Vốn là một tiến sĩ toán, Berezovsky dùng toán học để tính toán, lựa chọn đáp số cho những phi vụ của mình. Berezovsky coi bản thân tiền không phải là mục tiêu mà là sản phẩm phụ từ những hoạt động chính của ông ta: âm mưu và trò chơi chính trị.
Tổng thống Yeltsin (trái) và “người nhà” Berezovsky năm 1998. |
Giống như một nhà giả kim, Berezovsky biến các mối quan hệ cá nhân thành tiền và biến tiền thành ảnh hưởng. Berezovsky lần đầu xuất hiện trên chính trường năm 1994 thời Boris Yeltsin làm Tổng thống Nga đầu tiên hậu Xô Viết. Chỉ trong vòng 2 năm, Berezovsky đã có nhiều ảnh hưởng trong Điện Kremlin và trở thành “người nhà” của Tổng thống Yeltsin.
Berezovsky lần đầu tiếp cận Tổng thống Yeltsin thông qua việc tài trợ xuất bản cuốn hồi ký thứ hai của ông Yeltsin năm 1993 và thường trả tiền nhuận bút cho Yeltsin khi sách được bán ở nước ngoài. Việc Berezovsky có bán được hồi ký này ở nước ngoài hay không thì không ai biết.
Mối quan hệ của Berezovsky với Tổng thống Yeltsin ngày càng thân thiết là nhờ Tatyana Dyachenko, con gái của tổng thống. Theo lời của Aleksandr Korzhakov, một cựu quan chức an ninh trong chính quyền của ông Yeltsin, Berezovsky chỉ cần chiếm tình cảm của cô bằng những món quà đắt tiền và với mỗi một món quà mới, đồ trang sức hay một chiếc ô tô, ông ta lại tiến gần hơn tới Tổng thống Yeltsin.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Berezovsky năm 1997. |
Có được vị trí trong chính trường, Berezovsky lại càng dễ dàng làm ăn. Lần này, ông ta chọn dầu mỏ và truyền thông - những thứ có ảnh hưởng nhất trong thế giới hiện đại. Berezovsky thuyết phục Tổng thống Yeltsin trao cho ông ta quyền kiểm soát ORT - kênh truyền hình lớn của Nga (nay là Channel One) với cam kết dùng kênh này để phục vụ lợi ích của tổng thống. Kết quả, ông ta và đối tác là tỷ phú Roman Abramovich đã nắm quyền kiểm soát kênh này. Berezovsky cũng mua TV-6, một trong những kênh truyền hình tư nhân đầu tiên của Nga. Năm 1999, Berezovsky còn sở hữu tập đoàn truyền thông lớn nhất của Nga - nhà xuất bản Kommersant.
Sau đó, Berezovsky tìm cách thuyết phục Điện Kremlin cho ông ta và các đối tác mua công ty dầu mỏ Sibneft với giá rẻ để lấy kinh phí hoạt động Channel One. Trong mọi việc, Berezovsky đều được toại nguyện.
Nắm trong tay nhiều kênh truyền hình quan trọng, Berezovsky đã tận dụng truyền thông để làm công cụ tuyên truyền hiệu quả cho mình, kể cả trên chính trường và thương trường. Trong một cuộc phỏng vấn, ông ta nói: “Tôi không bao giờ coi truyền thông là kinh doanh mà là một công cụ đầy quyền lực trong đấu đá chính trị”.
Và Berezovsky đã chứng minh lời mình nói. Ông ta đã dùng truyền thông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, giúp Tổng thống Yeltsin tái đắc cử. Theo tờ The Guardian, Berezovsky chính là “nhạc trưởng” chỉ đạo cuộc tái tranh cử của Tổng thống Yeltsin và cùng với các đối tác tỷ phú, ông ta đã chi tới 140 triệu USD cho chiến dịch này dù cho theo quy định, mỗi đảng chỉ được dùng 3 triệu USD.
Berezovsky đã huy động 7 “trùm sò” khác để làm bất kỳ việc gì cần thiết giúp cho Tổng thống Yeltsin tái đắc cử. Cũng giống như ở Mỹ, những người bỏ tiền giúp ai đó tranh cử tổng thống đều muốn được “lại quả”. Bản thân Berezovsky cũng thừa nhận: “Việc các doanh nhân Nga đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Tổng thống Yeltsin không phải là điều gì bí mật. Đó là một cuộc chiến vì lợi ích”.
Và Berezovsky đã được “lại quả” bằng chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga - cơ quan điều phối quân sự và chính sách thi hành luật.
Người ta đồn rằng bất kỳ chức vụ nào quan trọng trong chính phủ cũng phải thông qua nhóm “người nhà” của Tổng thống Yeltsin. Năm 1999, nhóm này có thêm hai cộng sự của Berezovsky là Alexander Voloshin - đối tác cũ trong liên minh AVVA và Roman Abramovich.
Vấn đề mà “người nhà” Tổng thống Yeltsin lo lắng trong thời gian đó là tìm một người thay thế khi ông Yeltsin hết nhiệm kỳ thứ hai. Cuối năm 1999, các thành viên nhóm “người nhà” được cho là đã thuyết phục Tổng thống Yeltsin chọn ông Vladimir Putin làm ứng cử viên tổng thống kế nhiệm ông.
Berezovsky quen biết ông Putin từ đầu những năm 1990 khi ông Putin làm Phó Thị trường thành phố St. Petersburg và giúp Công ty Logovaz thành lập đại lý bán ô tô. Mối quan hệ của họ được xem là thân thiết. Thỉnh thoảng, họ cùng nhau đi trượt tuyết ở Thụy Sĩ.
Theo một số nguồn tin, Berezovsky lại làm hết mình để ông Putin trở thành tổng thống Nga. Đảng Thống Nhất nước Nga của ông Putin dành được thắng lợi lớn trong bầu cử quốc hội, dọn đường cho chiến thắng của ông Putin năm 2000. Về sau, Berezovsky cũng có một ghế trong quốc hội.
Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau khi ông Putin làm tổng thống, một số thông tin nói là Berezovsky đã có những bất đồng gay gắt với Tổng thống Putin về đường lối. Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” đã khiến Berezovsky rời quốc hội, sau đó phải sống lưu vong ở Anh với một loạt biến cố.
Thùy Dương (tổng hợp)
Đón đọc kỳ tới: Kẻ lưu vong bất mãn