Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận đa quốc gia DEFENDER-Europe 22 tại Nowogrod, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
"Vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Cam kết của Mỹ đối với NATO rất mạnh mẽ, nhưng Mỹ mong đợi các đồng minh châu Âu sẽ đóng vai trò dẫn đắt trong phòng thủ thông thường của châu Âu", phía Lầu Năm Góc cho biết.
Thông báo trên của Văn phòng Lầu Năm Góc đồng nghĩa với việc lực lượng quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đồn trú ở Ba Lan, Romania và các quốc gia vùng Baltic như một phần trong động thái răn đe và trấn an của NATO.
Những thông tin được đưa ra sau khi kênh NBC News đăng tải bài viết cho biết các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đang cân nhắc cắt giảm tới một nửa trong số 20.000 quân được gửi tới Đông Âu. Đây chính là lực lượng mà chính quyền Biden đã điều động đến khu vực này vào năm 2022 nhằm tăng cường phòng thủ cho các quốc gia giáp biên với Ukraine sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Theo đó, sáu quan chức giấu tên của Mỹ và châu Âu đã tiết lộ với NBC News rằng nhiều chi tiết về đề xuất này chưa từng được công bố trước đây. Một quan chức châu Âu nhận định nếu Lầu Năm Góc chấp thuận đề xuất trên sẽ làm dấy lên những lo ngại về việc Mỹ đang quay lưng với các đồng minh lâu năm ở khu vực.
Theo NBC News, chính quyền Tổng thống Trump từ lâu đã tuyên bố rằng các đồng minh châu Âu cần phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về vấn đề quốc phòng. Điều này sẽ giúp Mỹ có điều kiện tập trung nguồn lực hướng vào các mục tiêu như Trung Quốc cũng như các ưu tiên khác.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2, ông Pete Hegseth đã phát biểu tại Brussels rằng “những thực tế chiến lược rõ ràng không cho phép Mỹ tiếp tục đặt trọng tâm vào an ninh của châu Âu”. Ông nhấn mạnh rằng thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào việc bảo vệ biên giới phía Nam và ứng phó với Trung Quốc.
Khi Lầu Năm Góc thực hiện cắt giảm ngân sách dưới thời Tổng thống Trump, việc thu hẹp sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu được nhận định sẽ giúp giải phóng nguồn lực quan trọng. Nguồn lực này có thể được dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi các quan chức chính quyền xem là ưu tiên chiến lược cao hơn. Việc hủy bỏ kế hoạch triển khai các đơn vị chiến đấu tới Đông Âu cũng có thể giúp Lục quân Mỹ tiết kiệm ngân sách, trong bối cảnh họ đang tìm cách đầu tư mạnh hơn vào các thiết bị và vũ khí hiện đại hơn.
Hiện Mỹ có khoảng 80.000 binh sĩ đang đồn trú tại châu Âu. Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đều ủng hộ việc duy trì một lực lượng Mỹ đủ lớn dọc theo sườn phía Đông của NATO, coi đó là tín hiệu quan trọng gửi tới Tổng thống Putin rằng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ các quốc gia biên giới.
Trong một động thái liên quan, vào ngày 8/4, Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi thông báo về việc di dời nhân sự và thiết bị của Mỹ khỏi Sân bay Rzeszow-Jasionka của Ba Lan, một trung tâm hậu cần quan trọng cho viện trợ quân sự cho Ukraine.
Việc tái bố trí này, vốn đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, sẽ chuyển lực lượng và khí tài quân sự đến các địa điểm khác trong lãnh thổ Ba Lan, nằm trong chiến lược rộng hơn nhằm tối ưu hóa hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.
Cuộc tranh luận về quân đội của NATO cũng như vai trò trong tương lai của Mỹ với châu Âu diễn ra trong bối cảnh khối quân sự này đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng từ Washington. Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi “lục địa già” nâng mức chi tiêu tối thiểu từ 2% lên 5% GDP – mục tiêu cao hơn đáng kể so với cam kết hiện tại của phần lớn các nước thành viên.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen gần đây đã cảnh báo rằng châu Âu phải xây dựng lộ trình rõ ràng và phối hợp với Washington để đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Tổng thống Trump vẫn ủng hộ NATO nhưng kỳ vọng các đồng minh sẽ đưa ra một "lộ trình thực tế" nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.