Cuộc tìm kiếm ‘Chân dung Bác sĩ Gachet’ - kiệt tác thất lạc của Van Gogh - Kỳ cuối

Danh tính của người sở hữu bức tranh "Chân dung Bác sĩ Gachet" cũng như nơi tác phẩm đang được cất giữ trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của giới nghệ thuật.

Kỳ cuối: Hành trình truy tìm bế tắc

Chú thích ảnh
Khung tranh từng giữ bức "Chân dung Bác sĩ Gachet" trống không ở Bảo tàng Städel. Ảnh: historiasdearte

Sau khi Van Gogh tự sát, bức tranh được chuyển cho em trai ông là Theo, sau đó tới Johanna, vợ của Theo, người đã bán bức tranh vào năm 1897 với giá 300 franc (khoảng 58 USD thời đó). Đến năm 1904, bức tranh thuộc về một bá tước người Đức, người đã trả khoảng 400 USD.

Danh tiếng của Van Gogh ngày càng lan rộng sau khi ông qua đời, đặc biệt là ở Đức. Năm 1911, Bảo tàng Städel mua lại bức chân dung và trưng bày bên cạnh tác phẩm của các danh họa như Dürer, đưa Van Gogh lên ngang tầm với họ. Bức “Chân dung Bác sĩ Gachet” nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm quý giá nhất của bảo tàng.

Tuy nhiên, khi Đức Quốc xã lên nắm quyền vào những năm 1930, họ thúc đẩy một làn sóng bảo thủ coi thường sự táo bạo của nghệ thuật hiện đại, vốn phá vỡ lối mô tả trực quan truyền thống. Các tác phẩm của Van Gogh và nhiều nghệ sĩ khác bị dán nhãn là “suy đồi”. Do đó, Bảo tàng Städel đã cố gắng bảo vệ các tác phẩm trong một căn phòng khóa kín.

Khi Đức Quốc xã bắt đầu tịch thu các tác phẩm nghệ thuật mà họ ghét bỏ, bức “Chân dung Bác sĩ Gachet” thoát khỏi đợt tịch thu đầu tiên năm 1937. Nhưng đến cuối năm đó, nó đã bị thu giữ và gửi đến Berlin.

Vài tháng sau, một đại lý nghệ thuật của Reichsmarschall Hermann Goering đã bán bức tranh này cho Franz Koenigs, một chủ ngân hàng Đức sống tại Amsterdam. Chủ nhân tiếp theo của bức tranh là một chủ ngân hàng Đức gốc Do Thái tên Siegfried Kramarsky, người đã mang bức chân dung đến New York khi ông di cư. Trong nhiều thập kỷ, bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thường vào mùa hè khi gia đình Kramarsky đi vắng. Năm 1984, bức tranh được gửi đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan theo dạng cho mượn không thời hạn.

Khi gia đình Kramarsky bán bức “Chân dung Bác sĩ Gachet” vào năm 1990, người trả giá cao nhất là Ryoei Saito, Chủ tịch danh dự của Công ty Sản xuất Giấy Daishowa. Ông vướng vào những rắc rối pháp lý và khi các rắc rối ngày càng trầm trọng, bức tranh này và các tác phẩm khác của ông được chuyển cho một chủ nợ là Ngân hàng Fuji.

Ngân hàng này bán bức tranh vào năm 1997 cho Wolfgang Flöttl, một nhà tài chính người Áo. Người này đã chuyển đến New York, kết hôn với Anne Eisenhower, cháu gái tổng thống Mỹ, và bắt đầu hoạt động mua sắm tác phẩm nghệ thuật.

Khi tình hình tài chính của Flöttl gặp khó khăn, bức Bác sĩ Gachet lại được bán, lần này qua giao dịch riêng do Sotheby’s sắp xếp. Giá bán và danh tính người mua đều không được công bố và bức tranh đã hoàn toàn biến mất khỏi thế giới nghệ thuật.

Ông Wouter van der Veen, một học giả về Van Gogh, bình luận: “Bức tranh là một phần của lịch sử, nhưng cũng là một phần của cuộc sống chúng ta ngày nay, và việc không biết bức tranh ở đâu là điều thật không thể chịu nổi”.

Bức chân dung đã vắng mặt tại các triển lãm năm 2023 ở Amsterdam và Paris, nơi trưng bày các tác phẩm của Van Gogh được sáng tác tại Auvers-sur-Oise. Hơn một nửa trong số 74 bức tranh Van Gogh vẽ tại đây đã được trưng bày.

Ông Teio Meedendorp, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Van Gogh, nhận xét. “Đôi khi ta phải kiên nhẫn với những việc như thế này. Tôi hy vọng trong đời mình, bức chân dung Gachet sẽ xuất hiện trở lại”.

Trong nhiều năm qua, đã có đủ loại suy đoán về người sở hữu bức tranh Bác sĩ Gachet.

Ông Guido Barilla, Chủ tịch công ty mì ống cùng tên, được cho là người giữ bức tranh này. Tuy nhiên, một nhà báo người Đức tên Johannes Nichelmann đã bác bỏ điều đó trong một podcast năm 2019. Trong podcast này, David Nash, người từng là giám đốc Nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại tại Sotheby’s, đã nói rằng người mua bức tranh Bác sĩ Gachet là một người Italy sống ở Thụy Sĩ, nhưng ông không nêu tên cụ thể.

Năm 2019, một nhà báo viết về nghệ thuật người Đức khác, Stefan Koldehoff, đã viết rằng chủ sở hữu hiện tại được nhà đấu giá Sotheby’s gọi là “Người ở Lugano”. Lugano là một thành phố ở Thụy Sĩ.

Không có gì ngạc nhiên khi những người tại Sotheby’s biết, hoặc nghĩ rằng họ biết ai đang sở hữu bức tranh “Chân dung Bác sĩ Gachet”. Một phần vì nhà đấu giá này đã bán bức tranh đó, phần khác vì họ hoạt động trong lĩnh vực cần theo dõi và giữ bí mật danh tính của các chủ sở hữu để khi có tình huống như tử vong, ly hôn hoặc có nhu cầu bán tranh, công ty của họ sẽ có lợi thế.

Các chuyên gia của nhà đấu giá Sotheby’s xây dựng mối quan hệ với các chủ sở hữu, thường xuyên liên lạc và theo dõi vị trí các kiệt tác một cách cẩn thận, kéo dài hàng thập kỷ. Đôi khi, họ chỉ giữ thông tin trong đầu hoặc viết nguệch ngoạc trên các danh mục bán hàng, thẻ chỉ mục (kiểu cũ) hoặc cơ sở dữ liệu kỹ thuật số (kiểu mới) để ghi lại việc mua bán của các khách hàng quan trọng.

Chú thích ảnh
Cuộc đấu giá bức "Chân dung Bác sĩ Gachet" trị giá 82,5 triệu USD của Van Gogh. Ảnh: avonoldfarms

Để xây dựng những mối quan hệ này, các chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật quan trọng được Sotheby’s tặng những đặc quyền như vé xem triển lãm, đặt bàn nhà hàng, thẩm định bảo hiểm hoặc khoản vay, tạo dựng một mối quan hệ để nhà đấu giá có thể tới tận nhà họ, giúp xác nhận những gì chủ sở hữu đang nắm giữ.

Những người nói rằng họ biết ai sở hữu bức “Chân dung Bác sĩ Gachet” thuộc nhóm người trong nội bộ thế giới nghệ thuật. Họ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng họ thường rất am hiểu. Bốn người trong số họ tin rằng bức tranh đã được gia đình Invernizzi người Italy mua và gia đình này đang sống ở Lugano, Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, tất cả đều từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, viện dẫn cam kết lâu dài của mình về việc giữ bí mật nghề nghiệp.

Khi tìm tới gia đình Invernizzi ở Thụy Sĩ, người phát ngôn của gia đình, bà Mara Hofmann, nói rằng bà không thể xác nhận và từ chối bình luận thêm. Những thành viên khác trong gia đình này cũng từ chối bình luận.

Ông Andrew Findlay, nhà kinh doanh nghệ thuật từng tham gia vào cuộc bán đấu giá năm 1990, nói rằng ông không biết ai đã mua bức tranh “Chân dung Bác sĩ Gachet” vào năm 1998. Ông nói: “Nhiều người đã đến đây trong các năm qua và nói với tôi rằng họ biết bức tranh ở đâu, nhưng tôi tin rằng họ đã sai”.

Ông Findlay cho biết rằng thực ra ông từng nghe bức tranh có lẽ đã được chuyển giao cho một chủ sở hữu khác kể từ năm 1998. Nhưng khi được hỏi chi tiết hơn, ông lại từ chối bình luận.

Như vậy, câu hỏi bức tranh Bác sĩ Gachet ở đâu vẫn là chưa có lời giải đáp.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh
Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh

Sau khi bức tranh của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh được bán đấu giá, một nhà sản xuất phim đã nhận mình là chủ sở hữu. Sau đó, bức tranh biến mất và khi lần theo dấu vết, người ta thấy nó liên quan tới các thiên đường thuế tại Caribe và một tỷ phú Trung Quốc bị bỏ tù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN