Những ngày đầu gian khó
Sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, đời sống của đồng bào khổ cực. Năm 1976, tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội đạt 44,5 triệu đồng; diện tích lúa nước là 8.653 ha, lúa rẫy 50.979 ha, sản lượng 117.708 tấn. Năm 1978, tổng sản phẩm xã hội là 197 triệu đồng; diện tích cà phê 8.768 ha, sản lượng 18.282 tấn tươi...
Đã 45 năm trôi qua, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk (sau giải phóng Buôn Ma Thuột), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk vẫn không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày sau giải phóng: Nhiệm vụ của Ủy ban Quân quản là tiếp quản toàn bộ kinh tế, kỹ thuật, hậu cần, quân sự, xe cộ, kho tàng của ngụy quân, ngụy quyền để lại; khi sử dụng phải có lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận, của Thường vụ Tỉnh ủy, không được để thất thoát.
Đồng thời, Ủy ban Quân quản phải nhanh chóng ổn định tình hình đời sống mọi mặt cho nhân dân trong thị xã, bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân, đặc biệt phải lo việc cứu đói cho dân. Cùng với đó, Ủy ban Quân quản phải phối hợp, cùng với quần chúng nhân dân truy bắt bọn tàn quân, bọn đầu sỏ của ngụy quân, ngụy quyền tan rã cải trang, trà trộn, lẩn trốn trong dân.
“Lúc bấy giờ, nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột đứng trước nhiều khó khăn khi lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Ủy ban Quân quản phải xin lệnh cấp trên phá các kho tàng của địch để giải quyết cho dân; đồng thời mua nợ tại kho lương thực của các nhà tư sản để giải quyết khó khăn trước mắt cho nhân dân”, ông Lê Chí Quyết hồi tưởng.
Trực tiếp đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột, sau khi xuất ngũ tiếp tục gắn bó với cao nguyên Đắk Lắk, trong ký ức của người lính già Hồ Quảng Trị vẫn không quên hình ảnh Đắk Lắk với những con đường đất đỏ, lầy lội. “Những năm mới giải phóng, người dân vẫn phải ăn bo bo, sắn trộn cơm, rừng sâu nước độc, đường xá đi lại rất khó khăn. Tuy khó khăn là thế, nhưng quân và dân, nhất là đồng bào các dân tộc Đắk Lắk vẫn tin tưởng, một lòng theo cách mạng”, cựu chiến binh Hồ Quảng Trị nhớ lại.
Thành tựu đáng tự hào
Đồng chí Từ Thái Giang, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột cho biết: Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng bắt tay vào công cuộc tái thiết và đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Từ một đô thị bị chiến tranh tàn phá, kinh tế nghèo nàn, đời sống nhân dân khó khăn. Sau 45 năm được sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã không ngừng vượt qua khó khăn để xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được Chính phủ nâng cấp từ thị xã trở thành thành phố.
Sau 10 năm xây dựng, phát triển, đến năm 2005 Buôn Ma Thuột đã được công nhận là Đô thị loại II và 5 năm sau, vào ngày 8/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 288/QĐ-TTg công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là Đô thị loại I. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt thành phố trở nên khang trang. Thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang ra sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Không chỉ “thay da đổi thịt” ở thành phố Buôn Ma Thuột, khắp các vùng đất của cao nguyên Đắk Lắk cũng đổi thay rõ rệt, đặc biệt tại các vùng căn cứ cách mạng. Xã Đắk Phơi, huyện Lắk, là nơi nuôi giấu cán bộ, cung cấp sức người, sức của phục vụ kháng chiến nên luôn bị bom đạn của kẻ thù tàn phá.
Trong trí nhớ của già làng Y’Krai Cil, những năm sau giải phóng người dân trong xã bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Nhà nước với các chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào đã hỗ trợ bà con từ nhà ở, con lợn, cây cà phê... để ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Đặc biệt, các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân xã Đắk Phơi từng bước thoát nghèo, kinh tế dần ổn định và buôn làng thay đổi.
Phó Chủ tịch UBND xã Y’Krang Liêng Hot cho biết, xã Đắk Phơi hôm nay đường liên thôn, liên xã được trải bê tông thẳng tắp. Trạm y tế, trường học, điện đường, công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố, tất cả 11 thôn, buôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà nội lực trong dân cũng mạnh hơn với các loại hình kinh doanh dịch vụ, vừa trồng cây ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, vừa kết hợp chăn nuôi tạo hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk cùng với nhân dân cả nước đang tích cực thi đua yêu nước, tiếp tục làm cho diện mạo quê hương thay đổi với những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, đường không khá thuận lợi, với sân bay Buôn Ma Thuột và hệ thống các đường Quốc lộ 14, 26, 27, 28 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và cả nước.
Hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 98% thôn, buôn có điện; 233 dự án, công trình được đầu tư xây dựng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 49 triệu đồng/người (tăng 8 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo còn 9,35%, giảm 3,46% so với cuối năm 2018. Từ tỉnh thiếu lương thực, đến nay Đắk Lắk đã sản xuất được hơn 1,2 triệu tấn lương thực, bình quân đầu người đạt khoảng 659 kg/người; diện tích và sản lượng cà phê đứng đầu cả nước, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng thế giới.
Công tác củng cố hệ thống chính trị các cấp luôn được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên; phương thức lãnh đạo từng bước được đổi mới, trở thành nhân tố quyết định của mọi thắng lợi. Năm 1975, Đảng bộ tỉnh chỉ có 216 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.400 đảng viên, đến nay có 20 đảng bộ trực thuộc với 783 tổ chức cơ sở đảng, tổng số 80.214 đảng viên. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và kiện toàn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, gắn liền với lợi ích của nhân dân, tạo được các phong trào hành động cách mạng thiết thực.
Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, với kinh tế nông nghiệp thô sơ, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đó chính là nền tảng cho những kế hoạch tiếp theo đưa Đắk Lắk tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bài cuối: Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên