Các phi vụ làm ăn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - Kỳ 1

Nhà báo điều tra hàng đầu Tom Bower trong một cuốn sách đã kể lại những phi vụ làm ăn kiếm bộn tiền mà cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã thực hiện khi còn là người đứng đầu Chính phủ Anh và làm đặc phái viên hòa bình Trung Đông.

RANH GIỚI TỪ THIỆN VÀ LÀM ĂN

Tương lai dường như sán lạn. Tháng 6/2007, ông Tony Blair để lại cái ghế thủ tướng cho ông Gordon Brown sau khi ngồi ở vị trí này từ năm 1997 và bắt đầu chu du khắp Trung Đông trên các chuyên cơ riêng với tư cách là đặc phái viên hòa bình Trung Đông chính thức. Thế nhưng, ông không hài lòng với vai trò “có tiếng mà không có miếng” này. Ông không bao giờ chỉ định sống với khoản lương 63.468 bảng Anh/năm. Chính ông cũng từng hứa với vợ, bà Cherie, rằng ông sẽ giàu có sau khi rời Phố Downing.

Tổng thống Nigeria Buhari (trái) và ông Blair (giữa) nói chuyện với báo chí ở Abuja, Nigeria ngày 13/5/2015.

Jonathan Powell, cựu chánh văn phòng của ông Blair, đã xuất hiện đúng lúc. Sau khi sắp xếp một cuộc gặp với Martin Armstrong, một nhân vật “săn đầu người” hàng đầu, Powell nói thẳng thừng với người này: “Ông Tony cần một công việc”. Sau đó, ông Armstrong đã quyết định thử tìm việc cho ông Blair trong Ngân hàng Đầu tư Mỹ J. P. Morgan. Quá trình tiếp cận của ông Armstrong đã có kết quả. Ngày 11/7/2007, Tổng Giám đốc J.P. Morgan , ông Jamie Dimon, đã gặp ông Blair và đề nghị ông làm một vị trí trong ban quản trị ngân hàng: “Ngài sẽ tiếp quản công việc của George Shultz”, tức là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ốm yếu với mức lương 72.000 USD/năm.

Tuy nhiên, vị trí này không khiến ông Blair ấn tượng. Ông nói thẳng với ông Dimon rằng ông muốn “một công việc thích hợp” và hi vọng kiếm ít nhất 3 triệu bảng/năm - một hợp đồng 5 năm làm cố vấn và ăn phần trăm mọi hợp đồng mà ông giành được. Trong vòng vài tuần, ông Dimon đã trao cho ông Blair gần như mọi thứ mà ông Blair muốn.

Từ đó, cơ hội kiếm tiền của ông Blair dường như vô tận. Lúc thì ông bận hợp đồng mới với hãng bảo hiểm Zurich Insurance để tư vấn về biến đổi khí hậu với mức lương 180.000 bảng/năm. Lúc lại chú tâm làm cố vấn cho ông Bernard Arnault, Giám đốc một tập đoàn hàng hóa xa xỉ của Pháp.

Không chỉ mở được nhiều cánh cửa với tư cách là đặc phái viên hòa bình Trung Đông, hai quỹ từ thiện mà ông Blair lập ra sau khi rời nhiệm sở cũng được sử dụng làm những quân át chủ bài. Ông có Tổ chức Niềm Tin (Faith Foundation) nhằm khuyến khích sự khoan dung giữa các tôn giáo, có Sáng kiến Quản trị châu Phi (AGI) để cố vấn cho các lãnh đạo cách điều hành đất nước.

Cách tiếp cận của ông Blair với các quỹ từ thiện gần như lúc nào cũng giống hệt nhau: Ông sử dụng hàng triệu bảng được các quỹ từ thiện hoặc cơ quan cứu trợ chính phủ nước ngoài quyên tặng cho AGI để thành lập “đơn vị thực hiện” dựa theo nguyên mẫu mà nhà giáo dục Michael Barber điều hành. Đơn vị này được ông Blair thành lập khi vẫn còn làm thủ tướng. Ông quảng bá AGI nhiều đến mức khi ông Barber cho ra đời cuốn sách “How to run a government”, nó đã trở thành cuốn sách phải đọc ở thế giới đang phát triển. Thế nhưng, ông Blair lại không bao giờ tiết lộ với lãnh đạo các nước này rằng “đơn vị thực hiện” ở Anh lại bị đóng cửa chỉ sau 4 năm hoạt động.

Cũng nhiệt tình như khi quảng bá các quỹ từ thiện, ông Blair cố gắng làm giàu một cách tích cực không kém. Ông luôn nói rằng có một ranh giới nghiêm túc giữa quỹ từ thiện và việc cá nhân. Nhưng trong thực tế, ranh giới này đã bị xóa nhòa.

Tháng 5/2015, ông Blair bay tới Nigeria để gặp tân Tổng thống Muhammadu Buhari. Sau một đêm nghỉ tại khách sạn Hilton, ông Blair gọi điện cho Cao ủy Anh. Việc ghé thăm đại sứ quán Anh ở khắp nơi khi đó đã trở thành một thói quen của ông Blair. Khi tới bất kỳ nước nào, ông Blair thường yêu cầu đại sứ quán cung cấp cho ông thông tin an ninh tổng thể về nước đó.

Tại Đại sứ quán ở Nigeria, ông Blair muốn tìm hiểu thêm thông tin về mối đe dọa của nhóm khủng bố Boko Haram hoành hành ở miền bắc Nigeria. Sau đó, với những thông tin mật này làm hành trang, ông Blair lên đoàn xe tới văn phòng Tổng thống Nigeria. Trong cuộc gặp đầu tiên với ông Buhari, ông Blair đã giới thiệu mình là “thủ tướng thành công nhất nước Anh” và bắt đầu tìm cách mời chào vị Tổng thống. Ông Blair nói: “Tôi khai phá các kỹ năng để làm cho một chính phủ hoạt động hiệu quả. Đơn vị Thực hiện là vũ khí của một nhà lãnh đạo để làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả”. Ông ta đề nghị thành lập một đơn vị thực hiện trong Chính phủ của ông Buhari, trong đó có nhân viên được hưởng lương. Tuy nhiên, ông Buhari và mọi người dường như không hào hứng.

Đột nhiên, ông Blair thông báo: “Các ngài có thể để chúng tôi nói chuyện riêng bây giờ được không? Tôi có một lời nhắn riêng cho Tổng thống từ Thủ tướng David Cameron”. 20 phút sau. Ông Buhari xuất hiện, vẻ mặt thể hiện rõ sự tức giận. Ông Buhari kể với một phụ tá rằng ông Blair đã mời chào Nigeria mua vũ khí thay mặt cho công ty riêng của ông ta là Tony Blair Associates. Ông ta đã chào hàng những thứ như máy bay không người lái của Israel và các thiết bị quân sự khác để đánh bại nhóm Boko Haram. Ông Buhari kết luận: “Ông Blair chỉ nghĩ tới chuyện làm ăn”.

Khi lái xe ra sân bay, người tổ chức quỹ AGI của ông Blair tại Nigeria hỏi liệu ông có đang kết hợp từ thiện và làm ăn. Ông Blair đáp: “Chúng ta không làm ăn ở châu Phi. Đừng lo. Chỉ có AGI và công việc từ thiện. Chúng ta chỉ làm ăn ở Trung Đông và châu Á”.

Hai tuần sau, người tổ chức quỹ AGI nói trên gọi điện cho văn phòng của Tổng thống Buhari để hỏi xem liệu Tổng thống có muốn thành lập đơn vị thực hiện không. Ông này bị từ chối thẳng thừng. Người ở văn phòng của ông Buhari đáp: “Tổng thống không hài lòng với việc ông Blair muốn làm ăn với Israel”. Khi bị nói thẳng vào mặt như vậy, mọi người có thể sẽ ngừng chào mời nhưng không phải ông Blair.

Sáu tuần sau, tại London, ông Blair đã gặp Bukola Saraki, Chủ tịch Thượng viện Nigeria và là người quyền lực thứ ba ở Nigeria. Lần này, ông Blair thảo luận các cơ hội giới thiệu nhà đầu tư từ Trung Đông với Nigeria. Ông Blair đã thành công hơn khi ông Saraki tỏ ra thích ý tưởng đó.

Xem kỳ 2: Những phi vụ béo bở
Thùy Dương
Các phi vụ làm ăn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - Kỳ 3
Các phi vụ làm ăn của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - Kỳ 3

Khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên Trung Đông mới cho Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga với nhiệm vụ làm trung gian cho cuộc xung đột Palestine - Israel, một chương mới đã mở ra trong cuộc đời ông Blair. Ở Jerusalem, ông sẽ có mọi thứ mà ông thích: ánh nắng mặt trời, lối sống Địa Trung Hải và một vị thế mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN