Các cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã hé lộ những chi tiết gây rúng động làng thể thao toàn cầu, động tới không chỉ giới chóp bu của tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới này mà còn liên quan tới những ngân hàng nổi tiếng thế giới. Credit Suisse (ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ), hay Barclays và HSBC của Anh nằm trong số đó.
Cuộc điều tra tham nhũng tại FIFA đang nhắm tới các ngân hàng lớn. |
Vụ bê bối tham nhũng liên quan tới FIFA chính thức bùng nổ hôm 27/5 vừa qua. Ngay trong những ngày đầu của cuộc điều tra, giới chức tư pháp Mỹ đã công bố danh sách 14 nghi phạm là quan chức cấp cao của FIFA và đối tác.
Gần đây, theo các nguồn thạo tin, giới chức Mỹ đã bắt đầu mở các cuộc điều tra về vai trò của các ngân hàng hàng đầu thế giới trong vụ bê bối của FIFA. Trong đó, có các tên tuổi lớn như Credit Suisse của Thụy Sỹ, Barclays và HSBC của Anh, cùng Deutsche Bank (Ngân hàng Đức).
Câu hỏi mà cơ quan công tố liên bang Brooklyn, New York - đơn vị thụ lý vụ án - và cơ quan giám sát các dịch vụ tài chính New York (DFS) muốn tìm hiểu là liệu những đại gia ngân hàng này có “lơ là” trong quá trình tiến hành các thủ tục kiểm soát dòng tiền được chuyển qua lại giữa các tài khoản nghi vấn có liên quan tới vụ việc hay không. Các nguồn tin đề nghị giấu tên tiết lộ thêm giới chức Mỹ cũng đang tìm hiểu liệu các giao dịch liên quan tới các tài khoản của FIFA này có vi phạm luật chống rửa tiền của nước này hay không.
Tội phạm tài chính?
Được biết, cơ quan công tố liên bang tại Brooklyn đã yêu cầu hai ngân hàng Anh là HSBC và Standard Chartered cung cấp thông tin liên quan. Người phát ngôn của HSBC Rob Sherman tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục xác minh những cáo buộc chống lại một số quan chức của FIFA và những người khác nhằm đảm bảo rằng dịch vụ (ngân hàng) của chúng tôi đã không bị vô tình lợi dụng để phạm các tội về tài chính”.
Bê bối FIFA đang được tiếp tục điều tra. |
Trong khi đó, về phía mình, DFS đã gửi các yêu cầu hợp tác điều tra tới hơn 6 ngân hàng lớn, trong đó có Barclays, Standard Chartered, Credit Suisse và cả Bank Hapoalim của Israel. Tới nay, ba ngân hàng lớn tại châu Âu là Barclays, Credit Suisse và Deutsche Bank đều từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Vẫn theo các nguồn tin mật, giới chức an ninh Mỹ đặc biệt muốn tiếp cận được các tài liệu kết luận những vụ điều tra nội bộ do chính các ngân hàng lớn kể trên tiến hành sau khi vụ bê bối được đưa ra ánh sáng. Theo một nguồn tin ngân hàng, một trong các ngân hàng này đã phát hiện ra một giao dịch đáng ngờ.
Giới chức Mỹ còn muốn tìm hiểu tại sao các lực lượng cảnh báo nội bộ (về giao dịch đáng ngờ) không hoạt động. Theo luật của Mỹ về hoạt động rửa tiền, các ngân hàng buộc phải tăng cường việc giám sát và cảnh báo thường xuyên cho chính quyền các vụ chuyển tiền mặt do những người không phải công dân Mỹ tiến hành, đặc biệt với những đối tượng được cho là “nhạy cảm”.
Các quan chức FIFA bị bắt giữ do bị tình nghi nhận hối lộ. |
Mục đích của các điều luật này là nhằm ngăn chặn những kẻ buôn bán ma túy, các phần tử khủng bố rửa tiền. Sự kiên quyết của giới chức Mỹ trong việc thực hiện điều luật này đã từng buộc các ngân hàng như JPMorgan Chase và HSBC phải chấp nhận đóng tài khoản ngân hàng của các nhà ngoại giao, của những quan chức cấp cao Mỹ đã nghỉ hưu hoặc còn đương nhiệm.
Hai cuộc điều tra, một nhắm vào giới chức FIFA, một vào các ngân hàng, mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Tới nay, chưa có bất kỳ cáo buộc tham ô nào nhắm vào giới ngân hàng. Vụ bê bối mang tên FIFA đã nổ ra được hai tháng. Tới nay, Cơ quan công tố liên bang Mỹ đã cáo buộc 47 tội danh đối với 9 quan chức FIFA, trong đó có 2 vị Phó chủ tịch, cùng 5 đối tác của tổ chức này. Những nhân vật này bị cáo buộc đã phạm tội tham nhũng, rửa tiền trong suốt 25 năm qua. Và tất cả mới đang ở "điểm khởi đầu của vụ án", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch nhấn mạnh.