Bốn cuộc điều tra mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt

Cựu Tổng thống Donald Trump đã dự đoán ông sẽ bị bắt trong tuần này, với các cáo buộc liên quan đến khoản tiền "bịt miệng" nhằm che đậy một vụ ngoại tình. Nhưng đó chỉ là một trong loạt các cuộc điều tra mà ông đang đối mặt.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Trump giơ tay khi bước ra xe bên ngoài Tháp Trump ở New York City ngày 10/8/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo tờ New York Times, hiện có bốn cuộc điều tra nhằm vào ông Trump hoặc công ty của ông, Trump Organization. Tờ báo đã xem xét chúng về vị trí và quy mô truy tố, từ quốc gia đến địa phương.

Trên quy mô quốc gia, Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra hai vụ việc lớn, gồm vụ các tài liệu mật được tìm thấy tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida và những cáo buộc về nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.

Ở bang New York, Tổng chưởng lý New York đang thụ lý một vụ kiện dân sự cáo buộc Trump Organization đã nói dối những người cho vay và công ty bảo hiểm về tài sản của công ty này.

Tại bang Georgia, một công tố viên ở hạt Fulton đang xem xét các cáo buộc xung quanh nỗ lực của cựu tổng thống và các đồng minh nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 ở bang này.

Ở thành phố New York, chưởng lý quận Manhattan đã làm việc với bồi thẩm đoàn về cáo buộc ông Trump che giấu các khoản thanh toán để “bịt miệng” Stephanie Clifford (hay Stormy Daniels) liên quan đến nghi án ông Trump ngoại tình với ngôi sao phim người lớn này. 

Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần mạnh mẽ phủ nhận hành vi sai trái trong tất cả các cáo buộc nói trên. Ông chỉ trích các công tố viên có thành kiến chính trị công khai chống lại mình.

Vụ án “tiền bịt miệng” ở Manhattan

Vụ án này xoay quanh khoản tiền được cho là “bịt miệng” nhằm che giấu hành vi ngoại tình của ông Trump và các vi phạm tài chính – kế toán trong chiến dịch tranh cử. Số tiền này bao gồm khoản thanh toán 130.000 USD cho bà Clifford. Bồi thẩm đoàn đang xem xét kỹ lưỡng cáo buộc số tiền đã được trả để khiến người phụ nữ này im lặng về mối quan hệ ngoại tình với ông Trump, theo lời cô là xảy ra vào năm 2006 - 2007.

Chú thích ảnh
Ngôi sao phim khiêu dâm Stephanie Clifford (phải) tuyên bố từng ngoại tình với ông Trump vào năm 2006, sau đó được trả 130.000 USD để giữ im lặng về mối quan hệ này. Ảnh: New York Post

Các cáo buộc có thể bao gồm: Thứ nhất là gian lận kế toán, bao gồm làm sai lệch hồ sơ, vi phạm Luật Hình sự New York. Các khoản thanh toán cho Clifford có thể đã được viết sai thành một thứ khác trong sổ sách của Trump Organization “với mục đích lừa đảo”, và ông Trump biết điều này. Hành vi phạm tội đó thường là tội nhẹ. Tuy nhiên, nó có thể được nâng lên thành trọng tội nếu gian lận che đậy hoạt động tội phạm nghiêm trọng khác.

Thứ hai là cáo buộc về hoạt động tài chính trong chiến dịch tranh cử. Cũng có thể có cáo buộc rằng khoản thanh toán là một hoạt động tranh cử ngầm, bởi vì nó nhằm mục đích giúp ông Trump với tư cách là ứng cử viên tổng thống khi đó.

Cáo buộc gian lận kế toán có thời hiệu 2 năm đối với tội nhẹ và 5 năm đối với tội nghiêm trọng. Nhưng luật bang New York cho phép kéo dài thời gian đó nếu bị cáo đã sống ở ngoài tiểu bang một thời gian đáng kể. Với tư cách là tổng thống, ông Trump đã sống và làm việc tại Nhà Trắng, Washington, D.C. và dinh thự của ông ở Florida.

Bồi thẩm đoàn trong vụ án dự kiến họp trong ngày 23/3 theo giờ địa phương.

Chú thích ảnh
 Evan Corcoran, luật sư của cựu Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Vụ bầu cử tại Georgia

Vụ điều tra này liên quan đến cuộc gọi vào tháng 1/2021 từ ông Trump đến quan chức phụ trách đối ngoại bang Georgia, Brad Raffensperger, trong đó ông Trump liên tục nói rằng ông cần thêm 11.000 phiếu bầu.

Vụ việc xảy ra tại hạt Fulton, hạt bao gồm thành phố Atlanta, thủ phủ của bang. Đây cũng là hạt đông dân nhất ở Georgia. Một thành viên của bồi thẩm đoàn được triệu tập cho vụ án này cho biết nhóm đã đề xuất nhiều cáo trạng, có thể bao gồm: Vi phạm bầu cử, bao gồm xúi giục người khác thực hiện hành vi gian lận bầu cử, cũng như âm mưu thực hiện hành vi gian lận bầu cử và can thiệp vào cuộc bầu cử; Đe dọa công chức.

Theo một thành viên bồi thẩm đoàn cho biết hồi tháng 1, các quyết định "sắp được đưa ra". Đầu tuần này, các luật sư của ông Trump đã đệ đơn yêu cầu giữ bí mật báo cáo cuối cùng của bồi thẩm đoàn và loại bỏ văn phòng luật sư quận khỏi vụ án.

Vụ gian lận kinh doanh tại bang New York

Các nhà điều tra xem xét liệu ông Trump và những người khác có liên quan đến Trump Organization có phạm tội lừa đảo bằng cách thổi phồng giá trị của một số tài sản, bao gồm cả bất động sản, để nhận các khoản vay và các lợi ích kinh doanh khác hay không.

Đây không phải là một vụ án hình sự. Thay vào đó, đây là một vụ kiện dân sự do tổng chưởng lý tiểu bang đệ trình, có thể mang tới rủi ro nghiêm trọng đối với ông Trump và một số thành viên trong gia đình ông.

Trước hết là lệnh cấm bất động sản. Tổng chưởng lý New York, Letitia James muốn gia đình Trump bị cấm mua bất động sản ở New York trong 5 năm. Điều đó có thể có ý nghĩa quan trọng đối với công ty được thành lập và phát triển trong thế giới bất động sản ở New York.

Bênh cạnh đó là lệnh cấm kinh doanh ở New York. Bà Letitia James muốn một thẩm phán ra phán quyết rằng ông Trump và các thành viên khác trong gia đình không được lãnh đạo bất kỳ doanh nghiệp nào ở New York.

Vụ án này dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 10.

Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Bộ Tư pháp

Đây là một tập hợp gồm hai cuộc điều tra liên quan đến ông Trump, được giám sát bởi một công tố viên độc lập do Bộ Tư pháp chỉ định, nhằm vào hai cáo buộc chính, gồm: Can thiệp vào kết quả bầu cử năm 2020 và chuyển giao quyền lực của tổng thống vào năm 2021, bao gồm cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1/2021; Và sở hữu tài liệu mật tại dinh thự ở Florida.

Chú thích ảnh
 Jack Smith, công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về việc cựu Tổng thống Donald Trump xử lý các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở. Ảnh: ABC News

Phạm vi buộc tội rất lớn và nhiều điều chưa biết về cách thức tiến hành của công tố viên đặc biệt. Nhưng theo tờ New York Times, Ủy ban Hạ viện về Điều tra Cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6/1 đã đề xuất bốn cáo buộc chống lại ông Trump trong báo cáo cuối cùng của mình.

Thứ nhất là cáo buộc cản trở một thủ tục chính thức; thứ hai là âm mưu lừa gạt nước Mỹ (Ủy ban này khẳng định ông Trump là trung tâm của một nỗ lực có tổ chức nhằm lừa gạt công chúng, với nhiều lần nói dối về cuộc bầu cử năm 2020); Âm mưu đưa ra một tuyên bố sai; Kích động, hỗ trợ hoặc giúp đỡ một cuộc bạo loạn (Ủy ban ngày 6/1 khẳng định rằng ông Trump phạm tội hỗ trợ một cuộc nổi loạn bằng cách cho phép cuộc tấn công tiếp tục mà không đưa ra tuyên bố yêu cầu những người ủng hộ ông dừng lại). Ủy ban để ngỏ khả năng buộc tội ông Trump cũng kích động bạo loạn; Cuối cùng là làm lung lạc nhân chứng (Ủy ban 6/1 nêu lên mối lo ngại rằng ông Trump có thể đã cố gắng giả mạo các nhân chứng của ủy ban).

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Bầu không khí mập mờ về tin đồn bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Bầu không khí mập mờ về tin đồn bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Donalad Trump đã khiến dư luận xôn xao sau khi ông tuyên bố rằng ông sẽ bị bắt vào ngày 22/3 mà không có bất kỳ bằng chứng chính thức nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN