Từ vị trí nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, Toyota liên tục trượt dốc với các đợt thu hồi xe triền miên do các lỗi kỹ thuật liên quan đến hệ thống chân ga, thảm lót chân và chân phanh. “Cơn ác mộng” của tập đoàn này lên đến đỉnh điểm khi tổng số xe bị thu hồi từ tháng 10/2009 đến nay đã lên tới 8,6 triệu chiếc trên toàn thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng chất lượng và uy tín lớn nhất của Toyota kể từ khi ra đời cách đây 7 thập kỷ.
Kỳ 2: Thu hồi nối tiếp thu hồi
Có thể nói khởi nguồn của “cơn ác mộng” của Toyota bắt đầu từ năm 2000, khi tập đoàn này thực hiện chương trình quản lý tiết kiệm chi phí có tên “Xây dựng cạnh tranh chi phí cho thế kỷ 21”, trong đó đặt mục tiêu cắt giảm 30% chi phí đối với 180 phụ tùng xe ô tô. Không biết hiệu quả của chương trình này ra sao, nhưng hệ quả là từ đó đến nay đã có hàng triệu chiếc xe bị thu hồi.
Dòng xe Lexus ES 350 nằm trong diện thu hồi. |
Trong số những dòng xe Toyota bị thu hồi trong thời gian qua có mặt đầy đủ các thương hiệu lớn như Lexus, Avalon, Camry, Maxtrix, Yaris, Avensis..., từ dòng sedan Corolla tới dòng xe bán thể thao đa dụng RAV4, từ xe chạy xăng tới xe Prius có động cơ lai Hybrid thân thiện với môi trường.
Thị trường Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ và Canađa), chiếm 16,31% tổng thị phần của Toyota trên toàn thế giới, cũng là nơi có số lượng xe bị thu hồi nhiều nhất. Có tới 5,75 triệu khách hàng được thông báo xe của họ cần phải được điều chỉnh miếng thảm lót chân và 2,48 triệu khách hàng khác được cảnh báo về lỗi chân ga. Cả hai lỗi này đều khiến xe tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn (trong số này có cả những chiếc xe bị thu hồi do bị cả hai lỗi cùng lúc). Ngoài ra, Toyota còn phải thu hồi thêm 155.000 xe tại thị trường Bắc Mỹ do lỗi chân phanh.
Tại châu Âu, nơi các mẫu xe của Toyota chưa thực sự được sử dụng rộng rãi do chủ yếu nhằm vào phân khúc thị trường cấp thấp, tổng số lượng xe bị thu hồi là 1,8 triệu chiếc, trong đó có 53.000 chiếc bị lỗi chân phanh. Tại châu Á, hai thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Trung Quốc cũng có gần 300.000 chiếc xe Toyota bị thu hồi.
Điểm lại quá trình, tháng 9/2007 đợt thu hồi xe số lượng lớn đầu tiên của Toyota bắt đầu với dòng xe hạng sang Lexus ES 350 và dòng xe hạng trung Camry, cùng sản xuất trong năm này ở Mỹ. Thảm lót chân của các xe này được thông báo là có thể bị trượt khỏi vị trí và kẹt vào chân ga, khiến xe tăng tốc không thể kiểm soát. Tại thời điểm này, Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã cảnh báo người tiêu dùng cần thận trọng với cả hai dòng xe Avalon và Prius bởi chúng có thể mắc các lỗi tương tự.
Tháng 8/2009, một gia đình gồm 4 thành viên đã cùng thiệt mạng do gặp tai nạn khi đang lái một chiếc Lexus ES 350 trên đường cao tốc ở bang California, Mỹ. Đoạn băng ghi âm cuộc gọi tới tổng đài 911 trong những giây phút cuối cùng cho thấy lái xe không thể kiểm soát phanh trong khi chân ga rồ lên không có cách nào ngăn chặn. Luật sư của nạn nhân đã đặt vấn đề về chất lượng kỹ thuật của chiếc xe Lexus này và cuộc điều tra sau đó cũng cho thấy chiếc thảm lót chân bị kẹt có thể là nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm.
Một nhà máy sản xuất ô tô của Toyota ở Huntsville, bang Alabama (Mỹ). |
Sau vụ tai nạn nói trên, càng có nhiều cặp mắt nghi ngờ đổ vào Toyota bởi trước đó đã xảy ra một số vụ tai nạn tương tự. Sau một số cuộc tham vấn với NHTSA, tháng 10/2009, Toyota thông báo thu hồi 3,8 triệu chiếc xe thuộc 7 dòng khác nhau để xử lý nguy cơ thảm lót chân làm kẹt chân ga. Bị tác động nhiều nhất vẫn là dòng Lexus, tiếp đến là Camry, Avalon, Prius... Thông báo của Toyota viết: “Chân ga bị kẹt có thể khiến xe chạy với tốc độ rất cao và không thể dừng lại, hậu quả là có thể gây đâm xe, bị thương nặng hoặc tử vong”. NHTSA cũng ra tuyên bố coi đây là “một vấn đề khẩn cấp” và đề nghị các chủ xe gỡ bỏ tấm lót chân để tránh nguy cơ xe tăng tốc không kiểm soát.
Một thống kê của NHTSA công bố ngày 3/12/2009 cho thấy, Toyota chiếm tới 33% tổng số đơn phàn nàn ở Mỹ trong năm về các lỗi liên quan đến việc chân ga tăng tốc không kiểm soát. Giữa tháng 1/2010, Toyota thông báo với NHTSA là các bộ phận chân ga trong các xe của hãng do Công ty CTS Corp - một công ty của Mỹ có trụ sở tại bang Indiana - cung cấp có thể đã bị một lỗi “kẹt” nguy hiểm.
Vậy là vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ tấm lót chân bị kẹt, mà nó đã ăn sâu vào hệ thống kiểm soát chân ga của nhiều dòng xe. Tại một cuộc họp ở Oasinhtơn với sự có mặt của trưởng đại diện bán hàng của Toyota tại Mỹ, Mim Lentz, NHTSA đã yêu cầu tập đoàn này phải có hành động cấp thiết để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra đối với người tiêu dùng. Kết quả của lời cảnh báo này là một đợt thu hồi tiếp theo đối với 2,3 triệu chiếc xe Toyota đã tiêu thụ ở Mỹ, bao gồm các dòng RAV4, Matrix, Avalon, Camry, Highlander, Tundra và Sequoia.
Giữa tháng 1/2010, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ chính thức yêu cầu Toyota nộp các hồ sơ liên quan đến các vụ thu hồi xe quy mô lớn trước đó để điều tra. Một trong những nội dung chính được các cơ quan hữu trách quan tâm là khi nào và bằng cách nào Toyota phát hiện được các lỗi an toàn xảy ra một cách có hệ thống trong các sản phẩm của mình. Liệu có phải các lỗi này đã được phát hiện trước hay trong quá trình sản xuất và Toyota đã lờ đi hay không?
Bản thân NHTSA cũng chịu sức ép từ phía các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, khi họ bị cáo buộc cơ quan này đã lơ là trong việc giám sát ngành công nghiệp ô tô, ít khi áp dụng các biện pháp trừng phạt và không nắm chắc thông tin chi tiết về hoạt động của các công ty xe hơi.
Trước sức ép liên tục từ các cơ quan giám sát an toàn giao thông Mỹ, Ban giám đốc Toyota quyết định ngừng bán ra 8 mẫu xe đang được tiêu thụ tại nước này, trong đó có dòng Camry đứng đầu bảng các dòng xe bán chạy nhất; đồng thời tạm ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Mỹ. Ước tính thiệt hại của việc đóng cửa hai nhà máy lên tới 550 triệu USD/tháng.
Đến cuối tháng 1/2010, Toyota thông báo sẽ mở rộng diện thu hồi xe ra các thị trường châu Âu và Trung Quốc, với số lượng xe bị ảnh hưởng tại châu Âu có thể lên đến 1,8 triệu chiếc, trong đó có hai dòng Yaris và Auris. Tuy nhiên, đợt thu hồi này chưa phải là điều tồi tệ nhất, bởi “nạn nhân” tiếp theo trong đợt thu hồi là dòng xe Prius, vốn được coi là “quân Át chủ bài” của Toyota trên thị trường xe hơi toàn cầu cạnh tranh khốc liệt.
Vũ Hội (Tổng hợp)