Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ 2

HAI THẾ GIỚI, HAI CUỘC SỐNG

Câu chuyện điệp viên của Barsky là một cuộc hành trình rất dài, từ kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Barsky khi ấy là một nhà hóa học trẻ, tên là Dittrich, rất thông minh và điển trai nhưng có một điểm yếu: Anh luôn muốn nổi bật trong đám đông. 

Ảnh chụp Barsky và người vợ thứ hai, Penelope.


Khi KGB tiếp cận anh năm 1970, anh rất hào hứng với việc trở thành một điệp viên ở phương Tây. Anh nói: “Tôi có thể nhìn thế giới và tôi không phải tuân theo quy tắc thông thường, tôi sẽ ở trên luật pháp”.

Ở Berlin, anh học về nghiệp vụ tình báo như mật mã Morse, chữ viết tay mật, và cách “cắt đuôi” khi bị theo dõi. Sau đó, khi Dittrich tới Moskva, anh được huấn luyện làm điệp viên hai năm. Anh học tiếng Anh, ghi nhớ hàng trăm từ mỗi ngày.

Ngày 8/10/1978, Albrecht Dittrich, khi ấy 29 tuổi, đã tới Chicago với 6.000 USD trong túi và giấy khai sinh tên Jack Barsky, một người đã chết năm 1955 khi 10 tuổi. Một nhân viên tại Đại sứ quán Liên Xô ở Washington đã nhìn thấy cái tên này ở một nghĩa trang và đã lấy một bản sao giấy khai sinh.

Barsky thăm con trai Jessie ở Philadelphia.


Kế hoạch của KGB là để Dittrich làm được hộ chiếu dựa trên giấy khai sinh đó và bắt đầu một cuộc sống doanh nhân, làm quen với càng nhiều chính khách và nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội Mỹ càng tốt. Họ cũng muốn anh thiết lập liên hệ với Zbigniew Brzezinski, người khi đó là cố vấn an ninh quốc gia để chiếm được lòng tin của người này rồi do thám ông ta.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này thất bại ngay từ bước đầu tiên. Dittrich không thể xin được một tấm hộ chiếu Mỹ. KGB không lường trước được về sự quan liêu ở Mỹ. Dù vậy, Dittrich không từ bỏ. Anh tự coi mình là Jack Barsky và bắt đầu làm nghề đưa thư bằng xe đạp ở New York. Sau một thời gian, anh xin được số an sinh xã hội - bước đầu tiên trên con đường trở thành một công dân Mỹ. Anh học vi tính và bắt đầu làm lập trình viên cho một công ty bảo hiểm. Mỗi khi có ai hỏi quê quán, Barsky đều nói mình là người New Jersey. Và nếu họ có thắc mắc về chất giọng là lạ của anh, anh sẽ nói rằng mẹ anh là người Đức. Sau này, Barsky tự đánh giá mình là một người nói dối tài ba.

Mỗi tối, Barsky nghiên cứu về những người có thể trở thành điệp viên mới. Anh viết các đánh giá chính trị và truyền tin tức mật cho KGB. Cứ tối thứ 5 hàng tuần, vào lúc 21 giờ 15, Barsky ngồi ở nhà bên cạnh chiếc đài sóng ngắn và nhận tin từ trụ sở KGB ở Moskva. Có lần, Barsky nhận nhiệm vụ tìm một điệp viên KGB phản bội ở Canada. Cũng có lần, anh nhận nhiệm vụ đánh giá quan điểm của người Mỹ về cuộc chiến của Hồng quân ở Afghanistan. Nhưng theo Barsky, thành công lớn nhất của mình trong thời gian này là đánh cắp được mật mã lập trình. Barsky cho biết điều này rất quan trọng với Liên Xô về mặt kinh tế.

Ba anh em cùng cha khác mẹ: Jessie, Matthias và Chelsea (từ trái qua)


Tuy nhiên, Barsky không chỉ có cuộc sống duy nhất ở Mỹ. Ông còn có một cuộc sống thứ hai của một người Đức. Ông lập hai gia đình cùng lúc. Ở Đức, ông kết hôn với bạn gái Gerlinde năm 1980 và họ có một con trai tên là Matthias. Cứ hai năm một lần, Barsky lại về Đông Đức ba tuần với vợ con và sống cuộc sống của Dittrich. Lần nào về, ông cũng mang theo những món quà đắt tiền.

Sau một lần từ Đông Đức về Mỹ, Barsky đã gặp một phụ nữ tên là Penelope, một người nhập cư Guyana mà ông biết qua một mẩu quảng cáo cá nhân trên báo. Họ kết hôn năm 1986 và có hai con, Chelsea và Jessie. Nhớ về quãng thời gian này, Barsky nói: “Tôi đã làm rất tốt khi chia tách mình thành hai con người. Barsky không liên quan tới Dittrich và Dittrich không phải chịu trách nhiệm về Barsky”.

Năm 1986, ông về thăm vợ con ở Đông Đức lần cuối và ngừng đi lại giữa Đông Đức và Mỹ. Gia đình Dittrich nghỉ ở bờ biển Baltic, cùng nhau lặn ngụp trong làn nước biển và hái nấm. Ông hứa với vợ con sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, sau đó, Dittrich đã bay tới Moskva và được giao một loạt nhiệm vụ mới. Ông bay về New York qua Belgrade, Vienna, Rome và Mexico bằng các hộ chiếu giả.

Trong bức thư cuối cùng gửi cho mẹ, Dittrich cho biết định về thăm mẹ ở Zwickau nhưng không có thời gian. Dittrich hứa sẽ hoàn thành xong việc và sớm trở về. Bà mẹ cũng như gia đình và bạn bè của Dittrich ở Đông Đức đều đinh ninh rằng Dittrich đang làm một nhà khoa học tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakh Steppe thuộc Kazakhstan.

Tuy nhiên, Barsky sẽ sớm phải đưa ra một quyết định khó khăn, đó là lựa chọn giữa hai cuộc sống, hai gia đình, hai thế giới. Lựa chọn này đã khiến ông phải mang một gánh nặng tâm lý không bao giờ nguôi.

Đón đọc kỳ cuối: Gánh nặng tâm lý
Thùy Dương
Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ cuối
Cuộc đời hai mặt của điệp viên KGB cuối cùng ở Mỹ - Kỳ cuối

Bước ngoặt cuộc đời của Jack Barsky diễn ra khi KGB đột nhiên ra lệnh cho ông trở về Đông Đức vì cho rằng ông đã bị lộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN