Biệt danh "Út cứu thương"
Đại tá Nguyễn Thành Út (tên khai sinh là Huỳnh Văn Voi) sinh năm 1931, ở xã Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Mồ côi cha mẹ từ sớm, năm 10 tuổi, ông nương nhờ tại một ngôi chùa ở địa phương. Năm 15 tuổi, ông theo một người đàn anh tới Sa Đéc (Đồng Tháp), làm cứu thương. Ở đơn vị, do nhỏ tuổi nhất nên mọi người gọi ông là “Út cứu thương”, từ đó ông tự đặt tên mình là Nguyễn Thành Út. Sau này, thấy lòng căm thù giặc luôn sôi sục trong ông, tổ chức đưa ông từ Sài Gòn (khi ấy đang làm công nhân) về Tiểu đoàn 307, tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên tại Nam bộ được thành lập ngày 1/5/1948 gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của bộ đội ở Bến Tre hợp thành.
“Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi...”. Như câu hát ấy trong bài hát “Tiểu đoàn 307”, ông hào hứng nhớ lại lễ xuất quân tại Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú). Ông kể, toàn đơn vị chúng tôi tuổi đời còn rất trẻ, cùng hô vang lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”, “nguyện một lòng gìn giữ non sông”... Sau lễ xuất quân, Tiểu đoàn 307 vượt sông Tiền sang Rạch Gầm (thành phố Mỹ Tho) về Đồng Tháp Mười nhận nhiệm vụ đánh đồn địch ở Mộc Hóa.
Trận chiến đầu tiên của tiểu đoàn, Đại tá Nguyễn Thành Út kể, đêm 16/8/1948, Tiểu đoàn cùng một số đơn vị phối hợp nổ súng mở đầu trận Mộc Hóa theo chiến thuật “công đồn, đả viện”. Một đại đội của tiểu đoàn vây đồn Mộc Hóa. Quân địch ở đồn Mộc Hóa khi bị quân ta tấn công đã chống trả quyết liệt. Bộ đội ta dùng cách đánh vây hãm, ép địch phải co cụm phòng thủ. Mỗi khi chúng cho quân ra do thám hoặc vận chuyển người bị thương thì chúng ta tập kích, diệt từng nhóm nhỏ.
Ngày 18/8/1948, một tiểu đoàn địch từ biên giới Việt Nam - Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa thì bị rơi vào bẫy phục kích của bộ đội ta. Bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch. Quân tiếp viện bị đánh bại, tinh thần quân trong đồn Mộc Hóa xuống thấp, hạ vũ khí đầu hàng. Sau 3 ngày chiến đấu cam go, đầy mưu trí dũng cảm, Tiểu đoàn 307 đã đánh bại một tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên cầm đầu, thu hàng trăm súng các loại.
Trận đầu ra quân thắng lớn, giải phóng huyện Mộc Hóa (Long An), liên kết chiến trường Việt Nam - Campuchia, nối thông Khu 8, Khu 7 và Khu 9, trở thành mốc son đầu tiên trong trang sử truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 307, đồng thời được đánh giá là điểm son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của Long An, Khu 8. Sau trận đầu ra quân thắng lợi, tiểu đoàn của ông liên tiếp lập chiến công ở Đồng Tháp Mười, bảo vệ cơ quan đầu não của Nam Bộ và Khu 8. Tính đến năm 1954, Tiểu đoàn 307 đã đánh trên 100 trận lớn, nhỏ. Sau Hiệp định Geneva, Tiểu đoàn 307 tiếp quản thị xã Cà Mau và thị trấn Tắc Vân, sau đó tập kết ra Bắc rồi đổi phiên hiệu trở thành Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, đóng quân tại Thanh Hóa.
Anh hùng của những trận đánh lớn
Suốt 9 năm chiến đấu ở chiến trường Nam bộ, ông đã đánh 42 trận, bị thương 6 lần, trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông nói: “Tôi rất được chỉ huy, đồng đội tin tưởng nên thường được chọn tham gia đánh các trận lớn. Nhiều trận đánh rất ác liệt nhưng không bao giờ chúng tôi từ bỏ, quyết diệt địch càng nhiều càng tốt để chúng khiếp sợ”.
Ông kể, trận đánh đồn Bà Lực năm 1950, địch bắn dữ dội, đơn vị xung phong hai đợt chưa vào được. Quyết phá thế giằng co, Nguyễn Thành Út kẹp súng trung liên vào nách xông vào sát đồn, bắn áp chế hỏa lực của địch. Nhân cơ hội ấy, bộ đội ta xông lên phá cửa đồn, tiêu diệt gọn cứ điểm này.
Trong trận Bảy Ngàn (Cần Thơ) năm 1952, ông cùng một đồng đội đội bèo, ngâm mình dưới con rạch bí mật áp sát đồn, giống với cách đánh của lực lượng đặc công sau này. Bí mật lọt được vào đồn, hai người chiếm được cầu thang gác chặn địch. Phát hiện, địch phản công dữ dội, người đồng đội hy sinh, dù còn một mình, Nguyễn Thành Út vẫn dũng cảm đánh chặn địch, chờ lực lượng xung kích xông vào đồn diệt gọn cứ điểm.
Nhờ những chiến công ấy, Đại tá Nguyễn Thành Út được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 7/5/1956, nhân dịp kỷ niệm hai năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Lễ tuyên dương Anh hùng Quân đội lần thứ 3, Đại tá Nguyễn Thành Út (khi ấy là Chính trị viên đại đội) được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này, ông về công tác tại lực lượng Phòng không - Không quân cho đến khi nghỉ hưu năm 1993. Về sống tại căn nhà ở Phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, ông vẫn tham gia công tác của Hội Cựu chiến binh và đóng góp nhiều cho các hoạt động từ thiện của Hội.
Tới nay gần 90 tuổi, dù sức khỏe đã yếu nhưng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Út còn rất minh mẫn, kể lại cho chúng tôi những ký ức hào hùng của Tiểu đoàn 307 Anh hùng. Hát lại những câu hát “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn 307…” trong bài hát “Tiểu đoàn 307”, ông nhắc: “Tiểu đoàn chúng tôi suốt những năm chiến đấu, mỗi khi vượt sông Cửu Long là một lần chiến thắng trở về”.
Bài 3: Người anh hùng mặc áo blouse trắng