Cuộc đua đồng hồ vũ trụ Liên Xô-Mỹ và chiến thắng của... Thuỵ Sĩ

Thử nghiệm kiểm soát chất lượng khắt khe nhất đối với một chiếc đồng hồ là sống sót trong một chuyến bay vũ trụ. Nhưng chỉ một số ít các thương hiệu có thể làm được điều đó.

Chú thích ảnh
"Đồng hồ vũ trụ" Hamilton chỉ xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood.

Bạn có bao giờ để ý rằng trong nhiều bộ phim Hollywood về vũ trụ, các phi hành gia đều đeo đồng hồ của cùng một thương hiệu - Hamilton? Matthew McConaughey đã sử dụng một chiếc như vậy trong “Interstellar” khi trở về nhà, nơi mọi người đều đã già đi. Hay Matt Damon đơn độc trong “The Martian”, sống sót trên sao Hỏa với một chiếc đồng hồ. Nhưng thương hiệu Mỹ này chỉ mang tính điện ảnh, chứ không phải ngoài đời thực.

Những chiếc đồng hồ đã thực sự tham gia vào cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ. Lý do là bởi thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng khi bay vào không gian, và đó cũng là niềm vinh dự cho bất kỳ thương hiệu nào. Ngày nay, các sứ mạng không gian không lệ thuộc vào một chiếc đồng hồ đeo tay nào, nhưng trong lịch sử thì không như vậy. Thậm chí, việc theo dõi thời gian đã từng suýt phải trả giá bằng mạng sống của cả phi hành đoàn.

Đồng hồ của Gagarin

Chú thích ảnh
Phi hành gia Liên Xô, Yuri Gagarin trên phi thuyền Vostok-1. Ảnh: Sputnik

Mọi người có thể cho rằng quá dễ để trả lời câu hỏi chiếc đồng hồ nào đã chiến thắng trong cuộc đua vào không gian. Ai cũng biết rằng người đầu tiên bay vào không gian là nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin. Năm 1961, khi thốt ra câu nói nổi tiếng của mình “Poekhali!” (“Đi thôi!”), Gagarin đeo trên cổ tay một chiếc đồng hồ Shturmansky lấp lánh do thương hiệu Pobeda của Liên Xô sản xuất. Sau đó, chiếc Shturmansky được cả một thế hệ ở Liên Xô đeo một cách tự hào, gọi nó là “đồng hồ Gagarin”.

Đồng hồ Shturmansky không được bán tại các cửa hàng cho đến giữa những năm 1980, chúng chỉ được sản xuất cho lực lượng không quân. Chiếc đồng hồ này được trang bị tính năng chống va đập và dừng kim giây (để đặt thời gian chính xác đến từng giây). Nó được coi là loại đồng hồ đáng tin cậy nhất trên toàn Liên Xô.

Chú thích ảnh
Đồng hồ Shturmansky. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, có tin đồn rằng đồng hồ của Gagarin không thể chịu được lực G (lực gia tốc hướng tâm) và bị vỡ khi phóng, mặc dù điều này chưa bao giờ được chính thức xác nhận. Ngược lại, sau chuyến bay nổi tiếng, tất cả các sản phẩm từ nhà máy sản xuất đồng hồ Pobeda bắt đầu tự hào mang tên Raketa (Tên lửa), và đồng hồ Shturmansky đã được các nhà khoa học hàng đầu của đất nước nhiều lần thử nghiệm và cải tiến. 

Đồng hồ đầu tiên “đi bộ ngoài không gian”

Kỷ lục thứ hai được thiết lập bởi một chiếc đồng hồ Strela (Mũi tên) cũng do Liên Xô sản xuất vào năm 1965, khi phi hành gia Alexei Leonov thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên. 

Chiếc Strela trông giống một cách đáng ngạc nhiên với những chiếc đồng hồ ngày nay được sản xuất cho những người tham gia chương trình SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Strela vốn được thiết kế cho các chỉ huy không quân, có tích hợp tính năng bấm giờ, bộ đếm 45 phút, cũng như máy đo điện từ (để xác định khoảng cách đến nguồn phát âm thanh) và máy đo tốc độ (để tính tốc độ theo thời gian di chuyển). Những công dân Liên Xô bình thường không bao giờ được nhìn thấy một chiếc đồng hồ như vậy.

Chú thích ảnh
Anh hùng Liên Xô, phi công - nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov và chiếc đồng hồ Strela. Ảnh: Sputnik

Trong những năm sau đó, nhiều chiếc đồng hồ khác với những cái tên lãng mạn đã bay vào vũ trụ cùng với các phi hành gia Liên Xô, như: Okean (Đại dương), Vostok (Phương Đông), Slava (Vinh quang) hay Polet (Chuyến bay). Tất cả đều được sản xuất tại Liên Xô. 

Đồng hồ Mặt trăng

Trong khi đó, NASA không quá quan tâm tới việc sử dụng các nhãn hiệu đồng hồ trong nước. Vì thế chiến thắng trong “cuộc đua đồng hồ Mặt trăng" đã thuộc về thương hiệu Omega Speedmaster của Thụy Sĩ. Chiếc đồng hồ này đeo trên cổ tay của 'Buzz' Aldrin khi ông đáp xuống Mặt trăng vào năm 1969.

Ngày nay, Omega Speedmaster là thương hiệu đồng hồ chính thức của NASA, nhưng hồi đó chiếc đồng hồ là thiết bị duy nhất không được thiết kế đặc biệt cho các chuyến bay vũ trụ. Vì vậy có thể nói Omega đã chiến thắng rất thuyết phục.

Chú thích ảnh
Edwin "Buzz" Aldrin trong mô-đun Mặt Trăng của tàu Apollo 11, đeo đồng hồ Omega Speedmaster. Ảnh: AP

Đồng hồ Omega Speedmaster được đưa vào quỹ đạo Trái đất lần đầu tiên vào năm 1962 bởi Wally Schirra. Sau đó, vào năm 1965, NASA đã bí mật mua đồng hồ từ các thương hiệu nổi tiếng nhất, bao gồm Longines, Rolex, Bulova, Hamilton, Elgin, Benrus và Omega, và bắt đầu thử nghiệm. Omega là đồng hồ duy nhất vượt qua tất cả các thử nghiệm đó. 

Chú thích ảnh
Phi hành gia người Mỹ Jack Swigert chụp ảnh trước khi phóng tàu Apollo 13, vào ngày 11/4/1970, tay đeo một chiếc đồng hồ Omega. Ảnh: NASA

Đồng hồ Omega còn cứu mạng phi hành đoàn Mỹ trong sự cố kịch tính nhất lịch sử du hành vũ trụ vào năm 1970. Một bình ôxy đã phát nổ trên tàu Apollo 13 khi con tàu đang trên đường lên Mặt trăng, gây mất cả ôxy và điện.

Sự cố khiến nhiệm vụ thám hiểm Mặt trăng của Apollo 13 lập tức bị huỷ bỏ, phi hành đoàn được lệnh quay về Trái đất. Khi đó, chỉ một phép tính siêu chính xác mới có thể cứu vãn tình hình, vì hệ thống định vị trên tàu không hoạt động và việc tính toán sai thời gian trở lại bầu khí quyển Trái đất có thể khiến phi hành đoàn phải trả giá bằng mạng sống. Chiếc đồng hồ đeo tay Omega, cỗ máy thời gian duy nhất, trên tàu đã giúp giải quyết tình huống này. Nó thậm chí còn nhận được giải thưởng NASA Silver Snoopy, một vinh dự đặc biệt cho thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an toàn bay.

Những chiếc đồng hồ nào bay vào vũ trụ ngày nay?

Trong nhiều bức ảnh của các phi hành đoàn, người ta thường có thể nhìn thấy hai hoặc thậm chí ba chiếc đồng hồ cùng một lúc. Một cái thường được sử dụng để đo thời gian trong các thí nghiệm khoa học trên tàu, một cái để ghi lại thời gian bay và cái thứ ba hiển thị giờ Trái Đất (tùy thuộc vào nơi diễn ra vụ phóng).

Chú thích ảnh
Đồng hồ Omega được NASA ghi nhận "công lao". Ảnh: Omega

Những gì không được đưa vào không gian ngày nay là đồng hồ điện tử, vì chúng không thể chịu được lượng bức xạ xuyên qua các vi mạch. Thật ngẫu nhiên, vào thời Xô Viết, người ta tin rằng trong tương lai sẽ không có ai đeo đồng hồ cơ. Nước này thậm chí còn tung ra một chiến dịch quảng cáo trong đó các phi hành gia Liên Xô tạo dáng với đồng hồ mặt LCD và LED do nhà máy Pulsar trong nước sản xuất.

Vậy rốt cuộc ai là người chiến thắng? Người Thụy Sĩ một lần nữa.

Kể từ năm 1994, chiếc đồng hồ chính thức của Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Nga và Tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Roscosmos là Fortis của Thuỵ Sĩ. Còn với SpaceX, tỷ phú Elon Musk đã lựa chọn thương hiệu TAG Heuer cũng của Thụy Sĩ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Russian Beyond)
Đại bàng Đỏ - phi đội Mỹ bí mật sử dụng toàn máy bay Liên Xô
Đại bàng Đỏ - phi đội Mỹ bí mật sử dụng toàn máy bay Liên Xô

Không ai ở Liên Xô thời đó biết rằng kẻ thù tiềm tàng của họ có hàng chục máy bay Xô-viết đang phục vụ chiến đấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN