Từ cách đây gần hai năm, truyền thông Triều Tiên đã râm ran về kế hoạch ngụy trang mới cho một trong số những máy bay quân sự quan trọng nhất của nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng từng có lần xuất hiện trên truyền hình khi đang điều khiển loại phi cơ này. Đó chính là máy bay hai tầng cánh Antonov An-2 của Liên Xô cũ, kiểu dáng thiết kế lạc hậu và vận hành chậm chạp.
Máy bay An-2 của Triều Tiên. |
Theo BBC, những chiếc An-2 của Triều Tiên sẽ được sử dụng để bay ở tầm thấp và bay chậm trên khu vực biên giới hai miền để thả lính đặc công sang đất Hàn Quốc. Điều quan trọng ở đây là máy bay phải bay thật chậm để không bị radar phát hiện.
Chính thiết kế hai tầng cánh đã giúp An-2 bay ổn định, cất và hạ cánh ở khoảng cách ngắn. Tuy nhiên, loại cánh này đã làm vận tốc của máy bay chậm đi đáng kể. Phi công có thể điều khiển máy bay ở vận tốc tối thiểu là 40km/h, còn chậm hơn vận tốc bình thường của một chiếc xe máy chạy trên đường phố.
Mẫu máy bay luôn được Triều Tiên tự hào này hiện được sơn hai màu xanh lá ở phần trên và xanh da trời ở phần bụng nhằm gây khó quan sát kể cả từ dưới mặt đất hay trên không.
Tuy nhiên, tại sao Bình Nhưỡng ngày nay vẫn còn thịnh tình đem mẫu phi cơ cũ kỹ từ thập niên 1940 ra làm nhiệm vụ quan trọng?
Máy bay Antonov An-2 lần đầu cất cánh năm 1947 với thiết kế âm thanh tuyệt vời. Hàng ngàn chiếc An-2 đã được xuất khẩu khắp thế giới, thậm chí nhiều chiếc vẫn còn phục vụ sau gần 70 năm sản xuất.
Chiếc phi cơ này còn có một tính năng vô cùng đặc biệt – bên cạnh việc cất và hạ cánh ở khoảng cách ngắn – về mặt vật lý là không thể nhưng thực tế thì An-2 lại có thể, về cơ bản, là bay giật lùi.
Nhà thiết kế Oleg Antonov đã tạo ra mẫu An-2 với động cơ đơn, đủ rộng để chở 12 người hoặc một tấn hàng hóa. An-2 có thể cất cánh trên đường băng gồ ghề, đường bụi bặm, đất trống ở giữa rừng.
Nếu gió mạnh, máy bay có thể “lơ lửng” trên không. Còn trong trường hợp gió thổi ngược, máy bay có thể di chuyển giật lùi trong khi vẫn hoàn toàn được kiểm soát.
Ông Bernie Leighton, một chuyên gia hàng không từng lái một chiếc An-2 ở Belarus cho biết: “Lý do khiến An-2 vẫn còn bay lượn là bởi thực sự không có chiếc máy bay nào khác giống như nó”. Ông giải thích: “Nếu bạn cần một chiếc máy bay có thể chở 10 binh sĩ, người và dê, lại có thể cất cánh từ bất cứ đâu và hạ cánh ở bất cứ nơi nào – chỉ có thể là An-2 hoặc trực thăng”.