Đêm ác mộng của Hải quân Mỹ-Kỳ 3: Trong vòng vây

Sau khi Đô đốc Doorman ngã xuống với chiếc tàu dẫn đầu của mình, thuyền trưởng của tàu Perth nhận nhiệm vụ chỉ huy.

Ngày 28/2/1942, ngày hôm sau của trận chiến biển Java, các tàu tuần dương còn lại của lực lượng hải quân ABDA là Perth và USS Houston rút về vịnh Batavia và phải qua eo biển Sunda, với hy vọng có thể phá hủy lực lượng đổ bộ Nhật Bản. Tại đây, cả hai chiếc tàu này đều bị các tàu khu trục của Nhật bao vây và tấn công bằng ngư lôi khi tiếp cận lối ra vào vịnh.

Tàu Houston trong vòng vây của quân Nhật.


Vào buổi tối định mệnh ngày 28/2/1942, khi Walter G. Winslow, sĩ quan hải quân trên tàu USS Houston, đứng trên boong lái chiêm ngưỡng sắc xanh bình yên của bờ biển Java đang khuất dần về phía sau lưng. Winslow cảm thấy quá mệt mỏi và đầu óc bị chi phối bởi câu hỏi vốn đang luẩn quẩn trong tâm trí của mỗi một thủy thủ trên tàu: “Liệu chúng ta có thể vượt qua eo biển Sunda được không?”

Rất nhiều người trên USS Houston đã có dự cảm rằng con tàu đã mất đi 8 trong số 9 phần mạng sống của mình và yêu cầu cuối cùng này dường như là quá sức với nó. Các máy bay tuần tiễu của Nhật đã theo dõi USS Houston cả ngày và đương nhiên là những di chuyển của con tàu này chẳng có gì là bí mật đối với lực lượng đối phương ở Java.

Hơn thế nữa, rất hợp lý khi kết luận rằng tàu ngầm của Nhật đã được bố trí dọc theo chiều dài của eo biển Sunda để đánh chặn và tiêu diệt các tàu tìm cách chạy thoát thân vào Ấn Độ Dương. Thực tế là chẳng có chút hi vọng mong manh nào, USS Houston đã bị mắc kẹt và Winslow không thể nào khiến mình tin rằng con tàu đang đi đúng hướng.

Sau cuộc chiến ngày 27/2/1942, USS Houston đã bị tổn hại nghiêm trọng. Chấn động do đạn pháo đã tàn phá nội thất của con tàu. Cabin của thuyền trưởng là một cảnh tượng tồi tệ. Đã có một thời gian nó đã được làm cabin của Tổng thống Roosevelt, nhưng bây giờ không ai có thể nhận ra nó trong tình trạng như vậy.

Đồng hồ vỡ vụn trên sàn, đồ đạc bị lật ngược, gương vỡ tan, biểu đồ bị xé toạc khỏi các vách tàu, và các mảng lớn các phòng cách âm đã bị rời ra từ các vách ngăn với những đống đổ nát thì chồng chất trên boong. Các tấm chắn đã bị yếu sau những lần trúng đạn, đang bị bung và rò rỉ. Kính trên các cửa sổ của đài chỉ huy vỡ tan. Vòi cứu hỏa trải dọc lối đi đã bị rò rỉ, đạn dược thì cạn kiệt.

Lúc gần 24 giờ, tiếng báo động bất ngờ vang lên. Khi Winslow chạy đến gần đài chỉ huy thì tất cả các khẩu súng trên tàu đang hoạt động. Cả những khẩu súng chống máy bay cũng tham gia chống lại các mục tiêu trên mặt nước.

Lúc Winslow bước lên đài chỉ huy thì tàu USS Houston đã bị bao vây trong ánh sáng chói lóa của các các đèn rọi. Đằng sau ánh đèn, Winslow rất khó có thể phân biệt được sự bố trí của các tàu khu trục Nhật. Trong cuộc chiến sinh tồn, USS Houston đã chĩa súng về phía các đèn rọi này.

Mặc dù đài chỉ huy là trung tâm đầu não của USS Houston, Winslow vẫn không thể nhận ra thứ mà con tàu này đang phải đối mặt. Những gì mà USS Houston đã thực sự chạm trán ước tính khoảng 60 tàu vận tải, 20 tàu khu trục và 6 tàu tuần dương. Perth và USS Houston đang ở giữa vòng vây của tàu địch trước khi các bên nhận ra sự hiện diện của đối phương.

Đột nhiên bị bao vây nên tàu Perth và USS Houston đã ngay lập tức nổ súng, nỗ lực phá vỡ vòng vây. Không lâu sau đó, tàu Perth đã bị ngư lôi phá hủy. Bất động trong làn nước biển, con tàu này vẫn tiếp tục bắn phá đối phương cho tới khi đạn pháo của Nhật làm nó nổ tung thành từng mảnh.

Khi thuyền trưởng Rooks nhận thấy rằng tàu Perth đã bị hạ, ông quay tàu USS Houston nhằm vào trung tâm đoàn tàu vận tải của Nhật, xác định rằng sẽ đối mặt với việc không có lối thoát nào cho USS Houston.

Ở cự ly gần, USS Houston bắn phá các tàu vận tải của Nhật với tất cả vũ khí đạn dược của mình, và đồng thời chiến đấu với các tàu khu trục đang tấn công bằng ngư lôi và hỏa pháo.

Tàu tuần dương Nhật vẫn bám đuổi ở phía sau, bắn hết loạt đạn này đến loạt đạn khác xung quanh USS Houston. Bất ngờ, một quả ngư lôi đã tấn công trúng phòng động cơ của USS Houston khiến những người ở đó thiệt mạng và làm giảm tốc độ của con tàu.


Khói dày và hơi nóng bốc lên từ phòng động cơ phía sau khiến thủy thủ đoàn tạm thời phải rời xa các khẩu pháo và súng, nhưng họ đã quay lại ngay bất chấp tất cả.

Trục nâng nòng pháo bị mất điện khiến cho việc chuyển các khẩu pháo tới kho vũ khí, vốn đã gần cạn kiệt, bị đình trệ. Các thủy thủ đã phải mang đạn pháo lên bằng tay, nhưng các mảnh vỡ của tàu và các đám cháy đã ngăn bước họ. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục nã đạn.

Cùng lúc đó, tháp pháo số 2 bị trúng đạn và nổ tung, gây ra những ngọn lửa dữ dội trên đài chỉ huy. Sức nóng quá khủng khiếp khiến tất cả mọi người phải chạy ra khỏi tháp chỉ huy, khiến thông tin liên lạc đến các bộ phận khác của tàu tạm thời bị gián đoạn.

Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, nhưng khi các vòi phun nước làm ngập kho vũ khí thì thủy thủ đoàn phát hiện ra rằng nguồn cung cấp đạn cuối cùng còn sót lại cũng bị phá hủy. Điều này cũng có nghĩa là giờ đây tàu USS Houston không còn một khẩu pháo chủ lực nào.

Nhiều đám cháy đã bùng lên khắp nơi trên tàu và ngày càng khó dập tắt. Một quả ngư lôi nữa lại đánh trúng vào USS Houston phía trước boong lái. Sức nổ làm tàu rung chuyển và Winslow nhận ra rằng USS Houston sẽ kết thúc ở đây.

Những người còn lại trên tàu chầm chậm di chuyển lần lượt lên mạn tàu khi con tàu già nua vĩ đại dần mất lái và dừng hẳn. Một vài khẩu súng còn hoạt động tiếp tục nã đạn, mặc dù cái kết cho USS Houston đã cận kề. Trái tim thuyền trưởng Rooks dường như tan nát, nhưng giọng nói của ông mạnh mẽ khi ông thổi còi tập trung và buộc phải ra lệnh: “Tất cả rời khỏi tàu”.


Thuận Nguyễn
Đêm ác mộng của Hải quân Mỹ - Kỳ 2: Trận chiến trên biển Java
Đêm ác mộng của Hải quân Mỹ - Kỳ 2: Trận chiến trên biển Java

USS Houston (CA - 30), “Bóng ma của bờ biển Java”, là tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Mỹ, là chiếc thứ năm trong lớp Northampton và là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Mỹ được đặt theo tên của thành phố Houston, bang Texas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN