Đi tìm cái nôi của nền văn minh Maya - Kỳ cuối:

Nhà nghiên cứu nhân chủng học Takeshi Inomata của trường đại học Arizona đang tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực Ceibal, trung tâm phát triển của người Maya ở Guatemala. Ông là người đã dày công nghiên cứu khu khảo cổ này suốt 7 năm qua trong cuộc hành trình làm sáng tỏ cái nôi khai sinh ra một trong những nền văn minh nổi tiếng của nhân loại.


Kim tự tháp bậc thang của người Maya.


Giới khảo cổ và nhân chủng học đang bám vào manh mối về một “khoảng trống quyền lực” đã xuất hiện vào khoảng thời gian từ năm 1000 - 800 trước Công nguyên. Ông Inomata cho biết : “Một sự thay đổi lớn trong xã hội đã xảy ra thông qua quá trình giao tiếp giữa cư dân của các khu vực”.


Có vẻ như người Olmec đã không hề truyền cảm hứng cho người Maya trong việc hình thành những đặc trưng riêng về văn hóa của họ. Thay vào đó, toàn bộ khu vực này đã trải qua một cuộc giao thoa văn hóa vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Trong cuộc giao thoa đó, tất cả các nền văn hóa lân cận cùng tiếp nhận những phong cách kiến trúc và nghi lễ có những điểm tương đồng nhau. Theo ông Inomata: “Nhóm nghiên cứu cho rằng đã từng có sự kết nối giữa các nhóm người khác nhau nhưng nó có thể không phải là một sự tác động mang tính định hướng”. Điều này có nghĩa rằng những nhóm người cổ xưa đã học tập phong cách tổ chức nghi lễ và kiến trúc của nhau, thay đổi chúng và sáng tạo thêm nhiều điểm khác biệt.


Nhà nhân chủng học của trường đại học Longwood (Mỹ) Walter Witsched nói: “Thông điệp mà chúng ta đang nhận thấy là người Maya đã không kế thừa những di sản tinh xảo từ cộng đồng nào khác và đa phần những đổi mới mà chúng ta nhận thấy trên khu vực này có thể được phát triển từ chính vùng Ceibal hoặc một nơi nào đó tương tự Ceibal”.


Các nhà khảo cổ học phân tích lớp đất đá bên dưới lòng đất.


Mặc dù hầu như không có thông tin tư liệu gì về giai đoạn phát triển sớm của người Maya, giai đoạn diễn ra trước cả thời điểm cộng đồng này phát triển hệ thống chữ viết và trước cả những ghi chép về hệ thống lịch phức tạp của họ, ông Inomata cho biết khu vực kim tự tháp và quảng trường mới được phát hiện gần như chắc chắn là một không gian của các nghi lễ trong đời sống của người Maya. Trong số các cổ vật nghệ thuật được tìm thấy ở đây, các nhà khảo cổ phát hiện có rất nhiều chiếc rìu đá xanh mà họ dự đoán là lễ vật hiến tế. Có vẻ như nơi đây từng được sử dụng làm địa điểm quan sát mặt trời trong các nghi lễ của người Maya cổ đại.


Bên cạnh đó, một manh mối khác về sự định cư của người Maya cũng đã xuất hiện. Nhà nhân chủng học Daniella Triadan thuộc nhóm nghiên cứu cung cấp thêm thông tin: “Những người đầu tiên định cư ở Ceibal đã sớm có ý tưởng thể hiện tầm nhìn xa về việc định hình một ngôi làng. Sự chuyển đổi từ phong cách sống di chuyển săn bắt hái lượm và trồng trọt rau củ sang phong cách định cư nông nghiệp vĩnh viễn diễn ra nhanh chóng”. Bà Triadan cho biết thêm, việc xây dựng những trung tâm nghi lễ của Ceibal đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng và trong xã hội hẳn đã có những người có những vị trí đặc biệt cũng như có kiến thức sâu về việc tiến hành các nghi lễ.


Vậy lý do gì khiến người Maya từ bỏ cách sống bán định cư để xây dựng những ngôi làng và thành phố cố định vào thời điểm này? Liệu có mối liên quan nào đến sự hình thành văn hóa của họ? Theo ông Inomata, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có một khả năng là kĩ thuật trồng ngô của người Maya đã giúp mang lại năng suất cao hơn trong trồng trọt vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên.


Không như những người Olmec vùng duyên hải từ lâu đã có thể trồng cây ngô rất tốt nhờ vào đất đai màu mỡ từ những con sông đổ vào vịnh Mêhicô, người Maya sở hữu một vùng đất khô cằn và ít màu mỡ hơn. Thêm vào đó, họ lại nuôi ít cá và gia cầm hơn. Vì vậy, nếu quả thật năng suất của cây ngô đã tăng lên thì nó có thể chính là nguyên nhân khiến cho những người Maya bắt đầu một cuộc sống ổn định. Ông Inomata nói: “Đến thời điểm này, có vẻ như lý do tại sao người Maya đốn cây rừng, biến đất rừng thành đất nông nghiệp đã trở nên rõ ràng”. Hiện các thành viên của nhóm nghiên cứu đang phân tích các yếu tố môi trường để có được cái nhìn rõ nét hơn về khí hậu và thời tiết của khu vực này quanh thời điểm định cư của người Maya.


Điều có vẻ đã rõ ràng là nền văn minh của người Maya không cần phải dựa dẫm vào lớp tro tàn của một nền văn minh nào trước đó. Kết quả của những phát hiện về người Maya một lần nữa cho thấy, một nền văn minh mới hoàn toàn có thể xuất hiện thông qua quá trình giao tiếp, trao đổi ý tưởng giữa nhiều nhóm người mà không cần đến tàn dư của một nền văn minh đi trước. Ông Witschey nói: “Điều nhắc nhở chúng ta ở đây là khu rừng rậm này vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật, vẫn còn đó nhiều điều cần được khám phá và không ai có thể hình dung ra được câu chuyện tiến hóa của một nền văn minh lại có thể phức tạp đến chừng nào”.



Anh Minh (tổng hợp)

Đi tìm cái nôi của nền văn minh Maya - Kỳ 1:
Đi tìm cái nôi của nền văn minh Maya - Kỳ 1:

Nền văn minh Maya được biết đến với quãng thời gian hơn 600 năm phát triển rực rỡ ở Trung Mỹ, với những thành phố rộng lớn có các kim tự tháp bậc thang sừng sững, với hệ thống chữ viết vô cùng phức tạp và thuật chiêm tinh chính xác một cách kinh ngạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN