Von Braun và nhóm của ông tiếp tục công việc chế tạo dòng tên lửa Aggregate, trong đó chiếc A-3 chuẩn bị được ra lò. Nó là bản nâng cấp đáng kể của A-2, tên lửa mà von Braun đã chế tạo trước đây. Bất chấp nhiều lần thất bại, họ đã đưa được tên lửa lên độ cao 18 km. Tuy nhiên, bước đột phá thực sự chỉ xuất hiện trong seri tiếp theo: A-4.A-4, sau này được gọi là tên lửa V-2 (Vũ khí trả thù-2), gồm một động cơ được thiết kế lại để cho phép nó mang theo đầu đạn 1.000 kg. Tới năm 1941, nhóm nghiên cứu ở Peenemunde đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm kéo dài với V-2 trước khi nó được phóng thành công lần đầu tiên vào tháng 3/1942. Nó đạt độ cao 80 km, cao hơn so với bất kỳ tên lửa nào trước đó. Năm 1943, việc sản xuất V-2 trên quy mô lớn được tiến hành để rồi nó được Đức sử dụng chống lại quân địch với hiệu quả tàn phá khủng khiếp.
V-2 đã trở thành hòn đá tảng của gần như tất cả các chương trình không gian tương lai sau chiến tranh. Vào thời điểm đó, chưa có nhóm nghiên cứu của nước nào lặp lại được thành công như đội của von Braun.
V-2 chỉ là chiếc đầu tiên trong một loạt tên lửa đã được lên kế hoạch từ trước. Trong khi việc nghiên cứu và sản xuất tên lửa này vào đầu những năm 1940 được đẩy mạnh, von Braun và nhóm của ông đã đã tìm hiểu khả năng cải thiện seri này, chế tạo loại tên lửa vươn tới không gian xa hơn và do đó có tầm bắn lớn hơn, mang lại cho Hitler loại vũ khí mà y cần để tấn công cả thế giới.
Von Braun và nhóm của ông phát hiện ra rằng bằng cách bổ sung thêm cánh vào tên lửa, họ có thể nâng cao tầm bắn của nó hơn nhiều. Do đó họ đã nghĩ ra chiếc A-9, vốn là V-2 với cánh nhỏ ở bên sườn có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa trên 800 km sau khi bay lên không gian (với độ cao 100 km). A-9 và các thiết kế sau đó cuối cùng không bao giờ biến thành hiện thực, nhưng tiềm năng của chúng là quá rõ ràng.
Dựa trên nghiên cứu này là chiếc A-10, một trong những tên lửa nhiều tầng đầu tiên trên thế giới. Cao khoảng 20 m và nặng 16 tấn, đây là một chiếc V-2 đã được điều chỉnh với nhiều động cơ, và tầng trên của nó chính là tên lửa A-9. Chiếc tên lửa 2 tầng này tách rời một khi nó bay lên không gian, để A-9 với đầu đạn nhắm tới mục tiêu cách xa 900km. Sau khi phóng, A-10 sẽ hạ xuống mặt đất bằng dù, cho phép người ta tái sử dụng cho các lần phóng tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng của A-9 và A-10 là tấn công Mỹ từ châu Âu. Năm 1940 và 1941, Oberth đã nghiên cứu về thiết kế này. Ông và các kỹ sư của mình vướng phải một vấn đề then chốt. Trong khi tìm cách tạo ra một loại tên lửa có thể bay xa 5.000km đến Mỹ, họ không thể hoàn thiện một hệ thống dẫn đường cho phép tên lửa tấn công mục tiêu một cách chính xác. Thay vào đó, họ đề xuất một thiết kế cải tiến chưa từng được nghĩ đến trước đây.
Ý tưởng là nếu điều chỉnh A-9 để bổ sung một khoang lái điều áp, họ có thể đưa vào một phi công để lái tên lửa đến gần mục tiêu. Một chiếc ghế tự đẩy sẽ cho phép phi công thoát ra ngoài trước khi tên lửa đâm vào mục tiêu. Để làm vậy, tên lửa cần bay vào không gian, và nhóm nghiên cứu Đức không biết rằng họ đang thiết kế chiếc tàu vũ trụ đưa người lên không gian đầu tiên.
Thiết kế này mang đầy tham vọng. Phân tích của von Braun và nhóm của ông sau chiến tranh cho thấy rằng nếu nhiệm vụ đó được hoàn thành, nó cuối cùng cũng chỉ gây ra thảm họa. Một mặt, người ta đã đánh giá quá thấp lực quay trở lại mặt đất của tên lửa A-9 khi nó bay về từ không gian và đi qua tầng khí quyển của Trái đất. Thêm nữa, thiết kế nguyên thủy của A-9 không bao gồm tấm cách nhiệt. Không ngạc nhiên khi nó không được đưa vào sử dụng.
Các giai đoạn tiếp theo của dòng tên lửa Aggregate đã được thiết kế nhưng không được phát triển. Sau A-10, von Braun và nhóm của mình hướng đến tên lửa 3 tầng đầu tiên trên thế giới, A-11, và sau đó là chiếc A-12 có 4 tầng. Trong khi V-2 và những chiếc tên lửa Aggregate khác chỉ được chế tạo để bay chưa đến một vòng quỹ đạo, hai loại tên lửa mới này có thể bay đủ vòng quỹ đạo.
Nhưng khi Thế chiến thứ hai đang đi đến lúc quân Đức sắp thất bại, những kế hoạch tham vọng này bị xếp xó để giành chỗ cho việc sản xuất những chiếc V-2 hữu dụng cho các cuộc chiến với quân địch. Giấc mơ thăm dò không gian của các nhà nghiên cứu Đức đành phải gác lại cho đến sau chiến tranh.
(Còn tiếp)
Trần Anh