Cuộc chiến tay ba tranh giành chiến thuyền chở 17 tỉ USD châu báu

San José là một trong những con thuyền đắm được săn lùng ráo riết nhất không chỉ vì ý nghĩa lịch sử mà bởi vì nó mang theo một lượng vàng, bạc và ngọc lục bảo trị giá gần 17 tỷ đô la Mỹ!

Chú thích ảnh
Tranh mô tả trận hải chiến giữa tàu San José (phải) và hạm đội tàu Anh trước khi bị đắm.

Năm 1981, Sea Search Armada, một công ty chuyên tìm kiếm các kho báu dưới nước, tìm thấy một xác tàu ba trăm năm tuổi ở vùng biển Caribê ngoài khơi Colombia. Đó là chiến thuyền San José, bị người Anh đánh chìm vào tháng 6/1708 trong cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Kể từ đó, San José trở thành trung tâm của một cuộc tranh chấp tay ba dai dẳng nhằm giành quyền sở hữu kho châu báu trị giá tới 17 tỉ USD chìm xuống đáy biển theo con thuyền.

Ngược dòng lịch sử, chiến thuyền San José được đóng vào năm 1698, được trang bị vũ khí và 1 hải đội gồm tới 20 tàu hộ tống nhằm phục vụ việc chuyên chở vàng, bạc, châu báu cho triều đình Tây Ban Nha từ các thuộc địa ở châu Mỹ. Chiếc thuyền buồm được biên chế 600 người và 62 khẩu súng thần công bằng đồng. Ngày 28/5/1708, tàu San José rời cảng Portobelo, Panama để vượt Đại Tây Dương trở về quê nhà.

Theo kế hoạch, trước khi ra khơi, chiến thuyền San José sẽ được hộ tống bởi một đội tàu chiến hùng mạnh. Tuy nhiên, đội tàu chiến này không đến kịp giờ xuất phát đã định của San José. Lo lắng về việc chậm trễ thời gian trở lại Tây Ban Nha, chỉ huy chiếc tàu khi đó là Đô đốc José Fernandez de Santillan đã quyết định xuất phát mà không có sự hộ tống của đội tàu chiến.

Quyết định sai lầm này khiến sau đó San José rơi vào tình huống nguy hiểm. Chỉ vài ngày sau khi xuất phát, ngày 8/6/1708, San José bị bốn chiến thuyền của Anh phục kích trên vùng biển gần đảo Rosario, cách cảng Cartagena (Colombia) khoảng 30 dặm. Giao tranh ác liệt trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ thì bất ngờ kho thuốc súng trên thuyền San José phát nổ, khiến thuyền bị đắm mang theo toàn bộ 200 tấn vàng, bạc và đá quý xuống đáy biển. Trong số 600 thủy thủ chỉ có 11 người sống sót.

Đến năm 1713, hiệp định đình chiến giữa Pháp, Anh, Hà Lan, Áo và Tây Ban Nha mới được ký kết. Tuy nhiên, con thuyền San José cùng khối tài sản trị giá hàng tỷ USD vẫn nằm sâu 600m dưới lòng biển. Theo nhận định của giới khảo cổ học quốc tế cũng như các sử gia hàng đầu thế giới, trên thuyền San José có chở 11 triệu đồng tiền vàng, 116 hòm ngọc lục bảo cùng vô số hòm đựng các loại đá quý và đồ trang sức khác.

Chú thích ảnh
Xác chiến thuyền San José.

Đối với các nhà sử học và nhà khoa học, San José là một kho tàng các hiện vật hàng hải Tây Ban Nha đầu thế kỷ 18. Nhưng đối với công ty Sea Search Armada, các chính phủ Tây Ban Nha và Columbia, đó còn là một cơn ác mộng pháp lý.

Trước khi tiến hành cuộc săn tìm chiến thuyền San José, công ty Sea Search Armada (SSA) đã ký thỏa thuận với Chính phủ Colombia, theo đó họ được hưởng một nửa giá trị kho báu nếu như tìm thấy tàu. Tuy nhiên, sau đó Colombia đã thay đổi quan điểm không chấp nhận kết quả tìm kiếm của Armada. Họ tự mở một chiến dịch tìm kiếm với tuyên bố rằng, toàn bộ tài sản trên thuyền San José phải thuộc về Nhà nước Colombia. Tuyên bố này đã khởi đầu một cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa SSA và Chính phủ Colombia.

Năm 2007, Tòa án Tối cao Colombia đã ra phán quyết, khẳng định Công ty SSA chỉ nhận được phân nửa số hiện vật không phải là những di sản văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của nước này. SSA liền đưa vụ việc ra Tòa án Mỹ. Tuy nhiên, kết luận của phía tư pháp Mỹ đưa ra đã gây bất lợi cho SSA. Tòa án Mỹ nhấn mạnh, chiểu theo Công ước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước, thì kho báu trên thuyền San José thuộc về tài sản của Nhà nước Colombia.

Đến tháng 12-2015, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố với báo giới rằng, hải quân nước này đã chính thức phát hiện chiếc thuyền buồm nổi tiếng San José của Tây Ban Nha, bị đắm ngoài khơi bờ biển Colombia hơn 3 thế kỷ trước cùng với một kho báu khổng lồ trị giá hàng tỉ USD.

Chú thích ảnh
Mảnh vỡ của những khẩu súng thần công trong ảnh được các thợ lặn chụp tại khu vực xác tàu đắm. Ảnh: CNN

Hiện nay, cả Sea Search Armada và Tây Ban Nha đều đang thách thức Columbia về quyền sở hữu San José. Madrid tin rằng do con thuyền được thiết kế, chế tạo và hạ thủy từ Tây Ban Nha dưới cờ Tây Ban Nha, nó vẫn là tài sản của họ. Theo quan điểm của Tây Ban Nha, Madrid dựa vào luật cờ hiệu được quốc tế công nhận. Luật này quy định việc bị đắm không làm đứt đoạn quyền sở hữu. Các quyền sở hữu chính đáng vẫn được giữ nguyên vẹn. Nguyên tắc này từng cho phép Tây Ban Nha thắng một vụ kiện năm 2008 nhắm vào những người đi săn kho báu Mỹ liên quan đến xác tàu đắm Mercedes, RFI cho biết.

Sea Search Armada tuyên bố quyền sở hữu xác tàu vì họ là người đầu tiên tìm thấy, còn Columbia cho rằng khi xác tàu nằm trong vùng lãnh hải của nước này, vì thế đương nhiên nó thuộc về họ.

Về mặt pháp lý, Columbia dường như đang trên thế thắng. Họ đã tranh thủ sự giúp đỡ của Viện Hải dương học Woods Hole, có trụ sở tại Woods Hole Massachusetts. Đây là nơi có những chuyên gia hàng đầu về công nghệ robot dưới nước và cũng là nhà tài trợ cho cuộc tìm kiếm và phát hiện ra tàu Titanic huyền thoại vào năm 1985.

Tuy nhiên, với lượng tài sản khổng lồ được cho là nằm bên trong chiến thuyền San José, giới chuyên gia đánh giá cuộc chiến pháp lý liên quan tới số phận của con thuyền này sẽ còn kéo dài..
 

Thu Hằng
49 ngày trôi dạt của thủy thủ Nga trước khi lên tàu sân bay Mỹ
49 ngày trôi dạt của thủy thủ Nga trước khi lên tàu sân bay Mỹ

Ngày 7/3/1960, tàu sân bay Kearsarge của Mỹ đã cứu sống những người lính Xô Viết trôi dạt trong đại dương suốt 49 ngày mà không có thức ăn nước uống. Sự kiện này đã trở nên nổi tiếng thế giới, làm lu mờ hầu hết các dòng tin chính trị khi đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN