Nạn châu chấu - “bóng ma thời cổ đại” của Ai Cập

Cưỡi trên những ngọn gió đến từ phương nam, năm nào cũng vậy, đàn châu chấu sa mạc theo “truyền thống” của tổ tiên từ thời cổ đại lại tràn vào Ai Cập.

 

Đàn châu chấu ở khắp mọi nơi.

Theo truyền thuyết được nhắc tới trong Kinh thánh, Chúa Trời từng tạo ra 10 nạn dịch giáng xuống Ai Cập cổ đại vì vua Pharaoh cuối thế kỷ 13 trước CN đã từ chối không cho phép người Do Thái di cư để thoát khỏi cảnh nô lệ. Nạn dịch thứ 8 trong chuỗi 10 nạn dịch đó chính là “nạn châu chấu”. Ngày nay, với những người dân Ai Cập, sự xuất hiện của đàn châu chấu là cả một sự bất tiện lớn. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi và làm ảnh hưởng tới các hoạt động thường nhật. Chúng lao vào mặt người đi đường; chúng tràn vào các sân vận động; thậm chí đường băng máy bay cũng là điểm dừng chân của chúng.


Không những thế, với những trang trại và vườn cây ăn quả, đàn châu chấu sa mạc là một mối họa khủng khiếp. Sức gặm nhấm mỗi ngày của một đàn châu chấu trung bình có thể tương đương lượng tiêu thụ thức ăn của 2.500 người. Với một đàn lớn, di chuyển qua hàng chục đến hàng trăm kilômét với hàng chục triệu con châu chấu sa mạc đói khát, chúng có thể nhai “sạch sành sanh” một cánh đồng chỉ trong vài phút. Các nhà khoa học còn cho biết thêm khi tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Chính bởi khả năng di chuyển rộng mà châu chấu sa mạc được cho là có thể tác động đến cuộc sống của 1/10 dân số trên hành tinh.


 

Châu chấu sa mạc.

 

Các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cảnh báo quy mô của đàn châu chấu năm nay lớn hơn thông thường, với số lượng lên đến 30 triệu con. Mặc dù vậy, theo phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Ai Cập, đàn châu chấu chỉ di chuyển qua nước này trên hành trình di cư mùa xuân của chúng nên sẽ không gây tác hại lớn. Ông Salah Abdel Moamen, Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Ông cho biết đàn châu chấu vẫn chưa đến giai đoạn phát dục và không cần ăn cây xanh để nạp năng lượng nhờ nguồn dự trữ chất béo sẵn có trong cơ thể. Tuy nhiên, trước hành vi khó đoán của đàn châu chấu, ông Moamen cho biết các lực lượng vũ trang và bộ đội biên phòng nước này đang sẵn sàng “chiến đấu” với bầy côn trùng bằng mọi phương tiện có thể. Ông cũng kêu gọi người dân không đốt lốp xe để đuổi châu chấu, bởi việc này chẳng những vô tác dụng mà còn gây hại tới sức khỏe.


Thông thường châu chấu sa mạc là những sinh vật nhút nhát sống ở các khu vực khô hạn từ Bắc Phi cho đến Ấn Độ. Khi môi trường thay đổi, chẳng hạn nguồn thức ăn trở nên khan hiếm, chúng sẽ biến đổi mạnh mẽ cả về vẻ ngoài lẫn hành vi. Sau một thời kì mưa lớn trút xuống, rau củ phát triển xanh tốt chính là nguồn thực phẩm dồi dào dẫn đến là sự bùng nổ về số lượng châu chấu. Nhưng một khi sa mạc khô hạn trở lại, những con châu chấu từ khắp nơi đổ về một chỗ để tranh giành thức ăn và hình thành đàn lớn. Từ chỗ là những con châu chấu còn non, có lớp vỏ màu vàng nâu và xanh, chúng trở nên hung dữ hơn với lớp vỏ có màu vàng và đen.


Lí do khiến châu chấu sa mạc di cư theo đàn là để tự vệ. Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học, châu chấu sa mạc ở giai đoạn phát triển “hung hăng” trở thành loài ăn thịt và ăn chính đồng loại của mình. Khi cảm thấy nguy hiểm, chúng chỉ nhảy về phía trước. Chuyển động này được lặp đi lặp lại ở nhiều con châu chấu trong một nhóm, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy “đoàn di cư” tiến lên phía trước.


Sự hiện diện của đàn châu chấu năm nay diễn ra chỉ vài tuần trước khi kì nghỉ Lễ Vượt qua, lễ kỉ niệm cuộc di cư của người Do Thái bắt đầu vào hoàng hôn ngày 25/3. Trong khi chính phủ và chủ trang trại vẫn lo lắng theo dõi tình hình, những người tin theo truyền thuyết lại được dịp kể những câu chuyện huyền bí xa xôi có từ những thiên niên kỉ trước công nguyên.


Anh Minh (Theo National Geographic)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN