Anwar al-Awlaki: Trùm khủng bố nguy hiểm

Anwar al-Awlaki: Trùm khủng bố nguy hiểm-Kỳ II: Lãnh tụ tinh thần của nhiều vụ khủng bố

Sau khi ra tù, Anwar al-Awlaki bắt đầu lợi dụng mạng Internet để tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố và được mệnh danh là "Osama Bin Laden mạng". Cũng giống như Bin Laden, al-Awlaki có một giọng nói chậm rãi, sinh hoạt giản dị. Mặt khác, do tinh thông tiếng Anh và tiếng Arập, vì thế khi tuyên truyền giáo lý Hồi giáo, al-Awlaki còn dẫn các ví dụ về phong tục tập quán nước Mỹ. Hơn nữa, do hiểu rõ phương Tây nên al-Awlaki có thể nói rõ ngọn ngành khi phê phán nhược điểm và những tệ nạn của xã hội phương Tây. Chính vì vậy, al-Awlaki đã thu hút được số lượng lớn phần tử khủng bố cấp tiến.

Thủ phạm của vụ khủng bố 11/9/2001 tại New York...

Mấy năm gần đây, trong số những nghi phạm khủng bố mà nước Mỹ bắt được có không ít đối tượng là người da trắng. Người Mỹ cho rằng chủ nghĩa khủng bố đang "nội địa hóa". Trong quá trình này, al-Awlaki là đối tượng đóng góp "công lao" không hề nhỏ.

Tháng 3/2010, David Coleman Headley, 49 tuổi, người Mỹ đã bị Tòa án Chicago khởi tố với cáo buộc tham gia tấn công khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ năm 2008 và có âm mưu tấn công một tòa soạn báo ở Đan Mạch. Cùng tháng đó có 5 sinh viên xuất thân từ gia đình trung lưu ở Virginia (Mỹ) bị cáo buộc tham gia hoạt động khủng bố tại Pakixtan. Theo các phân tích, hành động của những đối tượng trên đều có mối liên quan đến hoạt động "giáo huấn" của al-Awlaki.

Điều khiến Cơ quan tình báo Mỹ hối tiếc đó là việc họ không hề hay biết gì về al-Awlaki mặc dù y đã từng sinh sống tại Mỹ 21 năm. Sau sự kiện 11/9/2001, thông qua mạng truyền hình công cộng Mỹ, al-Awlaki đã lên tiếng chỉ trích các phần tử cướp máy bay để thực hiện vụ khủng bố đẫm máu này. Lúc đó tờ "Thời báo New York" còn khoa trương Anwar al-Awlaki là "lãnh tụ Hồi giáo thế hệ mới có thể dung hòa phương Đông và phương Tây".

Tuy nhiên, sau đó Cơ quan tình báo Mỹ phát hiện al-Awlaki có mối quan hệ rất gần gũi với các phần tử không tặc, đặc biệt là có 3 tên từng tham gia hội truyền giáo của al-Awlaki. Theo các cựu quan chức tình báo thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, al-Awlaki là "lãnh tụ tinh thần" của những kẻ không tặc. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra vấn đề này, tuy nhiên do không có đầy đủ chứng cứ vì vậy đã không thể gây khó dễ cho hắn.

...hay vụ khủng bố tại Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 đều có liên quan tới Anwar al-Awlaki.

Cơ quan tình báo Mỹ còn “ấu trĩ” cho rằng al-Awlaki chỉ là đối tượng thuộc "phái lý thuyết" chỉ biết "động khẩu chứ không biết động thủ". Cho đến tháng 11/2009 khi xảy ra sự kiện xả súng bừa bãi ở Fort Hood (Texas), Cơ quan tình báo Mỹ mới tỉnh ngộ: Thiếu tá quân y Nidal Malik Hasan, kẻ đã xả súng giết chết 13 người, đã nhiều lần liên lạc qua thư điện tử với al-Awlaki. Theo các đồng nghiệp của Nidal Malik Hasan, khi nói đến những lời "giáo huấn" của al-Awlaki, đôi mắt của Nidal Malik Hasan đã sáng bừng lên. Sau sự kiện xả súng, al-Awlaki đã nói: "Nidal Malik Hasan là một anh hùng, chiến đấu với quân đội Mỹ là trách nhiệm của một tín đồ Hồi giáo".

Nghi can tấn công khủng bố máy bay dân sự Mỹ ngày Giáng sinh năm 2009, Umar Farouk Abdulmutallab đã từng được tổ chức khủng bố Al Queda huấn luyện và al-Awlaki là một trong những kẻ đã trực tiếp huấn luyện Abdulmutallab. Một năm trước khi xảy ra vụ khủng bố, Abdulmutallab có liên lạc nhiều lần qua thư điện tử với al-Awlaki và mối quan hệ của hai đối tượng này còn mật thiết hơn mối quan hệ giữa Nidal Malik Hasan và al-Awlaki.

Ngày 1/5/2010, tại Quảng trường Thời Đại, New York, xảy ra vụ khủng bố xe hơi. Nghi phạm khủng bố là Faisal Shahzad sau này đã thừa nhận chính hắn nhận được sự "chỉ dẫn" từ trong những bài giáo huấn của al-Awlaki. Faisal Shahzad đã đọc được những lời dạy "thánh chiến" của al-Awlaki được viết bằng tiếng Anh và sau đó y đã suy nghĩ và quyết định hành động.

Theo thống kê, những nghi phạm gây ra hơn 10 vụ khủng bố tại Mỹ, Anh và Canađa những năm gần đây đều nhận được "giáo huấn" của al-Awlaki thông qua hình thức mạng Internet, băng ghi âm và đĩa CD. Sức ảnh hưởng của al-Awlaki đã khiến các nhân viên tình báo Mỹ đau đầu và tức tối. Thậm chí các nhân viên tình báo Mỹ nhận định al-Awlaki có thể là "điệp viên" được mạng lưới al-Qaeda cài vào nước Mỹ trước năm 2001. Hình ảnh ôn hòa và tư tưởng chống bạo lực của al-Awlaki đều là giả tạo.

Ngọc Thúy (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Dấu tích của Anwar al-Awlaki và hành động của Mỹ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN