Nền văn minh Maya được biết đến với quãng thời gian hơn 600 năm phát triển rực rỡ ở Trung Mỹ, với những thành phố rộng lớn có các kim tự tháp bậc thang sừng sững, với hệ thống chữ viết vô cùng phức tạp và thuật chiêm tinh chính xác một cách kinh ngạc. Mặc dù nền văn minh từng sản sinh ra những thành phố huy hoàng của thế giới này đã lụi tàn từ lâu, song nghi vấn xung quanh nguồn gốc của nó vẫn tiếp tục là một chủ đề nóng trong những cuộc tranh cãi chưa thể đi đến hồi kết giữa các nhà khảo cổ học.
Kỳ 1: Kế thừa hay không kế thừa?
Thời kì vàng son của người Maya diễn ra khoảng từ năm 250 - 900 sau Công nguyên. Nhưng nguồn gốc của nền văn hóa này lại khởi nguồn từ trước đó rất lâu. Các nhà khảo cổ học vẫn đang tranh luận sôi nổi liệu người Maya, vốn nổi tiếng với hệ thống lịch phức tạp từng khuấy động lên những đồn thổi về sự hủy diệt của thế giới vào năm 2012, đã tự tay xây dựng nên nền văn hóa lẫy lừng này hay liệu họ đã “vay mượn” chất liệu của một nền văn hóa khác?
Một di chỉ khảo cổ đang được khai quật tại Ceibal. |
Một số nhà khảo cổ học cho rằng đặc trưng trong đời sống văn hóa của người Maya, bao gồm những trung tâm tổ chức nghi lễ trên các quảng trường và kim tự tháp rộng lớn, được “ươm mầm” từ một nền văn hóa lâu đời hơn: nền văn hóa của người Olmec ở Mexico. Tuy nhiên, số khác lại nghiêng theo quan điểm văn hóa của người Maya xuất phát từ chính cộng đồng người này và thế giới bên ngoài không tác động nhiều lên sự hình thành của nó. Điều thú vị là theo một nghiên cứu mới đây, câu trả lời đều không nằm ở cả hai phương án này.
Những công trình kiến trúc mới được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ Ceibal (Guatemala) đang hướng giới khảo cổ học vào các giả thuyết khác về nguồn gốc của văn hóa Maya. Các nhà khảo cổ học cho rằng chúng được sử dụng trong các nghi lễ của người Maya cổ và có tuổi đời lớn hơn những công trình khác xuất hiện trong khu vực với độ chênh lệch lên đến 200 năm, lớn hơn cả dự kiến của nhóm nghiên cứu. Phải chăng nguồn gốc của nền văn minh Maya phức tạp hơn nhiều so với những hiểu biết trước đây của giới khoa học?
Bản đồ phân bố các trung tâm của người Maya và Olmec. |
Nhà nhân chủng học Takeshi Inomata thuộc trường Đại học Arizona (Mỹ) cho biết trải qua 7 năm khai quật khảo cổ ở độ sâu từ 7 - 18 m trên vùng đất của người Maya ở Guatemala, nhóm nghiên cứu đã vẽ ra được một bối cảnh phức tạp hơn về sự hình thành của nền văn minh này. Sau khi tiến hành phân tích các lớp đất đá cũng như sử dụng phương pháp phóng xạ cácbon để xác định độ tuổi của các di chỉ ở đây, nhóm nghiên cứu kết luận người Maya tại khu vực Ceibal đã bắt đầu xây dựng các công trình quanh thời điểm năm 1000 trước Công nguyên và sau đó biến chúng thành một kim tự tháp và quảng trường trung tâm trước thời điểm năm 800 trước Công nguyên.
Trong khi đó, những công trình của người Olmec ở La Venta, nằm cách đó hàng trăm dặm tại bờ biển vịnh Mexico, được xác định có độ tuổi vào khoảng năm 800 trước Công nguyên. Điều này có nghĩa là những dấu hiệu kiến trúc và tôn giáo đặc trưng của xã hội Maya đã xuất hiện trước cả sự ra đời của văn hóa Olmec.
Dẫu thế, cũng không thể vội vã kết luận văn hóa của người Maya không bắt nguồn từ văn hóa của người Olmec. Điểm đáng lưu ý, theo nhà nhân chủng học Inomata, là trải qua nhiều thế kỉ trước khi những cư dân của vùng Ceibal bắt đầu xây dựng nền văn minh riêng của mình, chắc chắn họ đã chịu những ảnh hưởng nhất định của người Olmec. Câu chuyện càng lúc càng trở nên phức tạp và khó hiểu hơn khi ông Inomata cho biết mặc dù vậy, những công trình của người Olmec lại không có những nét đặc trưng xuất hiện trong các nghi lễ và đạt đến độ phức tạp như những dấu hiệu được ghi nhận trên di chỉ của người Maya. Vậy, văn hóa của người Maya thực sự bắt nguồn từ đâu?
Trước khi phát triển ở trung tâm La Venta, người Olmec cũng từng có một trung tâm khác ở San Lorenzo. Nhưng nơi đây đã lụi tàn vào khoảng năm 1150 trước Công nguyên và một lần nữa, những dấu hiệu đặc trưng được nhận thấy trên những công trình của người Maya cũng không được ghi nhận tại đây.
Do đó, thời điểm khoảng từ năm 1000 - 800 trước Công nguyên đang dần lộ diện là điểm mấu chốt trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc của nền văn hóa của người Maya. Có một “khoảng trống quyền lực” đã xuất hiện giữa sự sụp đổ của San Lorenzo và sự phát triển của La Venta. Chính “khoảng trống quyền lực” này đã tạo điều kiện cho những cộng đồng người Maya đầu tiên có cơ hội trải nghiệm và tiến hành đổi mới nền văn hóa của họ.
Ông Inomata nói: “Chúng tôi đang tìm kiếm một thay đổi lớn trong giai đoạn này, xảy ra giữa thời điểm biến mất của một trung tâm hùng mạnh của người Olmec và người Maya ở Ceibal là một phần trong sự thay đổi đó”.
Anh Minh (tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Sự hình thành của văn minh Maya