Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ cuối:

 Tấm biển báo nguy hiểm


Tuy nhiên đến ngày hôm sau, do thông tin liên lạc không chính xác và do bộ chỉ huy quân Đồng minh không nắm bắt đúng tình hình nên sân bay Maleme ở phía tây đảo Crete đã bị thất thủ, giúp người Đức có thể đổ quân tiếp viện bằng đường không và cuối cùng áp đảo được lực lượng phòng thủ trên đảo sau khoảng 10 ngày giằng co quyết liệt giữa hai bên.



Một lính dù Đức thiệt mạng trước khi chạm được chân xuống mặt đất


Mặc dù là một chiến thắng sau khi lính dù Đức tập kích và chiếm giữ một hòn đảo nằm lọt thỏm giữa các vùng biển do kẻ thù kiểm soát, được lực lượng phỏng thủ đông gấp ba lần và biết trước về các kế hoạch tấn công bảo vệ, nhưng Chiến dịch Mercury đã khiến người Đức phải trả giá quá đắt về cả người và của. Chỉ trong một sư đoàn đơn lẻ gồm 12.000 quân mà Đức đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng với 4.000 binh sĩ thiệt mạng và 2.500 người bị thương, trong đó có vô số binh lính và sĩ quan tinh nhuệ không thể dễ dàng thay thế. Không quân Đức ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 13/5 - 1/6, lực lượng này mất 220 máy bay, dù chỉ có 147 chiếc trong số đó có thể tính trực tiếp can dự với đối phương (80 chiếc Ju52/3m, 55 chiếc Bf 109 và Bf 110, 23 chiếc Ju 88, He 111 và Do 17, 9 chiếc Ju 87). Ngoài ra, 64 chiếc nữa bị xóa sổ do những hư hại nghiêm trọng cùng hàng trăm chiếc khác bị hỏng hóc ở nhiều mức độ khác nhau.


Trong buổi lễ vinh danh những quân nhân được trao tặng Huân chương thập tự Hiệp sĩ ngày 17/6, Hitler nói với Tướng Student rằng “trận Crete chứng tỏ thời của lính dù đã hết”. Tấn công bằng lính dù đã mất đi yếu tố bất ngờ. Còn Tướng Student, vẫn chưa hết bàng hoàng vì mất quá nhiều binh sĩ do đích thân ông đào tạo, gọi Crete là “mồ chôn của lực lượng không vận Đức”. Hitler sau đó đã nghiêm cấm thực hiện các hoạt động không vận trên quy mô lớn. Ngược lại, phe Đồng minh rất ấn tượng trước tiềm năng của binh chủng lính dù và bắt đầu cho mở rộng cũng như nâng cấp các sư đoàn không vận của phe mình.

 

Sân bay Maleme.


Trận Crete là một trận đánh đặc biệt chưa từng thấy vì nhiều yếu tố: đây không chỉ là lần đầu tiên lực lượng lính dù Đức được huy động với quy mô rất lớn, mà còn là cuộc tấn công chủ đạo bằng không vận đầu tiên trong lịch sử quân sự; là lần đầu tiên quân Đồng minh tận dụng một cách đáng kể các tin tức tình báo nhờ giải được mật mã Enigma của Đức và cũng là lần đầu tiên quân Đức xâm lược vấp phải sự kháng chiến quyết liệt từ dân cư địa phương.


Một mặt, trận Crete đã cho thấy các kỹ năng tiến hành chiến dịch của người Đức, có thể kể đến thời gian thần tốc, sự liên lạc chặt chẽ giữa các lực lượng mặt đất và trên không, việc nhanh chóng thiết lập các đội đặc nhiệm trong những làn bom đạn dày đặc, và cả việc Tướng Student chớp thời cơ khai thác lỗ hổng do cuộc sơ tán khỏi Đồi 107 tạo ra để chiếm sân bay Maleme. Người ta đã từng được chứng kiến những điều này trong lịch sử quân sự Đức và sẽ lại được thấy tiếp trong tương lai. Toàn bộ chiến dịch mang nặng yếu tố táo bạo mà theo Tướng Student có liên quan đến “một sư đoàn dù, một trung đoàn tàu lượn và Sư đoàn sơn cước số 5 chưa từng được vận chuyển bằng đường không”. Chiến thắng trên đảo Crete thật nhọc nhằn.

 

Lính Anh đầu hàng lính dù Đức.


Tuy nhiên, cũng có những vấn đề sẽ là các “tấm biển báo nguy hiểm” cho các chiến dịch của Đức trong tương lai. Thông tin tình báo của quân đội Đức trước chiến dịch thả quân không chỉ sơ sài mà còn sai lệch. Đức đánh giá quá thấp quy mô của lực lượng Thịnh vượng chung trên đảo Crete trong khi không thực hiện công tác phản gián. Người Đức cũng không có bất cứ động thái nào để che giấu các hoạt động tập trung lực lượng không vận của họ ở Hy Lạp, khiến người Anh có thể dự đoán với độ chính xác khá cao những gì đang chờ đón họ.


Hơn nữa, việc thả quân diễn ra quá phân tán và tản mát khiến không thể nhận ra đâu là “trọng điểm tấn công”, mà trọng tâm luôn là một yếu tố then chốt trong các chiến dịch quân sự của Đức trước đây. Họ đã cố gắng thể hiện sức mạnh ở mọi nơi trên đảo Crete, nhưng rốt cuộc lại chẳng mạnh ở đâu cả.

Vậy thì, những lính dù dũng cảm mang trên mình nhiệm vụ đau đớn là nhảy xuống “địa ngục” Maleme sẽ chuyển tải bức thông điệp gì. Bất chấp tất cả những toan tính và sự thận trọng để đi một cuộc thả quân, khâu lập kế hoạch cho chiến dịch sẽ không bao giờ là một công việc chính xác, dù do ai làm đi chăng nữa. Điều này đúng đối với một chiến dịch như Mercury của Đức, chỉ lên kế hoạch trong vài tuần, và cũng đúng đối với một chiến dịch như Overlord của Đồng minh, được lên kế hoạch một cách có hệ thống bởi cả một đội ngũ các nhà chuyên môn trong khoảng thời gian 18 tháng.


Tính phức tạp của của các chiến dịch quân sự trong thời hiện đại gần như khiến cho mọi toan tính đều đổ bể và thường là mang những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Mười tám tháng lập kế hoạch tỉ mỉ của phe Đồng Minh rốt cuộc lại dẫn đến một cuộc tấn công trực diện của một sư đoàn bộ binh Mỹ chống lại một sư đoàn bộ binh Đức ẩn nấp sâu bên trong các vách đá bên bờ biển Omaha (tây bắc nước Pháp), gây ra tổn thất nặng nề cho quân Mỹ.
Đó cũng là những gì đã diễn ra trên đảo Crete, nơi một số bộ óc quân sự kiệt xuất cùng nhau vạch ra một kế hoạch khiến nhiều người, rất nhiều người, phải nhảy vào chỗ chết.


Huy Lê

Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ 2
Chiến dịch nhảy dù cuối cùng của Hitler - Kỳ 2

Tướng Student đã nhận thấy một cơ hội lý tưởng để hành động. Một cơ hội sẽ giúp khẳng định vị trí và vai trò của lực lượng lính dù một lần và mãi mãi. Mục tiêu là đảo Crete.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN