CIA và đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố

Kỳ cuối: Đối thủ chính của CIA


Việc đóng cửa chương trình GDI và loại bỏ thực sự quyền kiểm soát của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố là do công cụ chính của Nhà Trắng để xác định địa điểm, trại huấn luyện khủng bố, nơi ẩn náu các thủ lĩnh của chúng cũng như loại bỏ chúng thuộc về Lực lượng hành động đặc nhiệm (SOF). Lực lượng này hiện có 67.000 người. Dưới quyền chỉ huy của SOF có Lực lương đặc nhiệm Lục quân, Hải quân, Không quân, Cảnh vệ Quốc gia, Bộ chỉ huy các hoạt động đặc nhiệm phối hợp (JSOC).

 

Các đơn vị đặc nhiệm Mỹ luôn sẵn sàng hành động.


Cơ quan chỉ huy này phối hợp hoạt động của các đơn vị đặc nhiệm, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên theo quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong tương lai lực lượng này sẽ bị cắt giảm 20%. Về tài chính, ngân sách dành chọ họ sẽ giảm 4%. Năm 2013, SOF nhận được gần 10,5 tỷ USD. Trong tài khóa tới, họ sẽ nhận chưa đầy 10 tỷ USD. Khoản tiền này gồm cả tiền tiến hành các hoạt động ở nước ngoài.


Chính SOF đang thực hiện phần việc chính tiêu diệt khủng bố. Trong những năm qua, các đơn vị của họ đã tiến hành thành công một lượng lớn các chiến dịch đặc biệt, trong đó có chiến dịch tiêu diệt bin Laden và các thủ lĩnh khác của nhiều tổ chức khủng bố. Các đơn vị này cũng đã xóa sổ nhiều trại huấn luyện và nơi ẩn náu của khủng bố.

 

Một cuộc diễn tập của Lực lượng đặc nhiệm Hải quân.


Sắc lệnh đặc biệt cho phép các lực lượng đặc nhiệm của Lầu Năm Góc tham gia vào các cuộc truy bắt bí mật của CIA, đã được Tổng thống George W. Bush phê chuẩn và sau đó được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld ký năm 2004. Trước khi có lệnh này, Lầu Năm Góc, CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ đã gần 1 năm thảo luận về việc phân định các khu vực ảnh hưởng. Trước thời điểm đó, nhân viên CIA nắm quyền tiến hành các chiến dịch đặc nhiệm ở các nước, kể cả không được phép của chính phủ các nước này.


Gần như ngay sau sự kiện 11/9, ông Bush đã ban hành một mật lệnh cho phép CIA tiến hành những hành động mạnh tay nhất để loại bỏ hay bắt giữ các thành viên khủng bố trên toàn cầu. Sau đó không lâu, cơ quan tình báo này nhận được các quyền rộng rãi để bí mật giam giữ và thẩm vấn những nghi can khủng bố ở các nhà tù nước ngoài, cũng như được phép nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại của chúng mà không bị pháp luật trừng phạt. Tuy nhiên trong thực tế, CIA không thực thi hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, và từ năm 2004, SOF của Lầu Năm Góc đã trở thành lực lượng chính chiến đấu hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ở mọi nơi trên thế giới.


Hiện chương trình chống khủng bố toàn cầu của Tổng thống Barack Obama không chỉ tiêu diệt các chiến binh bằng máy bay không người lái (UAV), mà cả bằng cách triển khai các đơn vị nhỏ SOF trên mọi khu vực của thế giới, có vấn đề về khủng bố. Tuy nhiên, giống như CIA, lực lượng đặc nhiệm sử dụng UAV để tấn công các chiến binh và như một số chuyên gia lưu ý, thậm chí qui mô còn lớn hơn CIA. Quả thực, việc tiến hành tất cả các chiến dịch quan trọng và thực hiện những cuộc tấn công như vậy nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của các nghị sĩ Mỹ.


Trong thời kỳ George W.Bush, chỉ huy SOF trình các báo cáo về hoạt động của lực lượng này cho Phó Tổng thống. Vào thời điểm đó, thông báo với báo giới, một trong các sĩ quan cấp cao SOF cho biết chỉ huy của họ đưa ra quyết định về việc các đơn vị hoạt động tại các nước mà không cần phối hợp với các đại sứ và công sứ CIA. Chuyên gia của họ tự do tới bất cứ nước nào ở đó cần họ để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra cũng như tự do quay trở về Mỹ, mà không cần sự đồng ý của đại sứ và công sứ CIA.


Do ông Obama, khác với ông Bush, nỗ lực bằng mọi cách tránh các cuộc xâm nhập qui mô lớn vào lãnh thổ nước khác, ngày nay Mỹ chú trọng tới việc mở rộng các hoạt động ngầm do các đơn vị SOF thực hiện. Lãnh đạo Nhà Trắng cảm thấy thoải mái hơn vì những hoạt động như vậy, trong hầu hết các trường hợp, được tiến hành mà không cần sự cho phép và phê chuẩn của các nghị sĩ và đương nhiên công luận Mỹ cũng không hay biết gì. Theo một số thông tin, các đơn vị SOF có thể cùng lúc hoạt động ở 70 hay thậm chí là 120 quốc gia.


Đương nhiên, các chuyên gia SOF không chỉ tiến hành các cuộc chiến bí mật bất tận ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Họ còn tham gia huấn luyện quân sự ở nhiều nước, bị các chiến binh đe dọa. Họ truyền đạt kinh nghiệm về việc tiến hành các hoạt động đặc nhiệm. Đương nhiên, tất cả được thực hiện chỉ vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.


Từ năm 2005, Phó Tổng thống thứ 46 của Mỹ Dick Cheney đã gọi đặc nhiệm Mỹ là “những nhà chuyên nghiệp thầm lặng”, và là lực lượng Mỹ muốn “xây dựng trong tương lai”. Ông cũng nói thêm “lực lượng này sẽ gọn nhẹ hơn và thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh cũng như hiệu quả hơn trong việc thực hiện các cú đòn chết chóc”.



Duy Trinh

CIA và đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố
CIA và đặc nhiệm Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố

Việc đóng cửa chương trình GDI và loại bỏ thực sự quyền kiểm soát của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố là do công cụ chính của Nhà Trắng để xác định địa điểm, trại huấn luyện khủng bố, nơi ẩn náu các thủ lĩnh của chúng cũng như loại bỏ chúng thuộc về Lực lượng hành động đặc nhiệm (SOF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN