Cái chết của Rasputin và những điều kỳ lạ

Đầu thế kỷ 20, nước Nga phong kiến xuất hiện một nhà cố vấn tôn giáo phụng sự cho triều đình, với khả năng chữa bệnh và cái nhìn hớp hồn phụ nữ. Được Hoàng hậu Alexandra của Sa hoàng Nicholas II sủng ái, ông ta từ một nông dân đã trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong hoàng gia Nga. Ông đã trở thành biểu tượng của sự chia rẽ và thối nát trong tầng lớp thống trị. Đó chính là Rasputin.


 

Rasputin giữa những người phụ nữ. Ông được biết đến là một kẻ nghiện tình dục.

 

Gregory Efimovitch Rasputin sinh năm 1869 ở Siberia. Ông ta theo một giáo phái được gọi là Khlysts, vốn kết hợp tôn giáo và tình dục. Giáo phái này thực hành cái gọi là hoạt động tình dục tập thể, trong đó có cả hành động đánh đập, điều mà họ tin là sẽ giúp cứu rỗi tâm hồn.


Đi khắp nước Nga và gây dựng tên tuổi của mình là một nhà chữa bệnh và thuyết giáo, Rasputin đã dừng chân ở St. Petersburg năm 1905. Tại đó, ông đã được giới thiệu với Sa hoàng và Hoàng hậu Alexandra và chỉ 1 năm sau đã được đưa vào nhóm triều thần quan trọng. Thành công của Rasputin có thể nói phụ thuộc rất nhiều vào bệnh tình của con trai Sa hoàng, Alexis. Người thừa kế ngai vàng nước Nga bị mắc chứng bệnh máu khó đông. Y học thời bấy giờ đã bó tay trong khi hoàng tộc vô cùng lo lắng trước tương lai của đất nước. Nghe tiếng Rasputin, Sa hoàng đã cho mời ông ta tới để chữa bệnh cho con trai, và thật lạ lùng, một sức mạnh bí ẩn nào đó của Rasputin đã giúp cho Alexis hết đau đớn. Rasputin vì thế nhanh chóng giành được lòng tin của những người đứng đầu hoàng gia.


Nhưng những người khác trong chính quyền ghét bỏ ông. Họ không tin vào năng lực thôi miên của Rasputin. Họ thậm chí thu thập nhiều tin tức về các cuộc truy hoan bệnh hoạn của ông. Thủ tướng Peter Stolypin còn lên kế hoạch hất cẳng Rasputin ra khỏi triều đình, nhưng chưa kịp thực hiện thì đã bị bắn chết khi đi xem opera. Có người cho rằng chính Sa hoàng Nicholas là đạo diễn của vụ giết người đó, dù tới giờ vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho giả thiết này.


Năm 1914, Sa hoàng Nicholas thân chinh dẫn đầu quân Nga tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất, giao lại nhiệm vụ trong nước cho hoàng hậu. Chính từ đó, Rasputin có cơ hội điều hành chính sự vì ông ta đã có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của Alexandra từ lâu. Cùng lúc này, việc người dân quá bất mãn với nhà Romanov về cách điều hành đất nước cũng như với chiến tranh đã khiến những âm mưu tiêu diệt “kẻ giật dây” Rasputin xuất hiện ngày càng rõ nét. Rasputin đã trở thành mối đe dọa cho quốc gia. Năm 1916, khi tình hình trên chiến trường xấu đi, một nhóm quý tộc đã tụ hội với nhau để lên kế hoạch hạ sát nhân vật thần bí này. Họ mang theo trọng trách cứu vãn chế độ phong kiến Nga trước nguy cơ sụp đổ.


Ngày định mệnh cuối cùng cũng đến. 29/12/1926, Hoàng tử Felix Yusupov mời Rasputin đến nhà, nhưng không phải với ý đồ tốt lành. Vợ của Yusupov là cháu gái của Sa hoàng, vốn có nhan sắc không tồi. Là một kẻ háo sắc, dĩ nhiên Rasputin không bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận người phụ nữ hấp dẫn ấy. Nhưng trước bữa ăn, Yusupov đã trộn chất độc xyanua vào bánh và rượu với một lượng đủ để giết chết một vài người. Thật bất ngờ, Rasputin điềm nhiên ăn uống mà không cho thấy dấu hiệu trúng độc.


 

Sa hoàng Nicholas II và gia đình.

 

Yusupov bắt đầu hoảng loạn. Quyết tâm tiêu diệt Rasputin cho bằng được, Yusupov rút ra một cây súng và bắn vào lưng nhà thuyết giáo. Rasputin ngã vật xuống sàn, còn Yusupov và những người bạn ăn mừng chiến thắng trên tầng. Một lúc sau, Hoàng tử khám xét thi thể của Rasputin, thậm chí lay người ông ta nhưng không thấy ông ta động đậy. Không ngờ, Rasputin đột nhiên mở đôi mắt mà Yusupov mô tả lại là “đôi mắt xanh của loài rắn độc” và vùng lên trốn chạy. Những người chủ mưu đuổi theo Rasputin ra khu vườn và bắn thêm hai phát đạn nữa rồi đánh đập Rasputin bằng cây gậy cao su. Để đảm bảo Rasputin không còn sống dậy nữa, họ cuốn ông ta vào một chiếc chăn, sau đó thả xác xuống sông Neva.


Xác của Rasputin sau đó được tìm thấy với cánh tay phải duỗi thẳng, được cho là để làm dấu hiệu cây thánh giá, tức là ông ta vẫn còn sống khi rơi xuống nước và còn tìm cách thoát ra ngoài. Báo cáo khám nghiệm tử thi viết rằng, nguyên nhân cái chết của Rasputin là mất nhiệt do nước lạnh, nhưng cũng tiết lộ rằng ông đã bị bắn vào đầu, khiến nhiều người nghĩ rằng Rasputin đã chết từ trước khi bị đẩy xuống sông. Đáng chú ý, không có bằng chứng cho thấy có chất độc trong cơ thể Rasputin. Vì Yusupov và đồng đảng của ông đều là những người có địa vị, vụ điều tra nhanh chóng bị khép lại và tranh cãi xung quanh cái chết của Rasputin vẫn diễn ra. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có chuyện những người chủ mưu đã “thiến” Rasputin.


Vài tháng sau, triều đình nhà Romanov sụp đổ trước cuộc Cách mạng tháng Mười, năm 1917. Một bức thư cũ được cho là của Rasputin do thư ký của ông ta phục hồi lại đã tiên đoán trước được cái chết của ông và cả của triều đình. Lá thư viết: “Nếu một trong những họ hàng của các người gây ra cái chết cho ta, thì không ai trong gia đình các người, không họ hàng nào của các người sẽ còn sống được trong hơn hai năm nữa”. Ngày 16/7/1917, Sa hoàng, Hoàng hậu và 5 người con đã bị quân cách mạng giết chết.

 

Trần Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN