Ba chiến dịch giải cứu người Do Thái ở Ethiopia - Kỳ 1

Israel từng thực hiện ba chiến dịch để giải cứu người Do Thái ở Ethiopia, đưa họ về với Đất Thánh.

Kỳ 1: Số phận người Beta Israel

Ethiopia là quê hương của một trong những cộng đồng Do Thái lâu đời nhất trên thế giới, được gọi là Beta Israel hoặc Falasha. Theo truyền thống của Ethiopia, người Falasha là hậu duệ của các bộ lạc người Israel đến vùng này vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Menelik I là hoàng đế đầu tiên của Ethiopia và là con trai của Vua Solomon trong Kinh thánh và Nữ hoàng Sheba.

Chú thích ảnh
Người Do Thái trong chiến dịch giải cứu năm 2011. Ảnh: NPR

Tuy nhiên, các nhà nhân chủng học hiện đại cho rằng người Do Thái ở Ethiopia xuất hiện vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Sống ở nơi ngày nay là các bang Amhara và Tigray ở phía bắc Ethiopia, trong 3.000 năm sau đó, người Falasha đã phải trải qua nhiều thời kỳ bị đàn áp tôn giáo, trong đó nhiều người Do Thái buộc phải cải đạo sang Cơ đốc giáo trong thời kỳ Axumite từ năm 80 trước Công nguyên đến 825 sau Công nguyên dưới thời các hoàng đế của triều đại Solomon.

Mặc dù vậy, do người Falasha sống ở nơi tách biệt với các cộng đồng Do Thái khác, nên phải đến giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa phục quốc Do Thái mới bắt đầu bén rễ ở Ethiopia. Năm 1849, giới lãnh đạo Do Thái ở Ethiopia đã cử một phái đoàn đến Jerusalem để liên lạc với các nhà chức trách Do Thái ở đó và thảo luận về Aliyah – tức là đưa người Beta Israel về Đất Thánh. Hai mươi năm sau, vào năm 1969, tu sĩ Abba Mehari đã cố gắng đưa nhóm người Beta Israel đầu tiên đến Jerusalem, nhưng hầu hết những người đi theo ông đều chết vì bệnh tật trên đường đi.

Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với người Beta Israel xảy ra vào năm 1974, khi chính phủ của Hoàng đế Haile Selassie I bị Derg (Chính phủ Quân sự Lâm thời Ethiopia do Đại tá Mengistu Haile Mariam đứng đầu) phế truất. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Mengistu đã thực hiện chế độ đàn áp chính trị bạo lực “Khủng bố đỏ” nhằm loại bỏ các nhóm đối thủ như đảng Cách mạng Nhân dân Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, đồng thời củng cố quyền kiểm soát của Derg trên đất nước.

Từ năm 1976 đến 1977, ước tính có khoảng 750.000 người Ethiopia bị tra tấn và sát hại trong cuộc thanh trừng này. Đồng thời, Derg áp đặt những cải cách kinh tế và nông nghiệp tai hại, như tập thể hóa ruộng đất, tái định cư trên 600.000 người Ethiopia nông thôn ở các vùng cao phía bắc, tịch thu ngũ cốc từ các khu vực có nhiều hoạt động nổi dậy và phân phối lại ngũ cốc trong các thành phố để duy trì lòng trung thành của người dân thành thị. Những chính sách này, cùng với hạn hán nghiêm trọng, đã làm xảy ra một loạt nạn đói kinh hoàng từ năm 1983 đến năm 1985, giết chết trên 1,2 triệu người và khiến 2,5 triệu người khác phải di tản.

Trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần hai thập kỷ là người Falasha. Về mặt chính trị, ông Mengitsu và Derg chống lại các cường quốc phương Tây và nói rộng ra là Nhà nước Israel. Cùng với tâm lý chống tôn giáo nói chung của Derg, điều này đã khiến người Beta Israel trở thành mục tiêu cụ thể để đàn áp chính trị. Họ bị cấm thực hành tôn giáo, cấm dạy tiếng Do Thái và cấm di cư khỏi Ethiopia. Hoàn cảnh của người Falasha nhanh chóng thu hút sự chú ý của Chính phủ Israel và họ bắt đầu đánh giá một nhiệm vụ giải cứu khả thi.

Theo Luật Aliyah của Israel năm 1950, mọi người Do Thái trên thế giới đều có quyền trở thành công dân Israel. Tuy nhiên, vào những năm 1970, các nhà chức trách Israel đã tranh luận gay gắt về việc liệu những người Falasha có được coi là một phần của cộng đồng người Do Thái hay không. Sống biệt lập với các truyền thống Do Thái khác trong ít nhất 2.000 năm, những người Falasha thực hành một hình thức Do Thái giáo được gọi là Haymanot - khác biệt với Do Thái giáo Rabbinic. Vào năm 1973, Israel đã đưa ra một báo cáo tuyên bố người Do Thái ở Ethiopia hoàn toàn là ngoại lai đối với người Do Thái Israel và do đó không đủ điều kiện để nhập cư.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Ovadia Yosef và Schlomo Goren, giáo sĩ trưởng của giáo phái Sephardi và Ashkenazi, đã đưa ra các tuyên bố nói rằng người Falasha là hậu duệ hợp pháp của người Israel. Những tuyên bố này đã trở thành chính sách chính thức của chính phủ khi Thủ tướng Menachem Begin lên nắm quyền vào năm 1977. Kế hoạch di tản người Beta Israel khỏi Ethiopia cuối cùng đã bắt đầu một cách nghiêm túc.

Đón đọc kỳ cuối: Hành trình giải cứu gian nan

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhảy múa đến chết - dịch bệnh kỳ quái nhất trong lịch sử
Nhảy múa đến chết - dịch bệnh kỳ quái nhất trong lịch sử

Vào mùa hè năm 1518, một bệnh dịch kỳ lạ ở thành phố Strasbourg ngày nay thuộc Pháp đã khiến hàng trăm người nhảy múa không kiểm soát trong nhiều tuần liên tục cho đến khi chết vì kiệt sức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN