Trong nhiều thập kỷ, Nga không chỉ bán vũ khí mà còn thiết lập các cơ sở quân sự trên khắp thế giới để sản xuất vũ khí công nghệ cao cho khách hàng của mình. Nước này cũng bán giấy phép kèm toàn bộ tài liệu kỹ thuật của thiết bị quân sự, cho phép đối tác nước ngoài có khả năng tự sản xuất vũ khí Nga.
Dưới đây là những đối tác sản xuất vũ khí Nga:
Ấn Độ
Vào giữa những năm 1960, Ấn Độ trở thành khách hàng vũ khí chính của Nga. Theo SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm), kể từ đó, 1/3 xuất khẩu quân sự của Moskva đã được chuyển đến New Delhi, mang về nguồn thu 65 tỷ USD cho ngân sách Nga.
“Bên cạnh việc giao vũ khí sản xuất sẵn, Moskva cũng bán giấy phép với đầy đủ tài liệu kỹ thuật để mở quy mô sản xuất vũ khí đầy đủ tại quốc gia đối tác. Chuyện này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng những thỏa thuận như vậy thường là một phần của các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa các quốc gia. Điều tương tự cũng xảy ra với Ấn Độ”, ông Ivan Konovalov, Giám đốc Phát triển của Quỹ Thúc đẩy Công nghệ Thế kỷ 21, cho biết.
Theo ông Konovalov, một trong những giấy phép như vậy đã được bán cho tập đoàn Ấn Độ, Hindustan Aeronautics Limited (HAL). Công ty này đã sản xuất hơn 200 máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKI kể từ năm 2000.
Cụ thể, HAL không chỉ lắp ráp máy bay chiến đấu từ các bộ phận đã được chuyển giao từ Nga trước đây, mà họ còn đảm nhiệm sản xuất toàn bộ máy bay chiến đấu Su-30MKI. Trong thương vụ này với HAL, Nga trở thành nhà cung cấp nhôm và titan để sản xuất máy bay.
Chuyên gia Konovalov lưu ý, Ấn Độ vẫn là khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga. “Ấn Độ cố gắng tham gia một số hợp đồng về thiết lập các cơ sở sản xuất vũ khí, hoặc ít nhất là phụ tùng thay thế, cho các thiết bị quân sự mà họ mua từ chúng tôi. Ví dụ: chúng tôi có một số nhà máy dọc theo bờ biển Ấn Độ để sản xuất phụ tùng thay thế cho tàu thủy và tàu ngầm mà chúng tôi đã bán cho Ấn Độ trong suốt nhiều năm”, ông Konovalov cho biết thêm.
Sắp tới, Kalashnikov Concern cũng sẽ mở một cơ sở ở Ấn Độ để sản xuất súng trường AK-203 cho quân đội địa phương. Đây là một hợp đồng trị giá nhiều triệu USD nữa giữa hai quốc gia, vì theo đó Ấn Độ có nghĩa vụ sản xuất không dưới 670.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 trị giá 960 USD/chiếc.
Trung Quốc
Nga và Trung Quốc có mối quan hệ quân sự lâu dài nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong suốt nhiều năm, Moskva đã bán giấy phép sản xuất vũ khí ở Trung Quốc.
“Thời Liên Xô, chúng tôi đã mở một cơ sở sản xuất AK-47 nhượng quyền ở Trung Quốc. Các đối tác của chúng tôi đã thực hiện một số sửa đổi với khẩu súng trường này và nó được đặt tên là ‘Type-56’. Nhưng những khẩu AK nổi tiếng thế giới đã trở thành những bản sao chất lượng kém với vô số trục trặc. Moskva không thích điều đó và ngừng gia hạn giấy phép với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy các bản sao của AK-47 trên thị trường vũ khí được sản xuất bất hợp pháp tại Trung Quốc”, ông Konovalov nói.
Trở lại những năm 1990, Liên Xô cũng đã lập một cơ sở quân sự ở Trung Quốc để sản xuất máy bay chiến đấu Su-27.
“Tuy nhiên, sau vài năm, thỏa thuận với Trung Quốc đã đổ vỡ và nhà máy từng chế tạo 200 máy bay phản lực cho quân đội Trung Quốc, chỉ sản xuất được 100 chiếc”, chuyên gia Konovalov nhớ lại.
Trung Quốc cũng đã mua giấy phép chế tạo xe bọc thép BMP-3 của Nga và tạo ra cỗ máy của riêng họ dựa trên nền tảng chiếc ZBD-04A. “Đúng vậy, nền tảng của Trung Quốc có một số kỹ thuật được áp dụng từ BMP-3 của Nga mà chúng tôi đã bán chúng và mở một cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Trung Quốc. Thỏa thuận đã đổ vỡ khi Trung Quốc nhận được lô hàng đầu tiên để thử nghiệm”, ông Konovalov cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có những ví dụ điển hình về quan hệ hợp tác sản xuất quân sự hiệu quả. Năm 2005, Trung Quốc đã đặt hàng và mua (trong khuôn khổ sản xuất nhượng quyền) 8 khẩu pháo 76 ly AK-176 đặt trên tàu, tuy nhiên, quá trình giao hàng vẫn đang được thực hiện. Theo SIPRI, tại Trung Quốc, hệ thống này được ký hiệu là “H / PJ-26” và đang được lắp đặt từng chiếc một trên các boong tàu đổ bộ Type-071.
Theo hợp đồng năm 2011, Nga cũng sản xuất động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu J-15 hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc.
“Tất cả các nhà máy được thiết lập ở nước ngoài đều thuộc về quốc gia sở tại. Tuy nhiên, Nga có quyền phủ quyết các hợp đồng vũ khí tiềm năng với bên thứ ba về việc cung cấp vũ khí được sản xuất tại các nhà máy này. Chúng tôi có quyền phá các hợp đồng vũ khí với bên thứ ba, nếu Nga cảm thấy rằng các hệ thống vũ khí này sẽ rơi vào tay những kẻ khủng bố. Nếu không, nước đó có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn và bán vũ khí cho bất cứ ai họ muốn”, ông Konovalov tuyên bố.
Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất
Đầu năm 2010, nhà sản xuất vũ khí Nga Lobaev Arms được mời tham gia sản xuất súng bắn tỉa quy mô lớn tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)
Hợp đồng trị giá hàng triệu USD giữa một công ty vũ khí tư nhân và UAE bao gồm sản xuất 200 khẩu súng trường bắn tỉa cho các đơn vị đặc nhiệm địa phương và bán giấy phép vũ khí để sản xuất súng bắn tỉa bản sửa đổi cho khu vực Bán đảo Arab.
“Ngày nay, công ty được gọi là Tavazun. Lúc đầu, họ chuyên sản xuất súng trường bắn tỉa của Nga có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 600 và 1.800 mét. Sau nhiều năm, các chủ sở hữu đã mời các kỹ sư châu Âu từ SIG Sauer để mở rộng kinh doanh và bắt đầu sản xuất súng trường tấn công”, ông Yuri Sinichkin, kỹ sư trưởng tại tập đoàn Lobaev Arms, cho biết.
Theo ông Sinichkin, Tavazun sản xuất các phiên bản sửa đổi súng trường bắn tỉa DVL-10 của Nga dành cho các hoạt động ở đô thị. Loại vũ khí này được gọi là CSR-308 và khác với vũ khí của Nga ở tính năng chống cát mạnh hơn.