Kỳ cuối: Chiến dịch PBSuccess
Để đạt được mục tiêu này, CIA đã tuyển một cựu sĩ quan quân đội của ông Arbenz có tên là Carlos Castillo Armas, người vốn bất mãn với chính quyền. Ông Armas kêu gọi tinh thần chống chính phủ và tập hợp một đội quân khoảng vài trăm người, được Mỹ cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ thiết bị dưới Chiến dịch PBSuccess.
Vào ngày 18/6/1954, Armas và lực lượng của mình tấn công với sự hỗ trợ hậu cần từ Mỹ. CIA bắt đầu bằng cách khởi động một chiến dịch tuyên truyền, cảnh báo người dân Guatemala và ông Arbenz rằng một cuộc xâm lược lớn đang diễn ra. Họ thiết lập một đài phát thanh bí mật, gây nhiễu sóng của Guatemala và phát đi những thông điệp phóng đại.
Một thông điệp có nội dung: “Không có chuyện nước hồ Atitlan bị đầu độc. Tại trạm chỉ huy của chúng tôi trong rừng, chúng tôi không thể xác nhận hoặc phủ nhận tin rằng Castillo Armas có một đội quân 5.000 người”.
Các phi công Mỹ lành nghề được trả tiền để ném bom các pháo đài và các điểm chiến lược khác ở Thành phố Guatemala. Khi các bản tin giả tràn ngập trên sóng phát thanh, CIA sử dụng gián điệp trong quân đội và chính phủ Guatemala để tích cực làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Arbenz, làm suy sụp tinh thần của những người ủng hộ ông và ngăn chặn các nỗ lực đối chất với ông Armas.
Chiến tranh tâm lý của CIA đã thành công. Hoảng loạn bao trùm thủ đô và những người ủng hộ ông Arbenz bắt đầu mất niềm tin. Khi ông cố gắng tập hợp một lực lượng dân quân, chỉ có vài trăm dân thường xuất hiện.
Vào ngày 27/6/1954, chỉ 9 ngày sau đó, ông Arbenz từ chức. Ông xin tị nạn tại Đại sứ quán Mexico và sau đó rời khỏi đất nước.
Trong khi nhiều quan chức Mỹ hài lòng với cuộc đảo chính của CIA, thì các quốc gia khác không ngần ngại bày tỏ phản đối.
Khi Giám đốc CIA Allen Dulles mô tả cuộc đảo chính là chiến thắng của “dân chủ”, thì một quan chức Anh đã so sánh phát biểu của ông này với “Hitler khi nói về Áo”. Báo chí trên toàn thế giới đã lên án cuộc đảo chính ở Guatemala, gọi đó là “chủ nghĩa thực dân kinh tế”,
Trong khi đó, gọi cuộc đảo chính ở Guatemala là chiến thắng cho dân chủ thực sự là một lời phóng đại. Ông Armas ngay lập tức bắt giữ hàng nghìn lãnh đạo phe đối lập và thực tế đã bãi bỏ hiến pháp dân chủ năm 1945. Các cải cách tiến bộ như công đoàn lao động bị giải thể, và tất nhiên, UFC được chào đón trở lại.
Chế độ mới này đã để lại những tác động sâu sắc cho Guatemala trong 30 năm tiếp theo. Từ năm 1960 đến 1996, một cuộc nội chiến đã càn quét đất nước này. Các nhóm nổi dậy được dân chúng ủng hộ đã chiến đấu chống lực lượng chính phủ được trang bị vũ khí của Mỹ. Nhóm nổi dậy lớn nhất trong số này là “Đội quân du kích của người nghèo”, một lực lượng có thời điểm có tới 270.000 thành viên, chủ yếu là người Maya bản địa.
Trong nỗ lực xóa sổ phe đối lập, chế độ do Mỹ dựng lên đã bắt đầu chính sách “tiêu thổ” chống đối thủ, bắt giam và tiêu diệt có hệ thống người Maya bản địa. Ủy ban Làm rõ Lịch sử do Liên hợp quốc bảo trợ vào năm 1999 đã kết luận rằng việc Mỹ huấn luyện cho đội ngũ sĩ quan về kỹ thuật chống nổi dậy đã có tác động đáng kể đến các vi phạm nhân quyền trong cuộc xung đột vũ trang.
Ngày nay, giai đoạn thanh lọc sắc tộc này được gọi là “Diệt chủng Guatemala” hoặc “Holocaust thầm lặng”, trong đó khoảng 200.000 người bị sát hại, phần lớn là người Maya bản địa.
Các tài liệu liên quan đến Chiến dịch PBSuccess đã bị giấu kín trong nhiều thập kỷ nhưng sau đó đã được giải mật. Qua đó, lịch sử can thiệp lâu dài và đầy tai tiếng của Mỹ vào các nước đang phát triển ngày càng trở nên rõ ràng.
Mặc dù cuộc nội chiến ở Guatemala đã kết thúc bằng hiệp định hòa bình giữa chính phủ và các lực lượng du kích, nhưng đất nước này vẫn đang gặp khó khăn trong giải quyết những hậu quả từ thời kỳ tàn khốc đó, đặc biệt là cái chết của hàng trăm nghìn người bản địa.
Còn về UFC, sau khi đổi tên thành Chiquita Brands International, công ty này vẫn tiếp tục bán chuối trên toàn thế giới và vẫn là nhà phân phối chuối hàng đầu tại Mỹ.
Tới năm 2011, Guatemala đã phục hồi danh dự cho cố Tổng thống Jacobo Arbenz.
Tổng thống Guatemala khi đó là ông Alvaro Colom đã đưa ra lời xin lỗi chính thức tới gia đình của ông Arbenz, 57 năm sau khi ông bị lật đổ một cách bạo lực trong cuộc đảo chính mà Mỹ hậu thuẫn.
Ông Colom đã đưa ra lời xin lỗi theo thỏa thuận mà Ủy ban Nhân quyền Liên châu Mỹ thu xếp với gia đình ông Arbenz. Ông nói rằng cuộc đảo chính là một tội ác chống xã hội Guatemala, do CIA và những người Guatemala có ý đồ xấu gây ra.
Phát biểu trong buổi lễ tại trụ sở chính phủ cũ, trước sự có mặt của ông Jacobo Arbenz Vilanova, người con trai duy nhất còn sống của cố Tổng thống Arbenz, ông Colom nói: “Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, tổng thống hợp hiến của nước cộng hòa và là tổng tư lệnh quân đội, tôi xin chân thành mong gia đình Arbenz Vilanova tha thứ cho tội ác lớn này. Đây là một tội ác trước hết đối với ông Arbenz, vợ ông, gia đình ông, nhưng cũng là một tội ác lịch sử đối với Guatemala. Ngày đó đã thay đổi Guatemala và chúng ta vẫn chưa hồi phục”.
Trong số các biện pháp mới được chính phủ của ông Colom công bố, có việc biên soạn lại sách giáo khoa để bổ sung di sản của ông Arbenz vào lịch sử đất nước và đổi tên một tuyến đường quốc gia để tôn vinh ông.