Cuộc chiến tranh tiền giả của Hitler chống lại nước Anh

Cuộc chiến tranh tiền giả của Hitler chống lại nước Anh

Đó là chiến dịch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử: Với hàng triệu đồng bảng được làm giả, Đức Quốc xã muốn chiến thắng nước Anh trong Thế Chiến II bằng cách đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng nặng nề. Những tù nhân trong trại tập trung đã làm ra những tờ bạc giả gần như hoàn hảo này.

Kỳ I: "Kẻ châm ngòi cho Thế Chiến II"

Gián điệp thường kiếm được nhiều tiền bằng sự phản bội của mình. Điệp viên người Anbani Elyesa Bazna cũng được trả rất nhiều tiền trong thời gian làm người hầu phòng tin cẩn của Đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ, Huân tước Hughe Knatchbull-Hugessen từ giữa năm 1943 tới tháng 3/1944.

Một cảnh trong bộ phim về chiến dịch làm tiền giả tại trại tập trung Sachsenhausen theo hồi ký của Burger.


Trên bàn của Đại sứ Knatchbull-Hugessen có nhiều thông tin tuyệt mật như biên bản các hội nghị thượng đỉnh của quân đồng minh, hoặc văn bản chiến lược nhằm tiêu diệt nước Đức của Hitler từ phía đông, phía tây và phía nam. Bazna đã chụp ảnh được khoảng 150 tài liệu mật từ bàn của Đại sứ Anh và chuyển cho Cơ quan an ninh (SD) của giới lãnh đạo Quốc xã, dĩ nhiên để đổi lấy tiền mặt. Bí danh của Bazna là Cicero - tên một triết gia, một chính khách, một nhà văn và một luật gia nổi tiếng từ thời La Mã cổ đại. Đây là một sự lựa chọn tốt, vì Cicero từng nói là tiền ngự trị thế giới "kể cả trong chiến tranh".

Tổng cộng, Bazna được trả công trên 300.000 bảng Anh, tương đương với 11 triệu euro theo thời giá hiện nay. Bazna lao vào ăn chơi và nhanh chóng tiêu hết khoảng một nửa trong số đó. Nhưng nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, khi Bazna muốn đưa số còn lại ra tiêu thì y sững người khi biết rằng số tiền bảng đó toàn là tiền giả. Nỗi buồn của Bazna cũng chẳng được an ủi chút nào, khi một chuyên gia của Ngân hàng Anh (Bank of England) tỏ ra thán phục và kinh ngạc trước chất lượng chuyên nghiệp của những đồng tiền giả, khi đánh giá rằng đây là "sự giả mạo nguy hiểm nhất của mọi thời đại".

Adolf Burger, người Do Thái Xlôvakia, ông là một trong 144 người phải tham gia chiến dịch làm tiền giả của Đức Quốc xã nhằm phá hoại nước Anh. Sau chiến tranh, ông đã viết hồi ký kể lại chiến dịch làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử này.

Trường hợp người điệp viên bị lừa đã trở thành một trong những chương kỳ lạ nhất trong "Đế chế thứ ba". Chiến lược nguyên thủy của Quốc xã vốn cho rằng tiền là vũ khí, dĩ nhiên đây là tiền giả. Chúng muốn tung càng nhiều tiền giả vào thị trường Anh càng tốt nhằm gây ra lạm phát và làm mất lòng tin vào nền kinh tế Anh, dẫn tới cả đế quốc này suy sụp, làm chúng đỡ đi một kẻ thù nguy hiểm.

Từ đầu năm 1943, Đức đã cho in gần 9 triệu tờ giấy bạc với mệnh giá tổng cộng lên tới trên 134 triệu bảng Anh, chiếm tới 13% số lượng tiền thực đang được lưu hành. Sau đó, họ còn in thêm cả tiền đôla Mỹ. Nhưng những người trực tiếp sản xuất ra những đồng tiền giả đó không phải là những kẻ tội phạm, mà là tù nhân trong các trại tập trung của Đức, những người vốn có nghề phù hợp như nghề in, nghề chạm khắc, nghề xếp chữ hoặc thợ in đá, cũng như những thợ thủ công khéo tay khác.

Gần như tất cả 144 người bắt buộc phải in tiền giả này đều sống sót qua thời kỳ bị giam giữ, với tư cách là thành viên của "Chiến dịch Bernhard", được đặt tên theo sĩ quan SS Bernhard Krueger, người được giao chỉ huy chiến dịch này. Chiến dịch này cho tới nay được coi là hành động làm tiền giả lớn nhất trong lịch sử tội phạm.

Ngày 18/9/1939, hơn hai tuần trước khi Thế Chiến II bắt đầu, tại phòng họp của Bộ Tài chính Đức ở số 61 phố Wilhelm chỉ có một chủ đề trong chương trình nghị sự: Chúng ta tấn công hệ thống kinh tế của một cường quốc thế giới như thế nào?

Những tấm gương trong lịch sử thì có đủ. Ví dụ cuối thế kỷ 18, người Anh đã tuồn lậu một khối lượng lớn tiền giấy giả vào Pháp để làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở đó và phá hoại cuộc cách mạng. Bộ trưởng cảnh sát láu cá của Napoleon là Joseph Fouche đã hoạt động theo chiều ngược lại cũng bằng tiền giả chống lại Luân Đôn, Viên và Mátxcơva.

Kế hoạch A của Đức được đưa ra là ném hàng tấn tiền giả xuống nước Anh nhằm làm mất lòng tin của dân chúng nước này vào đồng tiền quốc gia.
Theo nhà báo Lawrence Malkin, mặc dù Bộ trưởng Tuyên truyền của Hitler là Joseph Goebbels gọi ý tưởng này là "kỳ cục", nhưng không phải bác bỏ ngay từ đầu. Sự chống đối chủ yếu đến từ Bộ trưởng Kinh tế và Chủ tịch Ngân hàng Đế chế Walther Funk. Ông cảnh báo trước việc vi phạm luật pháp quốc tế. Một lập luận đáng ngạc nhiên trong một nhà nước phi pháp.

Vì hầu như chẳng ai nghe lời Funk, vài ngày sau, viên sĩ quân SS Alfred Naujocks nhận được lệnh thiết lập một xưởng in tiền giả. Naujocks là chuyên gia cho các chiến dịch đặc biệt. Trước đó, y đã được lệnh dàn dựng một cuộc tấn công của Ba Lan vào đài phát thanh Gleiwitz gần biên giới và tạo cớ cho quân đội Đức tấn công Ba Lan, mở màn cuộc chiến. Sau này, Naujocks được gọi là "Kẻ châm ngòi cho Thế Chiến II".

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Ngân hàng Anh cũng bị... nhầm

Cuộc chiến tranh tiền giả của Hitler chống lại nước Anh - Kỳ cuối: Ngân hàng Anh cũng bị... nhầm
Cuộc chiến tranh tiền giả của Hitler chống lại nước Anh - Kỳ cuối: Ngân hàng Anh cũng bị... nhầm

Trùm cảnh sát hình sự Arthur Nebe đề nghị nên lấy những kẻ làm tiền giả xuất sắc nhất đang ở trong tù ra làm việc này, nhưng Naujocks lại muốn lấy những nhà khoa học của SS, thêm vào đó là những kỹ thuật viên và thợ thủ công dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN