Bí ẩn hài cốt hoàng gia (Tiếp theo)

Boudicca - Nữ hoàng của Iceni (Trị vì năm 60 sau Công nguyên)


Mặc dù thời gian trị vì của nữ hoàng Boudicca ngắn ngủi nhưng bà là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử nước Anh. Năm 60 sau Công nguyên, bà đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy lớn và được người người ca tụng vì đã đứng lên bảo vệ nước Anh khỏi những loại thuế khóa cắt cổ, nghèo đói và chế độ nô lệ mà đế chế La Mã gieo rắc.


Nhà sử học La Mã cổ đại Cassius Dio đã mô tả về vị nữ hoàng của người Celts: “Bà có vóc người cao cao với vẻ bề ngoài thật đáng sợ; trong ánh mắt ánh lên vẻ căm phẫn tột bậc và giọng nói thì thật lạnh lùng; mái tóc nâu phủ tới ngang hông, cổ mang chiếc vòng lớn bằng vàng và khoác trên người bộ trang phục nhiều màu sắc”.


Theo những ghi chép còn lại, trong trận chiến cuối cùng, vì sợ bị bắt giữ và tra tấn, nữ hoàng Boudicca đã chạy đến miền nam nước Anh. Tuy nhiên, lực lượng của bà đã bị đối phương thảm sát. Mặc dù nhà sử học Dio có mô tả một vụ chôn tập thể nhưng vị trí nơi nữ hoàng Boudicca nằm xuống lẫn nơi xảy ra trận chiến năm xưa vẫn còn chưa được xác định.


Trong khi đó, những lời đồn thổi huyền bí thì khẳng định rằng nữ hoàng Boudicca được chôn cất bên dưới sân ga số 8, 9 hoặc 10 ở nhà ga King’s Cross tại thủ đô London. Dẫu vậy không có dấu vết nào được tìm thấy ở đây hoặc bất kì địa điểm nào khác. Theo Mike Heyworth, Giám đốc Hội đồng Khảo cổ học Anh, ngay cả khi di hài được tìm thấy có thể là của nữ hoàng Boudicca đi nữa thì vẫn rất khó để khẳng định chắc chắn do thiếu các bằng chứng để chứng minh thân phận của nữ hoàng.


Hơn thế nữa, theo nhà khảo cổ học Richard Hingley của trường đại học Durham, nếu nữ hoàng Bidoucca qua đời trong trận chiến, thi thể của bà rất có thể đã bị tiêu hủy cùng với các loại vũ khí và đống đổ nát. Nếu quả vậy, hầu như chẳng còn lại gì để tìm kiếm. “Không có vẻ như nữ hoàng Boudicca đã có một nơi an nghỉ”, Hingley nói. Ông cho rằng, hầu hết thi thể của những người sống trong thời đại đồ sắt tại khu vực này đều bị phá hủy theo những phương thức chưa thấy xuất hiện trong các ghi chép khảo cổ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc đó vẫn chưa thể khiến nhiều người ngừng các cuộc tìm kiếm nơi an nghỉ của nữ hoàng Boudicca.


Alfred - Vua của Wessex (Trị vì từ năm 871 - 899 sau Công nguyên)


Vua Alfred là vị vua đầu tiên của “tất cả người Anh” và là vị vua nước Anh duy nhất được gọi là “Đại đế”. Qua đời ở tuổi 50, Alfred Đại đế đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với thời kì cai trị của mình. Thi thể của ông được chuyển đến an nghỉ tại nhà thờ Old Minster ở thành phố Minchester, đông bắc nước Anh.


Hai năm sau khi Alfred Đại đế qua đời, con trai của ông là Edward bắt đầu xây dựng một nhà thờ mới gần nhà thờ Old Minster và di hài của Alfred Đại đế được chuyển đến một khu lăng mộ mới ở đó vào năm 903. Vua Alfred được “tận hưởng” cuộc sống tại đó trong hai thế kỉ.


Năm 1110, di hài của ông một lần nữa, cùng với di hài của vợ và con trai, được chuyến đi đến tu viện Hyde Abbey nằm bên ngoài những bức tường bao quanh thành phố. Nhưng đây vẫn chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của Vua Alfred. Quanh thời điểm sau khi vua Henry VIII cho phá hủy các tu viện, hầm mộ của vua Alfred có thể đã bị hư hỏng và xương cốt của ông đã được chuyển đi nơi khác. Lần này, chúng được chuyển đến một ngôi mộ đơn giản tại nhà thờ Parish của St. Bartholomew, nơi được xây dựng trên địa điểm của một tu viện cũ bị phá hủy trước đó.


Những nỗ lực tìm kiếm địa điểm nơi di hài của Alfred Đại đế an nghỉ đã diễn ra trong hơn 100 năm. Cuộc tìm kiếm đầu tiên bắt đầu vào thế kỉ thứ 19 do một nhà nghiên cứu đồ cổ địa phương dẫn đầu. Cuộc tìm kiếm thứ hai do Hội đồng thành phố Winchester tổ chức cách đây khoảng hơn một thập kỉ.


Trong cả hai cuộc tìm kiếm, không một hầm mộ nào được tìm thấy. Thứ duy nhất xuất hiện chỉ là một mảnh xương người, nhưng cuối cùng mảnh xương này lại là xương của một người phụ nữ. Cũng có những người tin rằng hài cốt của Alfred Đại đế chưa bao giờ được tái chôn cất, thay vào đó chúng bị thất lạc bởi quá trình xây dựng trên khu tu việc đổ nát trong thế kỉ 18.


Sự cuốn hút của di hài hoàng gia Anh với dư luận càng tăng lên sau khi hài cốt của vua Richard III được phát hiện bên dưới một bãi đỗ xe ở Anh. Vì vậy tháng 3 vừa qua, giáo xứ của vùng St. Bartholomew đã trao trọng trách khai quật một ngôi mộ chưa rõ danh tính ở sân nhà thờ cho ba nhà khảo cổ học. Lý do mà họ đưa ra là nơi đây có thể là vị trí chôn cất cuối cùng của Vua Alfred, và họ cần phải làm vậy để bảo vệ di hài khỏi sự phá hủy hoặc bọn trộm.


Hiện tại, bộ xương được khai quật lên đang nằm ở một địa điểm an toàn và chờ được nghiên cứu. Cho đến lúc kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được công bố thì câu hỏi về nơi an nghỉ cuối cùng của vị vua đầu tiên, đồng thời cũng là vị vua vĩ đại nhất của nước Anh vẫn còn tiếp tục thôi thúc sự tìm tòi của giới khảo cổ.

 

(Còn tiếp)


Anh Minh (Theo Archaeology)

Bí ẩn hài cốt hoàng gia
Bí ẩn hài cốt hoàng gia

Với một nhà khảo cổ, việc tìm thấy ngôi mộ cổ bị mất tích của một ông hoàng, bà chúa nào đó được xem là một kỳ tích trong sự nghiệp. Tuy nhiên, ý nghĩa của một kỳ tích như vậy không chỉ dừng lại ở đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN