Nhìn vào hình chạm khắc trên những bức tường còn lại của thành phố Amarna (Ai Cập), đời sau sẽ thấy một cuộc sống tươi đẹp, trù phú hiện ra với những chú bò được vỗ béo trong sân, những nhà kho ăm ắp ngũ cốc và cá, các nhạc công tấu lên những bản nhạc du dương trong buổi yến tiệc của pharaoh. Nhưng nếu nhìn gần hơn vào những hầm mộ nơi đây, họ sẽ phải bàng hoàng nhận ra bức tranh cuộc sống không hẳn thanh bình đến thế.
Bức tượng pharaoh Akhenaten. Ảnh: Internet |
Vào khoảng năm 1350 trước công nguyên, theo mệnh lệnh của Akhenaten - vị “pharaoh nổi loạn” đã chối bỏ gần như toàn bộ các vị thần của Ai Cập ngoại trừ thần mặt trời - thủ đô mới Amarna của Ai Cập, cách vị trí của Cairo ngày nay khoảng 322km về phía nam, được dựng nên như một phép màu trên sa mạc cát. Akhenaten ấp ủ ý định tạo ra một thành phố tuyệt vời nơi thần mặt trời Aten ngự trị và mọi người an hưởng cuộc sống sung sướng.
Nhưng trong khoảng 15 năm phát triển rực rỡ của thành phố với khoảng 20.000 đến 30.000 cư dân này, có lẽ chỉ có10% dân số giàu có, những người sống trong các biệt thự rộng lớn và hào phóng tô điểm cho những khu lăng mộ của mình, đồng ý với ý kiến đó của Akhenaten. Số đông còn lại, kém may mắn hơn, trút hơi thở cuối cùng ở khu Nam Hầm mộ, nơi phần lớn chứa đựng những ngôi mộ đầy người được trang trí bằng những viên đá đánh dấu. Những cái chết như vậy nói lên điều gì về cuộc sống của họ?
Trong một bản nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã mang lại một cái nhìn hoàn chỉnh hơn về cư dân của Amarna cổ đại. Họ là những người dân thường phải sống trong cảnh lao động khổ sai, họ có thể là lực lượng chủ yếu cung cấp nước cho thành phố, hạ những con tàu xuống dòng sông Nile và xây dựng cấp tốc các khu đền đá khổng lồ của Amarna theo ý chỉ của Akhenaten.
Khai quật hơn 200 ngôi mộ ở khu Nam Hầm mộ, nhóm nghiên cứu Amarna cũng chỉ tìm thấy 20 cỗ quan tài. Một trong số chúng có những chữ tượng hình được cho là tác phẩm của người mù chữ. Còn lại, phần lớn thi hài được cuộn trong những tấm thảm. Điều này có thể là một dấu hiệu đặc trưng cho tầng lớp trong một xã hội mà không phải ai cũng có đủ sức “tậu” quan tài. Không như mộ của người giàu, mộ của dân thường không kèm theo nhiều thực phẩm. Theo trợ lí giám đốc của nhóm nghiên cứu Anna Stevens, ngoài lí giải nguồn tài chính của dân thường Amarna có thể không dồi dào, cũng không thể loại trừ khả năng việc chôn thực phẩm theo người chết đã không còn quá được chú trọng vào thời điểm đó.
Nhưng quan trọng hơn cả, Jeroem Rose, nhà sinh khảo cổ học của đại học Arkansas (Mỹ) cho hay họ có bằng chứng về những bộ xương Ai Cập cổ đại ốm yếu nhất từng được phát hiện, từ trẻ em cho đến người lớn. Nhóm nghiên cứu hài cốt đã phát hiện ra nhiều trẻ em của Amarna bị suy dinh dưỡng và còi cọt. Theo nghiên cứu của Kathleen Kuchens, sinh viên của đại học Arkansas, những bộ xương có độ tuổi từ 3 – 25 vào thời điểm qua đời có dấu hiệu thiếu vitamin C và loãng xương. Tình trạng suy dinh dưỡng thể hiện qua những vết nứt trên răng và những bộ xương phản ánh việc phải liên tục sử dụng đến cơ bắp thông qua hoạt động chân tay ở cường độ cao.
Hài cốt của một nam thanh niên 19 tuổi ở Amarna. Ảnh: Internet |
Trong khi đó, xương của người trưởng thành cũng có dấu hiệu kiệt quệ vì phải làm công việc kham khổ. Hơn 75% các bộ xương cho thấy bị viêm khớp ở tứ chi và cột sống. Tình trạng xương bị gãy và chèn ép xảy ra phổ biến và 67% các bộ xương chỉ ra có ít nhất một vết gãy đang hoặc đã lành. Jessica Kaiser, một nhà khảo cổ học nghiên cứu về xương của Hiệp hội nghiên cứu Ai Cập cổ đại cho biết đây là một tỉ lệ “rất cao”. Theo ông Rose, mặc dù tình trạng lao động khổ sai không phải là câu chuyện mới mẻ ở Ai Cập cổ đại song mức độ tổn thương nặng như ở các bộ xương của cư dân Amarna đáng phải lưu tâm.
Khoảng năm 1336 trước công nguyên, những huy hoàng của Amarna lụi tàn một cách nhanh chóng theo sau cái chết của pharaoh Akhenaten. Nhưng khu mộ Nam Hầm hộ vẫn chôn chân ở đó và những bộ xương nơi đây vẫn thầm thì về những nỗi đau tại “Ngôi nhà của niềm vui” dành cho vị thần mặt trời Aten, dưới sự trị vì của vị pharaoh cuối vương triều 18.
Anh Minh (Theo National Geographic)