mỹ nhập khẩu gần một nửa sản phẩm gỗ từ Canada.

Thuế quan đối với ô tô Nhật Bản năm 1987

Vào năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan đã áp đặt mức thuế 100% đối với 300 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, đặc biệt là ô tô từ quốc gia Đông Á này.

Chính quyền Tổng thống Reagan cho biết đã áp đặt các thuế quan này do Nhật Bản không thực hiện các điều khoản của một thỏa thuận thương mại chất bán dẫn năm 1986 với Mỹ. Thỏa thuận yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường của mình cho chất bán dẫn máy tính do Mỹ sản xuất.

Nhật Bản không trả đũa. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Nhật Bản, ông Hajime Tamura, nói với báo chí khi đó: “Hy vọng ngăn chặn vấn đề này gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống thương mại tự do của thế giới, từ góc độ rộng hơn, chính phủ Nhật Bản đã quyết định không thực hiện biện pháp trả đũa ngay lập tức”.

Tình hình trở nên tồi tệ đối với nền kinh tế Nhật Bản, giá trị của đồng yên tăng lên và xuất khẩu giảm. Vào những năm 1990, Nhật Bản rơi vào suy thoái kinh tế và kéo dài đến năm 2002.

Trước khi áp đặt thuế quan, Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Nhật Bản. Vào năm 1986, thâm hụt lên tới khoảng 55 tỷ USD. Thâm hụt giảm nhẹ xuống dưới 52 tỷ USD vào năm 1988 và 43 tỷ USD vào năm 1991. Thâm hụt này đã dao động và gần đây lại tăng lên. Vào năm 2023, thâm hụt đạt mức 72 tỷ USD.

Còn nữa...

Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)
Điểm lại những lần Mỹ từng phát động cuộc chiến thuế quan với thế giới - Phần cuối
Điểm lại những lần Mỹ từng phát động cuộc chiến thuế quan với thế giới - Phần cuối

Từ cuộc chiến gà vào những năm 1960 đến cuộc tranh cãi về chuối vào những năm 1990, nước Mỹ từng tham gia nhiều cuộc chiến thuế quan trước thời Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN