7 cống hiến đi vào lịch sử của người Mỹ gốc Á

Từ liệu pháp chữa HIV cho trẻ em, phát minh ra YouTube đến thẻ nhớ USB, các nhà phát minh người Mỹ gốc Á đã có những cống hiến lớn lao cho đời sống con người.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ vật lý người Mỹ gốc Trung Quốc Chien-Shiung Wu có đóng góp lớn trong lĩnh vực khoa học hạt nhân. Ảnh: Getty Images

Mặc dù Cơn sốt Vàng đã dẫn đến làn sóng người nhập cư châu Á đầu tiên tới Mỹ vào thập niên 1840, nhưng sự hiện diện của họ tại Mỹ thực ra đã có từ trước sự ra đời của chính đất nước này.

Năm 1763, đối mặt với án tù khổ sai chung thân, một nhóm người Philippines đã nhảy xuống tàu gần New Orleans và thành lập khu định cư Saint Malo, hình thành nên một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Á đầu tiên tại Bắc Mỹ.

Người Mỹ gốc châu Á đã có vô số những đóng góp quan trọng trong suốt lịch sử nước Mỹ, nhưng hầu hết chưa bao giờ được đưa vào sách giáo khoa, từ khoa học hạt nhân, quyền lao động cho đến sự ra đời của YouTube... Dưới đây là những cống hiến quan trọng hàng đầu của cộng đồng này.

Khoa học nguyên tử

Chú thích ảnh
Giáo sư Chien-Shiung Wu (trái), chụp ảnh cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm vào ngày 21/3/1963. Ảnh: Getty Images

Thập niên 1940 và 1950, nhà vật lý người Mỹ gốc Trung Quốc, Tiến sĩ Chien-Shiung Wu (Ngô Kiện Hùng) đã có công lớn trong phát triển lĩnh vực khoa học nguyên tử. Hoạt động của bà bao gồm Dự án Manhattan, bí danh của chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong Thế chiến thứ hai của Mỹ. Cụ thể, bà Wu đã cải tiến công nghệ thời đó, giúp phát hiện bức xạ và làm giàu urani với số lượng lớn.

Sau chiến tranh, nghiên cứu của bà Wu tập trung vào hiện tượng phân rã beta, xảy ra khi hạt nhân của một nguyên tố biến đổi thành một nguyên tố khác. Năm 1956, nhà phân lý lý thuyết Tsung Dao Lee và Chen Ning Yang đã đề nghị bà Wu thực hiện một thí nghiệm có thể chứng minh lý thuyết của họ về phân rã beta. Wu đã làm điều đó nhưng không được nhân giải Nobel năm 1957 cùng với Lee và Yang – một trong nhiều ví dụ cho thấy những công trình của bà đã không được đề cao xứng tầm.

Nhân quyền

Mặc dù hoạt động của mình bị ảnh hưởng bởi 2 năm sống trong trại tập trung thời Thế chiến 2, những nỗ lực nhân quyền của cô gái người Mỹ gốc Nhật Yuri Kochiyama đã mở rộng sang cả đấu tranh cho cộng đồng người da đen, Mỹ latinh và da đỏ.

Sau Thế chiến thứ hai, Kochiyama và chồng cô chuyển đến New York City, nơi họ mở cửa cả tuần đón tiếp các nhà hoạt động nhân quyền. Kochiyama kết bạn và hợp tác với nhà hoạt động nhân quyền Malcolm X vào thập niên 1960, tiếp tục hoạt động vì quyền của người da đen sau cái chết của Malcolm X. 

Sau đó, vào những năm 1980, bà cùng với chồng vận động đòi chính phủ bồi thường và chính thức xin lỗi đối với người Mỹ gốc Nhật bị cách ly trong Thế giới Chiến tranh thứ 2. Công việc của họ đã trở thành hiện thực vào năm 1988, khi Tổng thống Ronald Reagan ký ban hành Đạo luật Tự do Dân sự.

Phát minh ra USB

Chú thích ảnh
Kiến trúc sư trưởng của Intel Ajay Bhatt là nhà đồng phát minh ra USB. Ảnh: Getty Images

Mặc dù kiến trúc sư tin học người Mỹ gốc Ấn Ajay Bhatt đã tham gia vào một loạt công nghệ có liên quan đến máy tính, nhưng cống hiến lớn nhất của ông là phát minh ra chiếc USB.

Xuất hiện từ cuối thập niên 1990, USB đã trở thành một trong những thiết bị truyền dữ liệu phổ biến nhất thế giới. Phát minh này đã đưa tên tuổi Bhatt vào hàng ngũ những người nổi tiếng nhất trong thế giới máy tính.

Sự ra đời của YouTube

Hai sự kiện có ảnh hưởng rộng khắp thế giới nhưng hoàn toàn khác nhau trong năm 2004 - sự cố Janet Jackson lộ ngực tại giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl và thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, đã cho Jawed Karim, một người Mỹ gốc Bangladesh, ý tưởng về một trang web chia sẻ video.

Cùng với Karim, nhóm kỹ thuật đứng sau sự ra đời của YouTube, mạng xã hội chia sẻ video hàng đầu hiện nay, còn có Steven Chen, một người Mỹ gốc Đài Loan/Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Steve Chen, đồng sáng lập YouTube, chụp ảnh tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo châu Á ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/3/2013. Ảnh: Getty Images

Khởi đầu là một cách xem và chia sẻ video vui vẻ về những chú mèo, YouTube ngày nay đã trở thành một nền tảng chia sẻ video rộng lớn thu hút hàng tỷ lượt người xem mỗi ngày.

Điều trị chức năng cho trẻ bị HIV

Suốt 30 năm sự nghiệp, nhà miễn dịch học nhi khoa Katherine Luzuriaga, người Mỹ gốc Philippines, đã có những đóng góp quan trọng cho hiểu biết của chúng ta về tình trạng lây nhiễm virus dai dẳng ở trẻ em. Ngoài việc chẩn đoán sớm nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch (HIV) ở trẻ em, Luzuriaga còn tiến hành nghiên cứu lâm sàng về các liệu pháp điều trị kháng virus (ART) dành riêng cho trẻ.

Năm 2014, Luzuriaga và đồng nghiệp Deborah Persaud là những bác sĩ đứng sau trường hợp em nhỏ nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi về mặt chức năng (nghĩa là đứa trẻ không có dấu hiệu của bệnh hay mức độ virus có thể phát hiện được, kể cả khi không điều trị ART).

Quyền của những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục

Vào năm 2013, Amanda Nguyen, sinh viên Đại học Harvard người Mỹ gốc Việt, đã tìm cách tiếp cận thông tin về quyền của cô với tư cách người sống sót trong một vụ tấn công tình dục và phát hiện ra rằng điều đó gần như là không thể.

Chú thích ảnh
Amanda Nguyen, người Mỹ gốc Việt phát biểu trong sự kiện năm 2019 ở Dana Point, California. Ảnh: Getty Images

Khi nhận ra không có một đạo luật quốc gia nào thiết lập một cách nhất quán những quy tắc, quyền và sự bảo vệ cho các cá nhân từng bị tấn công tình dục, Amanda Nguyen đã tự viết ra những quy tắc đó.

Cuối cùng, Đạo luật về Quyền của Nạn nhân bị tấn công tình dục năm 2016 ra đời đã đưa ra những bảo đảm nhất định, bao gồm quyền được tiếp cận miễn phí bộ thủ tục chứng minh bị cưỡng hiếp, cũng như quyền bảo quản những bằng chứng đó trong 20 năm. 

Amanda Nguyen được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019 và là nhà sáng lập, CEO của Rise, một liên minh đa ngành ủng hộ quyền của người sống sót sau tấn công tình dục, hỗ trợ mọi người trong soạn thảo và đưa ra những dự luật của chính họ.

Quyền của nông dân

Chú thích ảnh
Larry Itliong (giữa) tại San Francisco, năm 1966. Ảnh: Getty Images

Sinh ra tại Philippines, Larry Itliong nhập cư vào Mỹ năm 1920 khi 15 tuổi và bắt đầu cuộc sống của một người làm thuê dọc theo Bờ Tây Mỹ. Từ năm 1930, ông trở thành một nhà tổ chức lao động, và dành nhiều thập kỷ tiếp theo hoạt động lãnh đạo công đoàn, trong đó có việc thành lập Liên hiệp Lao động Nông trại Philippines vào năm 1956. 

Năm 1965, Itliong và một số đồng nghiệp đã tổ chức cuộc đình công của người hái nho ở Delano, để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Khi phong trào lớn mạnh hơn, Hiệp hội Công nhân nông trại từ Delores Huerta và Cesar Chavez đã gia nhập Liên hiệp Lao động Nông trại Philippines. 

Cuối cùng, hai nhóm kết hợp để thành lập Hiệp hội Công nhân Nông nghiệp Thống nhất, và cuộc đình công kết thúc vào năm 1970 - nhưng đã tạo ra những bước tiến lớn cho công nhân nông nghiệp bất kể sắc tộc nào. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)
Cựu binh Mỹ gốc Á vạch vết sẹo ‘yêu nước’ để phản đối nạn kỳ thị
Cựu binh Mỹ gốc Á vạch vết sẹo ‘yêu nước’ để phản đối nạn kỳ thị

Cựu binh người Mỹ gốc Á vạch áo sơ mi để lộ vết sẹo đáng sợ trên ngực và tuyên bố: “Thế này đã đủ yêu nước chưa?”. Đoạn video lan nhanh trên mạng, cổ vũ cho làn sóng phản đối nạn kỳ thị cộng đồng gốc Á tại Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN