Tàu chiến Nga diễu hành nhân Ngày Hải quân ở Sevastopol, Crimea vào 24/7/2015.
|
Theo các chuyên gia, Nga chú trọng tái vũ trang cho Crimea do tầm quan trọng chiến lược của bán đảo này đối với năng lực phòng vệ của đất nước.
Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ năm 1991, căn cứ hải quân ở Crimea được Moskva thuê, nhưng theo thỏa thuận thì bất cứ hoạt động nào nhằm nâng cấp căn cứ đều phải được sự cho phép của Kiev.
Theo ông Igor Kasatonov, cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, chính sách của Ukraine trong thời kỳ này là một cách để chặn bớt ảnh hưởng của Nga tới Crimea. Tuy nhiên, sau khi bán đảo trở về với Nga năm 2014, tình thế đã thay đổi và một cuộc cải tổ toàn diện Hạm đội Biển Đen nhanh chóng bắt đầu.
“Chúng tôi ngay lập tức tiến hành nâng cấp Hạm đội Biển Đen với Dự án 11356 với tàu chiến và dự án 636.3 với tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka. Các tàu này đều được trang bị tên lửa hành trình Kalibr và đã tham gia trong chiến dịch tại Syria”, ông Kasatonov cho biết.
Video tàu ngầm Rostov-na-Donu phóng tên lửa hành trình Kalibr:
Nhưng đó chỉ là một phần của các lực lượng vũ trang được Nga triển khai ở Crimea.
Các tàu khu trục serie “Đô đốc” thuộc dự án 11356 đã tới khu vực trong năm 2016, được trang bị đầy đủ tên lửa hành trình Kalibr với bán kính tấn công 2.600km. Chỉ 6 tháng sau khi đi vào hoạt động, một số tàu đã tham gia chiến dịch Syria với chủ lực là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Năm 2015, hai chiếc trong hạm đội tàu hộ tống trang bị tên lửa Buyan-M thuộc dự án 21631 đã gia nhập Hạm đội Biển Đen. Đây là những tàu đa năng, có thể hoạt động ở những vùng nước nông như vùng duyên hải Biển Đen và Địa Trung Hải. Chúng được trang bị pháo hải quân A-190, hệ thống phòng không Duet và tên lửa chống hạm Onik. Những tàu hộ tống nhỏ này sẽ cùng với tàu tên lửa Karakurt thuộc Dự án 22800 sử dụng cho những khu vực gần bờ.
Sau đó, năm 2016 Hạm đội Biển Đen đã nhận hơn 40 tàu chiến và tàu hậu cần, nhiều hơn bất cứ hạm đội nào khác của Nga. Ngoài ra, lá cờ đầu của Hạm đội Biển Đen là tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva sẽ được hiện đại hóa vào năm 2018.
Xây dựng căn cứ tàu ngầm
Tàu ngầm diesel điện lớp Varshavyanka được trang bị tên lửa hành trình Kalibr đã đi vào hoạt động trong khu vực Biển Đen từ tháng 10/2016. Cùng với việc tăng cường hạm đội tàu ngầm, quân đội Nga buộc phải xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đội tàu này tại Crimea. Hiện nay, một căn cứ tàu ngầm vẫn đang được xây dựng tại Novorossiysk (một hải càng quan trọng bên bờ Biển Đen, cách Moskva 1.500km).
"Một yếu điểm của căn cứ mới là điều kiện thời tiết khi gió hướng bắc tràn tới từ rặng núi Kavkaz có thể làm hư hại các cấu trúc ven biển và cả tàu thuyền”, đại tác nghỉ hưu Viktor Litovkin, chuyên gia quân sự của hãng thông tấn TASS nhận xét.
Năng lực không quân
30 chiếc Su-30SM thế hệ 4++, loại tiêm kích đa nhiệm hạng nặng đã gia nhập lực lượng quân sự ở Crimea chỉ trong vòng một năm sau khi bán đảo về Nga. Chiến đấu cơ này có thể phát hiện, truy đuổi 15 mục tiêu trên không và một chiếc có thể cùng lúc nã hỏa lực vào 4 mục tiêu.
Xem tiêm kích đa năng Su-30SM cất cánh và nhào lộn trên không:
Hơn thế, Su-30 SM có thể mang theo 8 tấn tên lửa không đối không dẫn đường, các loại bom không dẫn đường và nhiều vũ khí khác, được lắp đặt từ 12 vị trí trên máy bay. Dòng tiêm kích này theo kế hoạch sẽ thay thế hoàn toàn phi đội Su-24 hiện đồn trú ở Crimea.
Các hệ thống phòng không và chống hạm
Từ đầu năm nay, bầu trời Crimea đã được giám sát bởi hệ thống phòng không tiên tiến S-400. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa Pantsir-S và pháo binh cũng đã được điều đến khu vực. Theo các chuyên gia quân sự, trong những năm tới, “chiếc ô” phòng thủ tên lửa sẽ được gia cố thêm với các hệ thống Buk-M2 và Tor-M2.
Bất cứ mối đe dọa nào đến từ phía Tây Nam (hướng Thổ Nhĩ Kỳ và eo biển Bosphorus) đều được bảo vệ bởi hệ thống chống hạm Bastion và Bal. Các hệ thống này đều được trang bị tên lửa Kh-35 bay tầm thấp, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 130km trong mọi điều kiện thời tiết.
Tại sao Crimea là một ưu tiên với Nga
“Crimea là một nhân tố chiến lược trong năng lực phòng vệ của Nga. Ai kiểm soát bán đảo này sẽ kiểm soát mọi tuyến đường ở Biển Đen và bất cứ chuyện gì xảy ra trên lãnh thổ của các quốc gia lân cận. Bất cứ thời điểm nào Nga cũng có thể triển khai các hạm đội của mình để ngăn chặn một cuộc can thiệp tiềm tàng nào”, nhà phân tích quân sự Dmitry Safonov nhận định trên tờ Izvestia.
Ông tin rằng, “những vướng mắc thời hậu Xô viết” và những căng thẳng trên trường quốc tế sẽ buộc Bộ quốc phòng Nga phải khẩn trương hiện đại hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự tại Crimea. “Chúng tôi đang căng thẳng với NATO xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và căn cứ quân sự tương lai của khối này ở Bulgaria. Nếu hai bên không đi đến giải pháp cho vấn đề này, cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có thể leo thang, gây hậu quả lên nền kinh tế của tất cả các quốc gia liên quan”, ông Safonov bổ sung.