Con người và loài chó 'bén duyên' thế nào?

Mối quan hệ giữa con người và loài chó là sự gắn kết có lịch sử lâu đời. Dù thế, cho đến nay con người vẫn chưa thể giải đáp hết những câu hỏi về sự “bén duyên” có một không hai này.

Tượng đồng của chú chó Hachiko và chủ, ông Hidesaburo Ueno, tại Đại học Tokyo, trung tâm quận Bunkyo, Nhật Bản.

Hang Chauvet ở vùng Ardèche của Pháp là nơi người ta tìm thấy những hình vẽ hang động thuộc hàng sơ khai nhất của nhân loại. Trong số các dấu tích ở đây còn có một chuỗi dấu chân dài 50 m được xác định có niên đại 26.000 năm tuổi của một bé trai cùng một loài vật vừa giống chó vừa giống sói. 

Từ cuộc bén duyên bí ẩn


Chó thuộc họ Canidae, bao gồm các loài như chó sói đồng cỏ, cáo, chó rừng, sói hoang... Loài chó như ta thấy ngày nay được khoa học xác định là tiến hóa từ một loài sói xám. Giới khoa học cho rằng sự “đổi vai” từ loài săn mồi của thế giới hoang dã sang người bạn bốn chân thân thiết của con người là một sự thay đổi trải dài qua nhiều thế hệ. Một giả thuyết gần đây cho rằng việc thuần hóa sói hoang của người cổ đại có thể diễn ra đồng thời tại cả hai lục địa Á và Âu, với cách biệt khoảng 1.000 - 2.000 năm.

Một số kịch bản được đưa ra là: Sói tiếp cận con người vì muốn dựa dẫm nguồn tài nguyên dồi dào, hoặc sự thay đổi về môi trường và khí hậu đã đẩy hai loài đến gần với nhau.  15.000 năm trước được cho là thời điểm sói và con người bắt đầu trở nên gần gũi, dựa trên dấu tích khai quật được về một số ngôi mộ của chó nguyên thủy. Hành động chôn cất này được cho là một dấu hiệu của tình cảm.

Thậm chí người ta tìm thấy cả những trường hợp chó được chôn cùng con người như tại một ngôi mộ cổ từ cuối thời đồ đá ở miền Bắc Israel. Những người khai quật đã tìm thấy ở đây một cảnh tượng cảm động - tay của người chủ đặt trên vai chú chó, minh chứng cho một mối quan hệ gắn kết.

Đến thời điểm khoảng 8.000 năm trước, chó bắt đầu đồng hành cùng con người trong những chuyến đi săn. Sau đó khoảng 6.000 năm, con người bắt đầu thuần hóa và nuôi chó trong nhà. Các bức bích họa Ai Cập cổ đại ghi lại hình ảnh những chú chó bên cạnh các pharaoh. Thói quen nuôi chó cũng xuất hiện ở văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại song chủ yếu phổ biến trong giới quý tộc và tăng lữ.

Cuộc “nên duyên” này đã mang đến những thay đổi sâu sắc cho loài thú bốn chân. Trong vòng vài thập kỷ, những con sói lựa chọn đời sống gắn bó với loài người bắt đầu mang một hình dáng rất khác so với họ hàng hoang dã của mình: Bộ lông trở nên loang lổ thay vì thuần màu, cặp tai rủ và chiếc đuôi biết vẫy vui mừng. Cả đặc tính hành xử và tâm lý của loài cũng biến hóa. Thái độ gần gũi của loài chó đối với con người và đồng loại khác hoàn toàn với tâm lý pha trộn giữa e dè và hằn thù đặc trưng của sói đối với các thực thể khác bầy.

Tuy nhiên, vẫn có những đặc điểm được giữ lại. Sự trung thành của loài chó đối với con người được cho là di truyền và biến thể từ tập tính sống theo đàn. Sói là loài vô cùng gắn bó với bầy và tuyệt đối phục tùng con đầu đàn. Ở loài chó được thuần hóa, chúng coi gia đình con người là bầy đàn của mình và tuân phục người chủ chăm sóc. 

Loài chó cũng có thính giác rất nhạy, có thể nghe thấy 35.000 âm rung/giây. Nói cách khác, chúng có thể nhận ra âm thanh chỉ trong 6/100 giây. Khứu giác của loài chó cũng tốt gấp 5 triệu lần của người. Tuy nhiên, thị giác của chó lại rất kém, chúng phân biệt vật thể đầu tiên là dựa theo chuyển động, sau đó là nhờ ánh sáng và sau đó mới là hình dạng.

Sói là loài đầu tiên được thuần hóa.

Đến người bạn của con người

Từ một thành viên của xã hội hoang dã, loài sói đã thay đổi triệt để và phát triển thành một loài riêng biệt, một người bạn của con người. Trong lịch sử tồn tại nhiều ghi chép về sự gắn kết giữa người và chó.

Một tài liệu thuộc hàng cổ xưa nhất là Sử thi Odysseus của Homer. Chú chó Argos của Hy Lạp cổ đại, người bạn trung thành của vua Odysseus, đã chờ đợi người chủ của mình trong suốt 20 năm ông lưu lạc. Khi trở về, Odysseus phải cải trang để đối phó với những kẻ cầu hôn xảo quyệt, hung hãn muốn kết hôn cùng vợ ông để chiếm đoạt tài sản. Chú chó Argos là người duy nhất nhận ra Odysseus nhưng do đã quá già yếu, Argos chỉ kịp vẫy đuôi chào đón người chủ của mình trước khi trút hơi thở cuối cùng.


Một câu chuyện khác đến từ văn hóa Ấn Độ cổ đại, trong tác phẩm sử thi bằng tiếng Phạn vĩ đại Mahabharata khoảng năm 400 trước Công nguyên. Phần cuối sử thi là câu chuyện về cuộc hành hương gian khổ của vua Yudisthira cùng gia đình tìm tới thiên đường. Khi đến được cổng thiên đường, những người thân đều đã chết và bên cạnh vua Yudisthira chỉ còn lại chú chó trung thành. Khi biết rằng mình không thể dẫn theo chú chó nhỏ, vua Yudisthira quyết định từ chối thiên đường để tìm một nơi không xua đuổi loài chó, điều này đã làm hài lòng người giữ cổng thiên đường và cả ông cùng chú chó của mình đều được chào đón tại vùng đất của hạnh phúc.

Một biểu tượng về lòng trung thành của chó đối với con người phải kể đến là câu chuyện về chú chó có tên Hachiko. Năm 1924, chú chó Akita thuần Nhật màu vàng - nâu Hachi (tên gốc) được giáo sư nông học Hidesaburo Ueno nhận nuôi. Sáng nào cũng vậy, Hachi cùng chủ nhân đi bộ đến ga Shibuya. Hachi thường đợi chủ qua cổng soát vé để bắt chuyến tàu đi làm rồi mới về. Đến buổi chiều, Hachi lại ra ga Shibuya chờ đón ông Ueno về dù thời tiết lạnh giá hay tuyết rơi dày. Hơn một năm sau, vào tháng 5/1925, khi Hachi mới có 18 tháng tuổi, ông Ueno bị đột quỵ khi đang giảng bài và mất tại Đại học Tokyo. Từ đó trở đi, trong suốt 10 năm đằng đẵng, ngày nào Hachi cũng đến ga Shibuya ngóng đợi ông chủ Ueno. Biểu tượng về lòng trung thành đến tận hơi thở cuối cùng của chú chó Akita thuần Nhật đối với chủ vẫn khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chó không còn là loài vật duy nhất được con người thuần hóa song cho đến nay vẫn không có loài nào thay thế được loài chó trong mối quan hệ đồng hành với con người. Khoa học thậm chí đã chứng minh rằng giữ bên mình một người bạn bốn chân ấm áp và thân thiện mang lại nhiều tác động tích cực cho sức khỏe tâm lý hay tim mạch của người nuôi. Tại một số nơi, chó còn được đưa đến thăm bệnh nhân ở bệnh viện, thăm người cao tuổi trong nhà dưỡng lão, và làm bạn với những người mắc vấn đề tâm lý như các cựu binh hoặc những người mắc rối loạn tâm thần. 

Chó là loài thông minh và được huấn luyện để giúp con người trong nhiều công việc như chăn gia súc và các công việc nông trại. Là động vật có tập tính về lãnh thổ cao, chó còn bảo vệ nhà cửa và tài sản cho con người, báo động khi kẻ lạ đột nhập và thậm chí tấn công khi tài sản và chủ nhân bị đe dọa. Bên cạnh đó, người ta cũng huấn luyện chó để hỗ trợ người khuyết tật, như chó dẫn đường cho người khiếm thị hay báo động người khiếm thính. 

“Người bạn bốn chân” còn có thâm niên hợp tác với các lực lượng an ninh từ những năm 1800, vận dụng khứu giác tinh nhạy để tìm kiếm và phát hiện các vật chất phi pháp, bom hay phân biệt mùi tại hiện trường vụ án. Chó nghiệp vụ ngày nay là cánh tay đắc lực cho lực lượng an ninh, điều tra của nhiều nước. Trong số các loài vật được con người thuần hóa, chó là loài đa nhiệm nhất: Chúng đồng hành, giúp đỡ, thậm chí cả bảo vệ và chăm sóc con người. Loài vật này thực sự đã hòa nhập và trở thành một phần gắn bó của xã hội loài người, điều khiến chúng xứng đáng với danh xưng “người bạn thân thiết của con người”.

Trần Minh/Báo Tin tức
Những chú chó ở Trường Sa, ‘người bạn’ thân thiết của lính đảo
Những chú chó ở Trường Sa, ‘người bạn’ thân thiết của lính đảo

“Khuyển mã chi tình”. Trong những loài vật nuôi, chó và ngựa là hai con vật được coi là trung thành nhất với con người. Ở Trường Sa, chó không chỉ là thú cưng của các chiến sĩ mà còn là “người bạn” song hành trong mỗi đêm đi gác, những phút nghỉ ngơi sinh hoạt hàng ngày trên các điểm, đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN