Ý đồ của Trung Quốc khi công khai máy bay chiến đấu J-20

Tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2016, màn trình diễn trên không của máy bay chiến đấu J-20 gây được sự chú ý nhiều nhất, trở thành mục tiêu quan tâm đặc biệt của giới quân sự Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh và cả Đài Loan.

Tờ “Thương báo” của Hong Kong mới đây có đăng bài phân tích về ý đồ của Trung Quốc khi công khai máy bay chiến đấu “Tiêm-20” (J-20) do nước này tự nghiên cứu chế tạo.

Hai chiếc J-20 bay trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Trung Quốc ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông hôm 1/11/2016. Ảnh: AP

Tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2016 hồi đầu tháng 11 này, màn trình diễn trên không của máy bay chiến đấu J-20 gây được sự chú ý nhiều nhất. Mặc dù hai chiếc máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc sản xuất chỉ vút qua tầm mắt khán giả từ xa, nhưng lại trở thành mục tiêu quan tâm đặc biệt của giới quân sự Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh và cả Đài Loan. Triển lãm này được tổ chức tại căn cứ không quân Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sự kiện này được tổ chức hai năm một lần. Đây là dịp để Trung Quốc giới thiệu những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực hàng không quân sự.

Là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-20 (Nga gọi là thế hệ thứ năm) là câu chuyện ai cũng có thể hiểu được. Mặc dù được cho là vẫn cần phải nâng cấp và cải tiến các kỹ thuật liên quan, song hình ảnh máy bay chiến đấu J-20 xuất hiện trên bầu trời đã vượt xa dự đoán của một số nước và khu vực. Màn ra mắt này giống như một tấm gương, phản ánh tâm lý đa chiều của thế giới.

Trong ngày Trung Quốc ra mắt J-20 ở Chu Hải, Công ty Boeing của Mỹ đã công bố phiên bản mới nhất của loạt máy bay thế hệ thứ sáu. "Sự trùng hợp” này khiến người ta nghĩ ngay đến một cuộc cạnh tranh gay gắt. Hình thức bề ngoài của dàn máy bay thế hệ thứ sáu này có nhiều chi tiết rất giống với J-20.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein cho rằng J-20 của Trung Quốc không thể so sánh với F-22 và F-35 của Mỹ mà giống với F-117A của Mỹ hơn (F-117A được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1980, đến nay đã được Không quân Mỹ thay thế bằng loại máy bay chiến đấu khác). Trên thực tế, F-117A về hình dáng bên ngoài, khí động học và khả năng tàng hình của loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này đều không có gì liên quan đến J-20.

Trang mạng “Báo nước Nga” cho rằng từ các bức ảnh cho thấy thiết kế của J-20 sao chép mô hình máy bay chiến đấu MiG 1.44 mà Nga chưa hoàn thành thử nghiệm. MiG 1.44 vốn là một loại máy bay chiến đấu được Cơ quan thiết kế quân sự Mikoyan của Nga nghiên cứu chế tạo vào những năm 1990. Sau khi so sánh, người Nga vẫn không quên "khoe khoang" J-20 có khả năng sử dụng động cơ AL-31FN do Nga nghiên cứu chế tạo.

Độ dài của J-20 (dài 67 feet) so với F-22 (62 feet) của Mỹ.

Trong một bài báo trên kênh CNN của Mỹ, chuyên gia quân sự Anh Justin Bronk cho biết khả năng tàng hình của J-20 dường như ngay từ đầu đã thua F-22 và F-35. Một khi máy bay Trung Quốc đụng độ máy bay F-22 hay F-35, về căn bản còn chưa kịp phát hiện hình ảnh máy bay Mỹ, máy bay Trung Quốc đã có thể bị bắn hạ. Mặc dù vậy, Justin Bronk cũng cho rằng sự hiện diện của J-20 sẽ đe dọa nghiêm trọng đến các căn cứ không quân, tàu sân bay, Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AWACS) cũng như các tàu chở dầu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Trong dịp Trung Quốc ra mắt J-20, Nhật Bản cũng đang tổ chức Lễ hội hàng không nội địa tại Gifu. Ngoài việc trình diện các loại máy bay đời cũ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản như máy bay huấn luyện T-4, máy bay chiến đấu F-2, chỉ có máy bay vận tải quân sự C-2 là một điểm sáng. Do chỉ là Lễ hội hàng không, phía Nhật Bản đã không trình diễn loại máy bay tàng hình X-2 Shinshin do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng chính những bình luận trên đã chứng tỏ màn ra mắt của máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Bất chấp phản ứng của các cường quốc không quân hiện đại như thế nào, thông qua việc phát triển mạnh mẽ công nghệ hàng không như sản xuất máy bay tiêm kích J-20, siêu tên lửa Trường Chinh-05, Trung Quốc đang cho thế giới thấy quyết tâm xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ lãnh thổ của họ là không thay đổi. Trước bối cảnh cục diện quốc tế thay đổi "chóng mặt", việc ra mắt kịp thời máy bay J-20 có thể nói là màn trình diễn phô trương sức mạnh của lực lượng Không quân Trung Quốc.

TTK
Boeing, Airbus "đấu khẩu" tại triển lãm hàng không Chu Hải
Boeing, Airbus "đấu khẩu" tại triển lãm hàng không Chu Hải

Để giành lợi thế ở thị trường Trung Quốc, cả Boeing và Airbus đều đã có những lời chỉ trích gay gắt lẫn nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN