Đồng yen suy yếu buộc Nhật Bản phải cắt giảm chi tiêu quân sự lịch sử

Tình trạng đồng yen suy yếu đang buộc Nhật Bản phải thu hẹp quy mô tăng cường chi tiêu quốc phòng trị giá 43,5 nghìn tỷ yen trong 5 năm lịch sử.

Chú thích ảnh
Các thành viên của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF)  xuống trực thăng CH-47 Chinook trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại Gotemba, Shizuoka, Nhật Bản, ngày 28/5. Ảnh: Reuters

Dẫn 8 nguồn tin quen thuộc với vấn đề, hãng tin Reuters cho biết kể từ khi công bố kế hoạch trên hồi tháng 12/2022, đồng yen đã giảm 10% giá trị so với đồng USD, buộc Tokyo phải giảm kế hoạch chi tiêu quốc phòng đầy tham vọng, vốn ước tính trị giá 320 tỷ USD khi đó.

Reuters đã phỏng vấn 3 quan chức chính phủ và 5 nguồn tin trong ngành, những người này cho biết Nhật Bản sẽ bắt đầu giảm mua trực thăng quân sự vào năm 2024, năm thứ hai của tiến trình tăng cường đâu tư quốc phòng do đồng yen suy yếu. Tám nguồn tin giấu tên này đều đã tham dự nhiều cuộc họp về vấn đề chi tiêu quốc phòng.

Thông tin chi tiết về việc Nhật Bản cắt giảm chi tiêu quân sự do biến động tiền tệ chưa được báo cáo trước đây.

Nguồn tin cho biết Tokyo giả định tỷ giá hối đoái là 108 yen đổi 1 USD - tỷ giá được giao dịch lần cuối vào mùa hè năm 2021, khi Nhật Bản bắt đầu thúc đẩy kế hoạch mua sắm quốc phòng hồi tháng 12. Đến đầu tháng 11, đồng yen giảm xuống còn 151 yên đổi 1 USD. Hôm 31/10, Ngân hàng Nhật Bản đã thực hiện động thái nhỏ hướng tới chấm dứt gói kích thích tiền tệ kéo dài hàng thập kỷ, vốn đã khiến đồng yen mất giá, bằng cách điều chỉnh các biện pháp kiểm soát lợi suất trái phiếu.

Một quan chức chính phủ cho biết không giống như các công ty lớn kinh doanh ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không đề phòng trước những biến động tỷ giá tiền tệ. Điều này có nghĩa là Tokyo có rất ít biện pháp để giảm thiểu chi phí gia tăng bằng đồng yen trong thương vụ tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong buổi duyệt binh Hạm đội Quốc tế kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF), tại Vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, Nhật Bản tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Ông Christopher Johnstone - Giám đốc về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - cho rằng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Thủ tướng Fumio Kishida ít chịu tác động hơn dự đoán từ chi tiêu quân sự quá mức đều có thể khiến Washington không hài lòng về khả năng của đồng minh chủ chốt này trong việc giúp kiềm chế Bắc Kinh.

“Hiện tại, tác động còn khiêm tốn. Nhưng việc đồng yen mất giá trong thời gian dài sẽ làm giảm tác động của quá trình tăng chi tiêu quân sự ở Nhật Bản. Điều này đồng thời buộc Tokyo phải cắt giảm và trì hoãn các thương vụ mua sắm quan trọng”, ông Johnstone nói.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ không thảo luận chi tiết về kế hoạch mua sắm khi được yêu cầu bình luận về vấn đề này

Đại sứ quán tại Tokyo cho biết họ không thể bình luận. Lầu Năm Góc không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin trong Triển lãm hàng không Nhật Bản 2016 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Kishida mô tả nỗ lực xây dựng lực lượng phòng thủ lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ 2 là “bước ngoặt trong lịch sử”. Theo sách trắng quốc phòng, khoản chi này nhằm mục đích chuẩn bị cho quốc gia đối phó với cuộc xung đột có thể xảy ra. 

Tháng 12/2022, ông Kishida cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 2% tổng sản phẩm quốc nội. Động thái này nhằm đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có khả năng chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thay đổi khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Tám nguồn tin giấu tên cho biết với việc cắt giảm khả năng chi tiêu quốc phòng, Nhật Bản quyết định ưu tiên các vũ khí tiên tiến do Mỹ sản xuất như tên lửa. Các nguồn tin cho biết các loại vũ khí – như trực thăng hỗ trợ và các thiết bị thứ cấp khác - rẻ tiền hơn, phần lớn do các công ty Nhật Bản sản xuất.

Hai nguồn tin tiết lộ hồi tháng 12/2022, giới chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thảo luận về đơn đặt hàng 34 trực thăng vận tải Chinook hai cánh. Mỗi chiếc Chinook có giá khoảng 15 tỷ yen.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm bắt đầu từ tháng 4/2024 được công bố hồi tháng 8, đơn đặt hàng này đã giảm một nửa xuống còn 17 chiếc vì chi phí đã tăng khoảng 5 tỷ yên mỗi chiếc kể từ tháng 12. Một trong những nguồn tin chính phủ, người trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận này, cho biết khoảng một nửa mức tăng đó là do đồng yen suy yếu.

Trực thăng Chinook do Kawasaki Heavy Industries lắp ráp theo giấy phép của Tập đoàn Boeing. Người phát ngôn của Kawasaki xác nhận rằng việc tăng giá đã dẫn đến đơn đặt hàng Chinook giảm.

Nhật Bản cũng hủy bỏ kế hoạch mua 2 thủy phi cơ ShinMaywa Industries US-2 dùng trong các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sau khi giá của mỗi chiếc máy bay tăng gần gấp đôi lên 30 tỷ yen so với ba năm trước, hai quan chức khác tiết lộ.

“Giá đã tăng đáng kể, đó là do đồng yen yếu hơn và lạm phát đã đẩy chi phí lên đáng kể”, phát ngôn viên của công ty nói và từ chối bình luận về việc liệu Bộ Quốc phòng có hủy đơn đặt hàng thủy phi cơ hay không.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên tàu USS Ronald Reagan, siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, tại Vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cho rằng đối với Thủ tướng Kishida, việc cắt giảm mua sắm quốc phòng có thể ít gây ảnh hưởng về mặt chính trị hơn so với việc yêu cầu các nhà lập pháp tăng chi tiêu quân sự. Ông Kishida đang phải vật lộn với các phe phái trong đảng đối thủ về việc nên vay tiền hay tăng thuế để chi trả cho các hợp đồng mua vũ khí.

Ông Yoji Koda, Đô đốc Lực lượng phòng vệ hàng hải đã nghỉ hưu, người chỉ huy hạm đội Nhật Bản, bình luận việc Thủ tướng Kishida quyết định tăng ngân sách hay không sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ ủng hộ của ông ở Nhật Bản. Ông hy vọng nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ lựa chọn cắt giảm hoặc trì hoãn mua sắm vì điều đó dễ hơn việc thuyết phục người nộp thuế chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng.

Tuy nhiên, ông Kishida cũng đang gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ các công ty Nhật Bản. Các doanh nghiệp này lo ngại họ sẽ phải chịu gánh nặng cắt giảm để đảm bảo Tokyo có thể mua tên lửa Tomahawks của Raytheon và máy bay F-35 từ Lockheed Martin.

Một trong những nguồn tin cho biết Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức vận động hành lang doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất nước này, cùng một số hiệp hội công nghiệp quốc phòng đã gây áp lực để Bộ Quốc phòng cấp thêm quỹ mua sắm quân sự trong ngân sách bổ sung đang được đưa ra trước Quốc hội.

Người phát ngôn của bộ xác nhận ngày 25/10, các công ty đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara kêu gọi chính phủ tiến hành tăng cường chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Đồng yen của Nhật Bản tiến gần mức thấp kỷ lục trong vòng 33 năm
Đồng yen của Nhật Bản tiến gần mức thấp kỷ lục trong vòng 33 năm

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đồng yen của Nhật Bản đang tiếp tục trượt giá mạnh bất chấp động thái mới đây của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nới lỏng kiểm soát đường cong lợi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN