Lính đặc nhiệm Pháp tuần tra vùng ngoại ô thủ đô Paris. Ảnh: AFP |
Bước đi này được cho là có thể gây nguy hiểm cho lực lượng Pháp đang hoạt động tại Syria.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik tại Pháp, tướng về hưu Dominique Trinquand, từng làm cố vấn quốc phòng cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông còn là ứng viên tranh cử năm ngoái, cho rằng quyết định công bố các thông tin nhạy cảm của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được đối với một quốc gia đang đối đầu chung một kẻ thù IS”.
Vị quan chức trên nhấn mạnh binh lính người Kurd là một trong những lực lượng đầu tiên tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là người đến sau.
“Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trong quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt chính trị trong nước, Tổng thống Erdogan luôn là người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo, trong khi Anh em Hồi giáo lại ở thế thù địch với người Kurd, với Tổng thống Bashar al-Assad và thậm chí là với Pháp ngay từ đầu”, tướng Trinquand nhận định.
Ông còn nêu rõ: Mặc dù Tổng thống Macron tuyên bố quan điểm ủng hộ lực lượng người Kurd, song Pháp sẽ không triển khai hoạt động quân sự mới. Trong bất kỳ trường hợp nào, các đơn vị đang hoạt động tại Syria đều thuộc lực lượng đặc biệt, và vị trí cũng như nhiệm vụ của họ không bao giờ được phép tiết lộ.
Trong một tuyên bố chính thức với báo giới ngay sau cuộc gặp với các đại diện thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cuối tháng trước, Tổng thống Macron bảo đảm binh sĩ Pháp tới Syria nhằm ổn định an ninh khu vực phía đông bắc quốc gia này. Ngay lập tức, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ công bố chi tiết vị trí 5 căn cứ quân sự được cho là có binh sĩ Pháp đóng quân.
Trích “nguồn tin địa phương đáng tin cậy”, hãng thông tấn Anadolu đưa tin có 70 lính đặc nhiệm, cùng 30 lính nhảy dù Pháp đã được điều động tới bắc Syria.
Ngày 31/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông rất “phiền lòng” trước quyết định của Pháp ủng hộ các quân nhân người Kurd ở Syria. Thậm chí Phó Thủ tướng nước này Bekir Bozdag còn lớn tiếng đe dọa “bất kỳ quốc gia nào hợp tác và thể hiện tình đoàn kết với các tổ chức khủng bố nhằm chống đối Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli gọi việc triển khai quân Pháp tới Syria là hành động “xâm lược”.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi SDF, lực lượng do người Kurd chiếm đa số, là chức khủng bố và đã xúc tiến một chiến dịch quân sự có tên gọi “Nhành Ô liu” phía tây bắc Syria từ tháng 1 năm nay. Pháp cam kết động thái điều quân của mình chỉ giới hạn phục vụ mục đích tiêu diệt IS.