Có một điều mà nhà báo điều tra Tom Bower chỉ rõ đó là trong khi rất thành công với tư cách môi giới, trung gian thì ông Blair lại thất bại trong vai trò chính là đặc phái viên hòa bình Trung Đông.
Khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên Trung Đông mới cho Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga với nhiệm vụ làm trung gian cho cuộc xung đột Palestine - Israel, một chương mới đã mở ra trong cuộc đời ông Blair. Ở Jerusalem, ông sẽ có mọi thứ mà ông thích: ánh nắng mặt trời, lối sống Địa Trung Hải và một vị thế mới. Ông được cấp một ngôi nhà, 12 nhân viên, một đội xe thiết giáp, được đi máy bay riêng, chi tiêu không bị giám sát. Ông chọn văn phòng của mình là toàn bộ tầng trên cùng của khách sạn 5 sao American Colony. Tầm quan trọng của đặc phái viên Blair còn được thể hiện ở chỗ lúc nào cũng được 20 nhân viên an ninh Israel bảo vệ.
Ông Blair duyệt đột danh dự khi tới hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas với tư cách Thủ tướng Anh ngày 10/9/2006 ở Ramallah. |
Khi được ông Richard Makepeace, cố vấn người Anh ở Jerusalem, báo cáo tình hình về khu vực, tân đặc phái viên tỏ ra rất tự tin. Ông Blair nói: “Tôi đã giải quyết được vấn đề Ireland và đây chỉ là một vấn đề nữa thôi mà”. Ông đã gạt qua mọi lời cảnh báo về mức độ phức tạp của khu vực. Ông nói tiếp: “Không ai bì được với tôi về khả năng tiếp cận các nhà lãnh đạo thuộc mọi đảng phái và mối quan hệ của tôi sẽ mang lại thành công”.
Được cảnh báo rằng việc Israel chiếm đóng Bờ Tây là điều gần như không thể giải quyết. Ông Blair đáp: “Không đến mức xấu thế đâu”. Quá tự tin vào bản thân, ông Blair đã bỏ qua giới hạn mà vai trò của ông đặt ra. Người ta nói nhiệm vụ của đặc phái viên không phải là tham gia vào tiến trình hòa bình mà chỉ là để cải thiện điều kiện kinh tế cho người Palestine. Trong năm rưỡi đầu tiên, ông Blair mỗi tháng ở Jerusalem bốn ngày. Sốc trước thực tế cuộc sống ở Bờ Tây, ông Blair cuối cùng cũng nhận ra rằng tiến bộ kinh tế là điều bất khả thi nếu không có dàn xếp chính trị. Tuy nhiên, cả Israel và Mỹ đều không cần ông Blair làm trung gian trong tiến trình hòa bình chính trị. Kết cục, ông Blair bị gạt ra ngoài các cuộc thảo luận và thẩm quyền nhanh chóng bị cuốn trôi.
Ông Blair phát biểu trong lễ tang ông Ariel Sharon. |
Trong quá trình làm đặc phái viên, ông Blair luôn từ chối đi thị sát Gaza với lý do bị một tay thánh chiến dọa giết. Điều này khiến người Palestine không hài lòng. Khi ông không chỉ trích việc quân đội Israel chiếm Gaza hồi tháng 12/2008, người Palestine kết luận rằng ông Blair có định kiến chống lại mình. Sau đó, người ta hiếm khi nhìn thấy ông ở Jerusalem.
Năm 2011, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị ông Blair từ chức. Ủy ban châu Âu rút lại khoản đóng góp thường niên trị giá 1,5 triệu bảng dành cho hoạt động đặc phái viên hòa bình với lý do số tiền này cần cho người tị nạn hơn. Ngoại trưởng Mỹ bấy giờ là bà Hillary Clinton cam kết Mỹ sẽ trả mọi chi phí của ông Blair. Nhưng bà cũng sớm bị ông John Kerry thay thế.
Danh tiếng của ông Blair còn tụt dốc sâu hơn khi ông đọc bài điếu văn hồi tháng 1/2014 tại lễ tang cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon. Ông Blair quên rằng 20.000 người Arab đã chết sau khi Israel dưới thời ông Sharon xâm lược Liban cách đây mới 10 năm. Người Palestine còn tức giận khi thấy ông Blair đội mũ kiểu Do Thái tại lễ tang và ngồi cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Không một cử chỉ nào của ông Blair lọt khỏi mắt người Palestine vốn tức giận vì ông Blair thiên vị Israel. Bị người Palestine cô lập, bị giới chức EU đánh giá thấp và xa rời Mỹ, ông Blair biết mình không còn mấy thời gian. Để cứu vãn công việc của mình, ông đã bay tới Cairo để thuyết phục nhà lãnh đạo Abdel Fattah el - Sisi làm trung gian một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Không may, kế hoạch này ngáng chân nỗ lực của ông Kerry và khiến ông không thể ngồi yên. Dù vậy, ông Kerry không muốn tự tay hạ bệ ông Blair mà để việc đó cho bà Federica Mogherini, quan chức EU phụ trách chính sách đối ngoại. Tháng 11/2014, bà nói với ông Blair rằng ông phải từ chức. Ông Blair thuyết phục bà cho mình hoãn thông báo từ chức đến tháng 5/2015.