Ba tổng biên tập tài năng của nước Mỹ

1. Benjamin Franklin (1706 - 1790)

Không chỉ được biết đến là “người sáng lập nước Mỹ” và một nhà khoa học đa tài, Benjamin Franklin còn là một người thợ in, một chủ báo có sự nghiệp hết sức thành công.


Năm 16 tuổi, Franklin bắt đầu viết những bài luận đầu tiên cho tuần báo New-England Courant do anh trai ông quản lý. Năm 1729, ông chính thức thành lập nhà in riêng của mình và làm chủ tờ báo Pennsylvania Gazette. Tờ công báo này là một diễn đàn bổ ích của người dân địa phương, được đánh giá cao với những bài viết nhận định mang tính cải cách cùng với nhiều sáng kiến thú vị.

Franklin đã có những bài viết ủng hộ tiền giấy, chống các chính sách của những người theo chủ nghĩa trọng thương, như Luật sắt năm 1750, đồng thời phác thảo Kế hoạch Albany của Liên minh năm 1754, tạo ra một cơ sở lập pháp cho thuộc địa sau này.

Từ năm 1733, Franklin bắt đầu xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Nhật ký của Richard nghèo” kéo dài trong suốt 25 năm. Cuốn sách này bán được hơn 10.000 bản mỗi năm, mang lại danh tiếng cũng như đem về những món tiền kếch xù cho Franklin. Những câu châm ngôn xuất hiện trong sách như "Một xu tiết kiệm được là hai xu kiếm được", "Cá và những vị khách đều bốc mùi sau ba ngày"… vẫn còn được sử dụng phổ biến đến ngày nay.

Franklin là người duy nhất đã ký tên vào 4 văn kiện quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, đó là Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiệp ước Đồng minh với Pháp, Hiệp ước Hòa bình với Anh và Bản hiến pháp Mỹ. Chân dung của ông được in trang trọng trên các tem thư, tiền đồng và tiền giấy 100 USD của Mỹ.

Sau này, khi Franklin đã có được danh tiếng với tư cách một chính trị gia nổi tiếng, một nhà khoa học tài năng phát minh ra cột thu lôi, kính hai tròng…, ông vẫn thường ký tên dưới những bức thư bằng một chức danh khiêm tốn - “B. Franklin, Chủ nhà in”.

2. Joseph Pulitzer (1847 - 1911)

Năm 1864, Joseph Pulitzer rời quê hương Hungary đến nước Mỹ trên một chuyến tàu chở đầy những tân binh vừa được tuyển mộ từ khắp châu Âu để phục vụ cho cuộc nội chiến Mỹ. Chuyến tàu này mang đến cho cậu thanh niên 17 tuổi, không có lấy một xu dính túi, tấm vé miễn phí để thay đổi cuộc đời. Pulitzer phục vụ trong Đội kỵ binh Lincoln, nơi các binh lính nói tiếng Đức là chủ yếu.


Tại St. Louis, nơi Pulitzer tá túc sau khi xuất ngũ, cuộc sống của một kẻ nhập cư đối với ông chẳng hề dễ dàng. Ông nói thạo tiếng Đức và tiếng Pháp nhưng lại rất kém tiếng Anh nên không tìm được việc làm ổn định, đành phải lúc thì đi dọn rác, lúc là người dắt ngựa, rồi làm cả công việc bồi bàn. Tuy nhiên Pulitzer đã không hề nản chí, cứ rảnh rỗi là ông lại tới thư viện thành phố để tự học tiếng Anh và luật.

Cơ hội bước chân vào ngành báo chí tình cờ đến với Pulitzer ngay tại thư viện mà ông thường xuyên lui tới. Thấy hai người đàn ông đang chơi cờ, Pulitzer mạnh dạn bước tới gợi ý một số nước đi hay, tạo được ấn tượng tốt với hai người bạn mới quen. May mắn thay, hai người đàn ông này chính là biên tập viên của nhật báo tiếng Đức Westliche Post hàng đầu khi đó, và họ đã mời Pulitzer về làm việc sau khi nhận ra tài ăn nói và sự thông minh của ông.

Bằng sự nỗ lực không ngừng trong công việc, Pulitzer đã sớm trở thành chủ của hai tờ báo được đón đọc hàng đầu trong khu vực là St. Louis Post Dispatch và New York World. Các ấn phẩm của ông nổi tiếng với những loạt bài điều tra ly kì cũng như sự đổi mới tiên phong trong thể loại tin thể thao và sử dụng tranh ảnh màu minh họa. Trong bản di chúc của mình, ông đã lập ra giải Pulitzer và để lại 2 triệu USD cho trường Đại học Columbia. Năm 1912, tức một năm sau ngày Pulitzer mất, Phân viện Báo chí Columbia được thành lập còn giải báo chí Pulitzer cao quý vẫn được trao thường niên từ năm 1917 cho đến nay.

3. Katherine Graham (1917 - 2001)

Katherine Graham là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ, được ví như “huyền thoại” của giới truyền thông bởi vai trò quan trọng của bà trong vụ lật tẩy bê bối chính trường Watergate.


Bà Katherine từng là nữ biên tập viên tại Washington Post, tờ báo được cha bà mua lại vào năm 1933 lúc nó sắp phá sản. Tuy nhiên, cha của Katherine lại không muốn con gái theo nghiệp báo chí nên đã giao quyền lãnh đạo cho người con rể Phillip. Katherine đã hy sinh sự nghiệp để ở nhà chăm nom 4 đứa con và quán xuyến việc gia đình. Mãi đến năm 1963, khi người chồng đột ngột tự sát, bà mới quay trở lại làm việc và chính thức tiếp quản Washington Post. Dưới sự điều hành của bà, Washington Post từ một tờ báo bên bờ phá sản đã trở thành một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu nước Mỹ.

Ngoài ra, bà Katherine còn là nữ Ủy viên đầu tiên của Hiệp hội Báo chí Mỹ, nữ doanh nhân đầu tiên trong số 500 công ty truyền thông lớn nhất thế giới. Người ta gọi Katherine Graham là “huyền thoại của giới truyền thông”, không chỉ vì những gì bà đã gây dựng thành công trong sự nghiệp mà còn bởi nghị lực phi thường trong cuộc sống.

Cái tên Katherine Graham và Washington Post thực sự trở nên lừng lẫy kể từ sau sự kiện gây chấn động Watergate năm 1972, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Khi đó, bất chấp sự khủng bố ngầm của chính quyền Nixon, bà Katherine vẫn quyết định điều tra sâu để phơi bày những tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam lên trang báo. Ngoài ra, vụ điều tra của Washington Post còn phanh phui hành động “chơi xấu” đặt máy nghe lén của đảng Cộng hòa cầm quyền nhằm phá hoại các hoạt động tranh cử của đảng đối lập. Đây cũng là lời kêu gọi các tờ báo, tập đoàn truyền thông khác dũng cảm chiến đấu vì sự thật, là một bước thay đổi lớn trong lịch sử truyền thông. Một năm sau, Wasington Post giành được giải thưởng Pulitzer, xác lập được địa vị của một tờ báo lớn ở nước Mỹ. Cuốn tự truyện “Lịch sử bản thân” cũng đem về cho Katherine một giải Pulitzer vào năm 1998.


Hoàng Trang (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN