Chương trình hạt nhân bí mật của Israel - Kỳ 2


LỖ HỔNG TÌNH BÁO MỸ

Từ năm 1958, Mỹ đã có thông tin mơ hồ về kế hoạch của Israel khi một nhà ngoại giao Mỹ tại Tel Aviv có thông tin quốc gia Trung Đông này đang triển khai kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, không ai tìm hiểu thêm vấn đề này. Đến giữa năm 1959, Richard Kerry (cha của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry), một nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Oslo, nắm được thông tin Na Uy đang bán 20 tấn nước nặng cho Israel, một thành phần quan trọng cho lò phản ứng hạt nhân Dimona. Báo cáo của ông Kerry đã không được xem xét tại cấp cao nhất ở Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Bộ Ngoại giao Mỹ. Mặc dù Israel cam kết sử dụng số nước nặng này cho mục đích hòa bình, không có hồ sơ nào cho thấy báo cáo này được xem xét ở cấp cao hơn, chứ đừng nói nó khiến Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Christian Herter đặt nghi ngờ liệu Israel đang làm gì với số nước nặng và lò phản ứng hạt nhân mới.

Nơi khoanh tròn là vị trí đặt lò phản ứng hạt nhân ở Dimona, Israel.

Tại sao các báo cáo vào năm 1958 và 1959 bị chôn vùi trong quên lãng vào thời điểm đó vẫn là một bí mật. Liệu có phải một số người trong cộng đồng tình báo Mỹ hay Bộ Ngoại giao Mỹ “thông cảm” với Israel và cố tình che giấu hoặc bỏ qua những thông tin nhất định hay không? Theo một nhân viên phân tích tại Trung tâm tình báo hình ảnh của CIA, chương trình U - 2 đã thu được những hình ảnh về công trường xây dựng Dimona, cho thấy đây là một dự án hạt nhân. Thông tin tình báo này được báo cáo lên Tổng thống Eisenhower. Tuy nhiên, khi biết về phát hiện này, Tổng thống Eisenhower lại tỏ vẻ không mấy quan tâm.

Báo cáo đầu tiên về việc Israel đang bí mật xây dựng một lò phản ứng hạt nhân lớn nhờ sự trợ giúp của người Pháp đến được Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv qua nguồn tin từ một người Mỹ. Vào cuối tháng 7/1960, David Anderson, một nhân viên công ty lắp đặt lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình tại Nachal Soreq, thông báo với nhân viên Đại sứ quán Mỹ rằng ông ta nắm được thông tin các nhân viên người Pháp đang xây dựng “một lò phản ứng hạt nhân công suất 60 MW” tại khu vực Beersheba của Israel. Theo nguồn tin ông này biết được từ một giám đốc công ty dầu khí Israel, các công nhân người Pháp đang làm việc tại một dự án được nhắc đến như “lò phản ứng làm mát bằng khí gas có khả năng sản xuất khoảng 60MW điện.” Anderson đánh giá dự án này đã được triển khai khoảng 2 năm và sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm tới. Đây là báo cáo đầu tiên của Mỹ gợi mở về sự tồn tại của dự án Dimona.

Tổng thống Eisenhower (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter (trái).

Khi tình báo Mỹ nhận được báo cáo của Đại sứ quán nước này tại Tel Aviv, các quan chức Mỹ đánh giá họ cần thêm thông tin, vì họ không có các nguồn tin độc lập để kiểm chứng cho báo cáo này. CIA đã đưa ra một danh sách các nghi vấn về sự hợp tác giữa Pháp và Israel, bao gồm các tổ chức có liên quan tới dự án này, thông số của lò phản ứng và kế hoạch sử dụng các thanh nhiên liệu... hay khả năng Israel đang xây dựng một nhà máy tách lọc hóa chất. Chỉ đến tháng 10/1960, Bộ Ngoại giao Mỹ mới gửi các câu hỏi của CIA làm “hướng dẫn” thu thập thông tin cho Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Paris cùng phái đoàn của Mỹ tại IAEA cũng nhận được các bản copy những câu hỏi này. Yêu cầu thu thập thông tin về vấn đề này không được ưu tiên ở mức cao mà chỉ ở mức “theo thường lệ”. Nếu Đại sứ quán Mỹ tại Israel gửi về một bản báo cáo thông thường, sự việc này có lẽ vẫn chưa được phát hiện. Tuy nhiên, tùy viên quân sự Mỹ tại Israel bắt đầu bí mật thu thập thông tin và chụp ảnh.

Trong khi đó, John Rouleau, đại diện của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ tại Paris, đã tìm cách dò hỏi một quan chức không được nêu tên của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp. Quan chức này tuyên bố thẳng thừng rằng Pháp “không cộng tác với Israel trong việc xây dựng một lò phản ứng điện hạt nhân”. Không thể chắc chắn việc quan chức CEA thực sự không biết gì về Dimona hay người này cố gắng gây nhầm lẫn cho phía Mỹ. Nói nghiêm túc, phát ngôn của quan chức này không thực sự là một lời nói dối bởi vì lò phản ứng Dimona không phải là một lò phản ứng điện.

Việc Pháp từ chối khiến Mỹ bắt đầu nghi ngờ và sử dụng nguồn tin riêng của mình, bao gồm cả tình báo Anh. Vào cuối tháng 11/1960, Ngoại trưởng Mỹ Herter trao đổi thẳng vấn đề này với Đại sứ Anh Harold Caccia: Washington không chắc chắn về báo cáo rằng “một lò phản ứng sản xuất plutonium có thể đang được xây dựng tại Israel với sự trợ giúp từ Pháp.” Ngoài ra, Pháp có thể đang cung cấp công nghệ sản xuất “bom hạt nhân thông thường”.

Cũng trong tháng đó, trên đường trở về từ Israel, giáo sư Henry Gomberg thuộc khoa kỹ sư hạt nhân của Đại học Michigan, đã có cuộc gặp gỡ với Roleau. Với tư cách khách mời của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel, cố vấn về giảng dạy hạt nhân, Gomberg đã thu thập được một số thông tin “khẩn cấp và bí mật” (và nghi ngờ) về một chương trình hạt nhân bí mật quy mô lớn của Israel mà ông này muốn chia sẻ với các quan chức chính quyền Mỹ. Một vài ngày sau, ngày 1/12/1960, Gomberg đến Washington để trao đổi chi tiết với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Bộ ngoại giao Mỹ. Gomberg có lý do để tin rằng Dimona giống với lò phản ứng hạt nhân Marcoule, một phần trong chương trình vũ khí của Pháp. Ngoài ra, Israel đang triển khai một chương trình đào tạo về hạt nhân có quy mô lớn hơn nhiều so với tuyên bố của họ. Thông tin mà Gomberg cung cấp đã củng cố thêm suy đoán của tình báo Mỹ về Dimona.

Kỳ cuối: Thách thức đối ngoại của Mỹ

Viễn Nguyễn ((Theo Politico))
Chương trình hạt nhân bí mật của Israel - Kỳ cuối
Chương trình hạt nhân bí mật của Israel - Kỳ cuối

Ngày 8/12/1960, Giám đốc CIA Dulles đã ký văn bản kết luận “trên cơ sở các nguồn tin hiện có”, việc sản xuất plutonium cho vũ khí hạt nhân “ít nhất là một mục đích chính trong nỗ lực của Israel”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN