Bước đột phá trong công cuộc chống tham nhũng ở Hồng Công (phần cuối)

3. Lỗ hổng của pháp luật và bước đột phá của vụ án Godber


Tiến triển của vụ án càng củng cố thêm quyết tâm của các nhân viên điều tra bắt “đại quan tham” Godber chịu tội. Họ quyết định vào ngày 11/10 (thời hạn chót đối với việc giải thích nguồn gốc tài sản của Godber), nếu Godber không thể đưa ra câu trả lời thấu đáo, chứng minh sự trong sạch, sẽ lập tức bắt giữ nhân vật này. Nhằm tránh khả năng Godber lo sợ tìm cách đào tẩu ra nước ngoài, Cục Cảnh sát Hồng Công đã yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh thông báo với các nhân viên dưới quyền ở sân bay Kai Tak (sân bay quốc tế của Hồng Công lúc bấy giờ) cấm Godber xuất cảnh.



Người Hồng Công giương cao biểu ngữ “Chống tham ô, bắt Godber”. Ảnh: Internet


Tuy nhiên, rắc rối lại xuất hiện từ chính Điều 10 của “Điều lệ Phòng chống Hối lộ”. Một tuần để giải thích về nguồn gốc tài sản là quá đủ để một quan chức cảnh sát kỳ cựu như Godber lên kế hoạch đào thoát. Không có đủ chứng cứ chứng minh Godber phạm tội, cảnh sát không thể bắt Godber và cũng không thể áp dụng bất cứ hành động pháp luật nào đối với Godber.


Trong khi đó, Godber lại có giấy phép đi lại trong các khu vực cấm của sân bay. Nhờ vào “tấm thẻ bài hộ mệnh này”, Godber đã tránh được sự kiểm tra của cơ quan xuất nhập cảnh, lên máy bay đào thoát thành công sang Anh vào ngày 8/10/1973. Phát hiện ra lỗ hổng pháp luật trên, sau khi Godber bị đưa ra xét xử và định tội, Hồng Công đã tiến hành sửa đổi “Điều lệ Phòng chống Hối lộ”, xóa bỏ quy định về thời gian giải thích trong Điều 10.


“Đại quan tham” Godber dễ dàng lọt lưới pháp luật, ung dung trở về quê nhà, đã thổi bùng ngọn lửa oán hận chất chứa bấy lâu của người dân Hồng Công. Hàng nghìn người đã tụ tập ở Công viên Victoria trên đảo Hồng Công hô vang khẩu hiệu “Chống tham ô, bắt Godber”. Để làm lắng dịu sự tức giận của người dân, Thống đốc Hồng Công khi đó, Huân tước Crawford Murray Maclehose (sau này bị tước bỏ tước hiệu Huân tước), đã ủy nhiệm cho Phó Chánh án Cấp cao, Huân tước Alastair Blair-Kerr, thành lập ủy ban điều tra, triệt để điều tra nguyên nhân giúp Godber đào thoát và kiểm thảo công tác phòng chống tham nhũng.


Tháng 10/1974, chính quyền Hồng Công đã tiếp thu kiến nghị của ủy ban này về việc thành lập một ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập với Cục Cảnh sát và các cơ quan ban ngành khách của chính quyền. Đó chính là ICAC.


Việc Godber đào thoát sang Anh đã khiến những nỗ lực của Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng trở thành “dã tràng xe cát Biển Đông”. Tuy nhiên, ICAC, đơn vị tiếp nhận vụ án tham nhũng từ phía cảnh sát, kiên quyết không chịu bó tay. ICAC đã cử nhiều quan chức đầu ngành, trong đó có Trưởng Ban Chấp hành John Prendergast và Phó Ban Chấp hành Gerald Harknett cùng hai vị Trợ lý Trưởng Ban và một số nhân viên điều tra cao cấp, thành lập tổ điều tra hạt nhân, tích cực tìm kiếm manh mối phá án, bắt đầu từ hồ sơ dữ liệu mà Cục Cảnh sát bàn giao. Điều đáng tiếc là tuy vật chứng đã nằm trong tay, nhưng lại thiếu nhân chứng.


Nhờ nỗ lực không ngừng, cuối cùng, ICAC đã có được đột phá mới trong vụ án Godber. Một cựu cảnh sát đang bị giam giữ trong nhà tù vì dính líu tới một vụ án tham nhũng khác đã đồng ý cung cấp chứng cứ tham nhũng của Godber. Ông ta tiết lộ trước đây từng tận mắt nhìn thấy Godber nhận 25.000 HKD tiền hối lộ của một đồng nghiệp người Trung Quốc. Sau khi lấy thêm lời khai và thu thập chứng cứ, ICAC liền tiến hành bắt viên cảnh sát người Trung Quốc đã đưa hối lộ cho Godber. Viên cảnh sát này cũng đồng ý đứng ra làm chứng để vạch trần tội tham nhũng của Godber. Lời khai của hai viên cựu cảnh sát này trên thực tế tương đồng với hai cuốn sổ ghi chép các khoản tiền nhận hối lộ thu giữ ở nhà của Godber. Viễn cảnh phá án đã trở nên sáng rõ hơn.


4. Kết cục của “đại quan tham”


Có đủ vật chứng và nhân chứng, ICAC đã đề nghị và nhận được sự hiệp trợ của cảnh sát Anh. Ngày 29/4/1974, cảnh sát Anh đã bắt giữ Godber. ICAC lập tức triển khai hành động dẫn độ Godber về Hồng Công xét xử. Tuy nhiên, trong các cuộc điều trần về việc dẫn độ, Godber luôn miệng phủ nhận các cáo buộc liên quan khiến cho kế hoạch dẫn độ Godber của ICAC gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua gần 8 tháng đấu tranh, cuối cùng, Tòa án Luân Đôn (Anh) mới ra phán quyết cho phép dẫn giải Godber về Hồng Công xét xử.



Một trong hai chiếc xe được sử dụng để nghi binh khi dẫn độ Godber về Hồng Công.Ảnh: Internet


Ngày 7/1/1975, Godber được đưa về Hồng Công bằng máy bay dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của ICAC. Đó là một ngày chấn động ở Hồng Công. Biết tin Godber bị dẫn độ về Hồng Công, phóng viên địa phương và phóng viên quốc tế cũng như những người quan tâm tới vụ án tham nhũng của Godber lũ lượt đổ về sân bay Kai Tak. Dự tính trước tình hình, ICAC đã lên kế hoạch nghi binh, bố trí hai chiếc xe áp giải nghi phạm ở sân bay để đánh lạc hướng, nhưng lại áp giải Godber lên một chiếc trực thăng đỗ gần máy bay dẫn độ Godber đưa về khu vực Admiralty, tiếp đó là đưa về tòa án trung tâm.


Tuy nhiên, vẫn có phóng viên phát hiện sử dụng xe ô tô theo bám đuổi. Dẫu vậy, với sự hỗ trợ của cảnh sát, được 6 nhân viên trang bị súng tiếp cận vòng trong và gần 20 nhân viên điều tra hộ tống ở vòng ngoài, cuối cùng, Godber cũng “đi đến nơi về đến chốn”.


Ngày 17/2/1975, nghĩa là đúng 1 năm 2 ngày sau khi ICAC thành lập, Tòa án Victoria mở phiên tòa xét xử Godber. Nhằm biểu thị sự coi trọng và quyết tâm tấn công tham nhũng, chính quyền Hồng Công lần đầu tiên mời một chuyên gia luật pháp xuất sắc của Anh tới Hồng Công giữ quyền công tố.


Cáo trạng cáo buộc Godber phạm tội âm mưu hối lộ và nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất lần lượt là 5 năm và 7 năm tù giam. Khi ra phán quyết, tòa án tuyên phạt Godber 4 năm tù giam và xung công 25.000 HKD tiền nhận hối lộ. Nếu cộng thêm gần 1 năm bị giam giữ ở Anh, án tù mà Godber phải nhận gần sát với mức cao nhất.


Phiên tòa kết thúc, Godber gửi đơn kháng án lên Tòa án Tối cao Hồng Công và Viện Khu mật Anh (tòa án trung thẩm ở Hồng Công thời kỳ nằm dưới sự thống trị của Anh), nhưng đều bị bác bỏ. Từng có thời gian làm mưa làm gió trong lực lượng cảnh sát Hồng Công, rốt cuộc, Godber đã phải trả giá cho hành vi tham nhũng của mình bằng những ngày bóc lịch trong nhà tù. Năm 1977, sau khi được trả tự do, Godber sang Tây Ban Nha ẩn cư và mất dạng kể từ đó, nhưng tiếng nhơ để lại thì mãi tồn tại cùng với lịch sử của ICAC.


5. “Điểm tựa Ácsimét” của công cuộc phòng chống tham nhũng


Vụ án Godber đã thúc đẩy ICAC ra đời và tạo bước ngoặt cho công cuộc phòng chống tham nhũng ở Hồng Công bởi ICAC đã thay đổi cục diện mặc nhiên thừa nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân. Ban đầu, khi ICAC mới được thành lập, người dân Hồng Công không đặt quá nhiều kỳ vọng vào cơ quan non trẻ này, chủ yếu là do trước đây chính quyền đã thất bại trong hoạt động phòng chống tham nhũng.


Tuy nhiên, do đặt dưới sự phụ trách trực tiếp của Thống đốc (sau khi Hồng Công trở về với Trung Quốc là Trưởng Đặc khu) và độc lập với hệ thống công vụ viên, cho nên, ICAC đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín và niềm tin từ người dân.


Cơ cấu của ICAC được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính là chấp pháp, giáo dục và dự phòng. Trong đó, theo người đứng đầu ICAC hiện nay là ông Simon Peh Yun Lu, cốt lõi của công tác chống tham nhũng không phải là “phạt cao xử nặng” bởi chỉ cần lợi nhuận cao thì dù có bị tử hình người ta cũng làm. Nhưng nếu biết rõ “cứ tham nhũng là bị bắt” và phải trả lại toàn bộ những gì đã tham nhũng, sẽ không ai dám tham nhũng. Cho nên, vấn đề chủ chốt là cơ quan phòng chống tham nhũng phải có thái độ “không thể nhẫn nhịn” đối với tham nhũng.


Để thực thi sứ mệnh của mình, ICAC có quyền lực lớn, từ bắt giữ cho tới yêu cầu nghi phạm cung cấp tài liệu chi tiết về tài sản, thu nhập và chi tiêu của mình hoặc thực hiện bảo mật đối với tài liệu điều tra. Việc này không chỉ là chưa từng có ở Hồng Công, mà còn thuộc dạng hiếm thấy trong thế giới tư bản. Tuy nhiên, ICAC không có quyền khởi tố. Quyền khởi tố ở Hồng Công vẫn thuộc về Cục Tư pháp. Bố trí này là nhằm cân bằng và tạo ra sự chế ước đối với ICAC. Bởi nếu có cả quyền khởi tố, ICAC sẽ trở thành phiên bản của “Gestapo”, làm luôn một mạch từ điều tra, bắt giữ tới khởi tố, rõ ràng không phải là điều tốt lành cho xã hội pháp trị.


ICAC ra đời là điều mà các quan chức tham nhũng ở Hồng Công không mong muốn. Việc phòng chống tham nhũng của ICAC vì thế gặp rất nhiều trở ngại, nhưng cùng với quyết tâm và sự hỗ trợ của pháp luật, đặc biệt là các bộ luật như “Điều lệ ICAC”, “Điều lệ Phòng chống Hối lộ” và “Điều lệ Tệ nạn và Các hành vi phi pháp trong bầu cử”, ICAC đã vượt qua.


Tới nay, hầu như người dân Hồng Công nào cũng biết rõ “Hồng Công giành chiến thắng trước tham nhũng là nhờ có ICAC”. Trên trường quốc tế, sự thành công của ICAC đã trở thành mô hình phòng chống tham nhũng được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ học tập.



Nam Khánh (tổng hợp)

Bước đột phá trong công cuộc chống tham nhũng ở Hồng Công (phần 1)
Bước đột phá trong công cuộc chống tham nhũng ở Hồng Công (phần 1)

...ít ai biết rằng từ năm 1974 trở về trước, tệ nạn tham nhũng lan tràn ở Hồng Công đến nỗi người dân nơi đây đã phải chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Tình trạng trên chỉ thực sự được cải thiện sau khi Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Độc lập (ICAC) ra đời vào năm 1974.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN