Thương vụ chiến đấu cơ tàng hình của Pakistan-Trung Quốc và áp lực với Ấn Độ

Các nhà phân tích cho biết nỗ lực của Pakistan mua máy bay chiến đấu tàng hình từ Trung Quốc có thể buộc Ấn Độ phải tăng tốc hiện đại hóa lực lượng không quân bằng cách mua máy bay F-35 của Mỹ để tránh mất ưu thế chiến thuật trên không dọc biên giới.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Pakistan (PAF), Thống chế Không quân Zaheer Ahmed Baber hôm 2/1 cho biết đã có những bước tiến vững chắc trong việc mua máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 Gyrfalcon thế hệ thứ năm của Trung Quốc trong “tương lai gần”.

Ông không nêu rõ PAF sẽ mua bao nhiêu máy bay phản lực Trung Quốc và mua khi nào, nhưng một số nhà quan sát suy đoán rằng có tới 36 máy bay có thể được giao trong tương lai.

Ông Harsh V. Pant, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Ấn Độ của King's College London cho biết, thỏa thuận này sẽ tiếp tục gây áp lực lên Ấn Độ trong việc tiến tới mua F-35, ngay cả khi nước này đẩy nhanh chương trình máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến để phát triển và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình vào năm 2032.

FC-31 Gyrfalcon còn được gọi là J-31 hoặc J-35 vì nó vẫn chưa được Bắc Kinh đặt tên chính thức. Các nguyên mẫu của Gyrfalcon vẫn đang được Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương phát triển, nhưng nhiều người cho rằng nó sẽ được hải quân Trung Quốc đưa vào sử dụng trong vòng 5 năm tới với biệt danh J-35 để triển khai trên hạm đội tàu sân bay đang ngày càng phát triển của nước này.

Ấn Độ từng hai lần xung đột vũ trang với Trung Quốc và 4 lần với Pakistan trên hơn 6.800 km đường biên giới tranh chấp giữa hai nước, ngoài ra còn có hàng chục vụ đụng độ nhỏ khác xảy ra kể từ khi quốc gia Nam Á giành được độc lập vào năm 1947.

Cả ba nước đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng gờm, có khả năng biến Nam Á trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh thế giới trong tương lai.

Ông Frank O'Donnell, cố vấn cấp cao của Mạng lưới lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương về không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân - có trụ sở tại Seoul cho biết, việc Pakistan trang bị máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, loại máy bay mà Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) hiện tại không có, sẽ mang lại cho nước này một lợi thế chiến thuật nhất định, nổi bật nhất là trong không chiến.

Mối quan hệ quân sự chặt chẽ của Pakistan với Trung Quốc có nghĩa là nước này có thể được mua và đưa vào sử dụng các máy bay tiên tiến với tốc độ nhanh hơn.

Để theo kịp các nước láng giềng không thân thiện, O'Donnell cho biết Ấn Độ cần vượt qua những thách thức lâu dài đối mặt với sức mạnh không quân đang suy giảm và liên tục trì hoãn việc mua máy bay chiến đấu trong và ngoài nước.

Ông O'Donnell, người cũng là thành viên không thường trú của chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, cho biết, mặc dù Ấn Độ đã nhận được 36 máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 Rafale từ Dassault Aviation của Pháp trong hai năm qua, quá trình hiện đại hóa của IAF đã “không theo kịp tốc độ già hóa của phi đội hiện tại”

Chú thích ảnh
Máy bay Rafale của Không quân Ấn Độ. Ảnh: BBC

Ấn Độ dự kiến sẽ sớm công bố mua thêm 26 máy bay Rafale để triển khai trên tàu sân bay của nước này.

Ông O'Donnell cho biết: “Tiến bộ trên mặt trận này sẽ đòi hỏi Ấn Độ phải có cam kết chính trị” nhằm hợp lý hóa quy trình mua sắm quốc phòng và loại bỏ các rào cản quan liêu mà “cho đến nay vẫn chưa đủ rõ ràng”.

Việc bổ sung số lượng máy bay chiến đấu của Ấn Độ được coi là cần thiết để chống lại các mối đe dọa kép do Trung Quốc và đồng minh thân cận Pakistan gây ra sẽ cần đến khoảng 200 máy bay, tuy nhiên số lượng này chỉ có thể đạt được một nửa vào giữa năm 2030.

​Pakistan đáp trả việc Ấn Độ mua lại Rafale bằng cách đặt mua 25 chiếc Chengdu J-10C “Vigorous Dragon” vào năm 2022, lô cuối cùng được chính thức giới thiệu tại buổi lễ ngày 2 /1 có Giám đốc PAF Baber tham dự.

Chú thích ảnh
Một máy bay chiến đấu J-10C của Pakistan. Ảnh: The Meghalayan

Trong khi động lực chính của Pakistan trong việc mua các máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc là để phòng thủ trước lực lượng quân đội lớn của Ấn Độ.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc coi đây là cơ hội để chống lại mối quan hệ đối tác chính trị và quốc phòng ngày càng bền chặt của Ấn Độ với Mỹ.

Ông Hyder của Viện Pakistan-Trung Quốc cho biết: “Ấn Độ đã được hỗ trợ tài chính và quân sự để trở thành đối trọng với Trung Quốc ở châu Á, kể từ khi nước này rời bỏ chính sách đối ngoại không liên kết truyền thống của mình. Chúng tôi thấy rằng mối liên kết của Trung Quốc và Pakistan nhằm bảo vệ lợi ích an ninh và chủ quyền của họ cũng như chống lại quyền bá chủ của Ấn Độ ngày càng trở nên rõ ràng hơn”.

Tuy nhiên, Ấn Độ tỏ ra không quá lo lắng trước việc Pakistan sắp mua máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc, bởi vì FC-31 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Các chuyên gia cũng cho rằng Pakistan không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc để thay thế phi đội 75 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã cũ vì nước này “nhận ra rằng mối quan hệ lâu dài với Mỹ là một thách thức”.

Pakistan và Trung Quốc cho đến nay đã cùng sản xuất khoảng 150 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 “Thunder” cho PAF để thay thế máy bay Mirage cũ của Pháp. Pakistan cũng đã mua tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type-054 và tàu ngầm điện-diesel Type-041 của Trung Quốc, loại tàu ngầm được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một phần của lực lượng hạt nhân hải quân của Pakistan trong tương lai.

Nhật Linh/ Báo Tin Tức (Theo SMCP)
Hải quân Ấn Độ triển khai hơn 10 tàu chiến ra biển Arab
Hải quân Ấn Độ triển khai hơn 10 tàu chiến ra biển Arab

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Hải quân Ấn Độ đã triển khai hơn 10 tàu chiến nhằm tăng cường hiện diện hàng hải trong khu vực, bắt đầu từ phía Bắc và phía Trung Biển Arab đến Vịnh Aden để ngăn chặn mọi âm mưu cướp biển và tấn công bằng máy bay không người lái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN