Lý do Nga vượt xa Mỹ và NATO về sản xuất đạn pháo

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, năng lực sản xuất vũ khí của Nga đang vượt trội so với Mỹ và các đồng minh NATO, dù có ngân sách và quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Pháo binh Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Sputnik

Theo nhà bình luận kỳ cựu người Mỹ Mike Fredenburg chuyên về chính sách quốc phòng và chính trị mới đây, trong một tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William A. LaPlante phụ trách mua sắm và bảo trì, cho biết: “Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các ngành công nghiệp quốc phòng không còn thực hiện nhiều công việc sản xuất cho Bộ Quốc phòng Mỹ". Phát biểu này phản ánh đúng thực tế không mấy ấn tượng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ/NATO trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Fredenburg cho rằng hiện tại, Nga đang sản xuất nhiều đạn dược, tên lửa và xe tăng hơn tất cả NATO cộng lại, dù ngân sách quốc phòng của Nga chỉ khoảng 100 tỷ USD năm 2023 và GDP chỉ 2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng kết hợp của Mỹ/NATO lên đến 1,47 nghìn tỷ USD và GDP kết hợp xấp xỉ 45 nghìn tỷ USD. 

Như vậy, có một sự khác biệt lớn về tư duy chiến lược giữa Nga và Mỹ/NATO. Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO theo đuổi một cuộc chiến mà họ muốn giành chiến thắng, Nga lại tin rằng họ đang tham gia vào một cuộc chiến sinh tồn mà họ buộc phải thắng.

Do đó, đối với Nga, việc sản xuất vũ khí không chỉ là một hoạt động kinh doanh mà còn là một nhiệm vụ sống còn. Nga đã tận dụng tối đa các nhà máy thời Liên Xô, hoạt động liên tục 24/7 để sản xuất đạn dược, phương tiện và vũ khí quân sự. Điều này giúp Nga sản xuất vũ khí với tốc độ và quy mô vượt trội hơn so với các quốc gia phương Tây.

Trong khi đó, tại Mỹ và các nước NATO, lợi nhuận và doanh thu vẫn là mối quan tâm chính của các nhà thầu quốc phòng. Các dự án quốc phòng lớn như máy bay chiến đấu F-35, tàu sân bay lớp Ford, và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sentinel vẫn chậm tiến độ và vượt ngân sách hàng tỷ USD so với kế hoạch ban đầu. Ngay cả các chương trình sản xuất đạn dược đơn giản như đạn pháo 155mm cũng bị chậm tiến độ và tốn kém.

Cho đến năm 2022, Quân đội Mỹ không còn coi pháo là yếu tố trung tâm trên chiến trường, minh chứng là việc cắt giảm một nửa chi tiêu hàng năm cho đạn 155mm vào tháng 5/2021, chỉ sản xuất khoảng 6.200 quả đạn pháo mỗi tháng. Hậu quả là chuỗi cung ứng đạn pháo của Mỹ đã suy giảm nghiêm trọng, một phần do lỗi sản xuất và các vấn đề về an toàn kéo dài hàng năm. Kế hoạch thay thế cơ sở sản xuất đạn pháo lỗi thời tại Virginia cũng đã chậm trễ một thập kỷ và tăng gấp đôi chi phí.

Một vấn đề khác là sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung từ nước ngoài. Theo một tài liệu nội bộ của Quân đội Mỹ, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ để nhập khẩu ít nhất một chục loại hóa chất quan trọng dùng trong sản xuất đạn pháo. Đây là một điểm yếu rõ rệt khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga.

Trong khi Mỹ và các đồng minh NATO đang cố gắng khôi phục chuỗi cung ứng đạn pháo, kế hoạch sản xuất 100.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025 vẫn còn khá xa vời. Đến thời điểm đó, Ukraine có thể đã thất thế trong cuộc chiến. Mặt khác, Nga đã tăng tổng sản lượng đạn pháo hàng năm lên 3 triệu quả từ khi bắt đầu xung đột, bao gồm việc tăng gấp 5 lần sản lượng đạn pháo 152mm và gấp 20 lần sản lượng đạn pháo dẫn đường chính xác Krasnopol-M2 152mm.

Ngoài ra, Nga cũng sản xuất pháo với tốc độ đáng kể hơn, nhờ vào khả năng vận hành các nhà máy sản xuất lớn liên tục để chế tạo ống pháo mới. Điều này giúp Nga duy trì ưu thế trong cuộc chiến khi pháo binh của Ukraine bị hao mòn và mất tính chính xác.

Một điều rõ ràng là nếu Mỹ và NATO thực sự cảm thấy bị đe dọa sinh tồn, họ có thể chi hàng tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp này đòi hỏi phải phá vỡ nguyên trạng hiện tại - điều mà cả Mỹ và các đồng minh NATO dường như không sẵn sàng làm. Họ tin rằng sự tồn tại của "nền dân chủ phương Tây" không phụ thuộc vào kết quả cuộc chiến ở Ukraine.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo responsiblestatecraft.org)
Quan hệ Nga - Iran đang bị căng thẳng bởi các cuộc xung đột song song
Quan hệ Nga - Iran đang bị căng thẳng bởi các cuộc xung đột song song

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã trở nên gần gũi hơn, chủ yếu do sự đối địch chung với Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang tạo ra những thách thức mới, đẩy quan hệ giữa hai quốc gia này vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN