Bốn bài học rút ra từ cuộc chiến chống khủng bố ở Syria

Có thể nói Syria vừa là thành công vừa là thất bại trong chống khủng bố. Điều tưởng như trái ngược này đã cho thế giới biết nhiều bài học cũng như sự thật hiển nhiên trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đã gần 7 năm kể từ khi Syria rơi vào tình trạng bất ổn và lao vào vòng xoáy nội chiến, khiến nửa triệu người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Syria vừa là thành công vừa là thất bại trong chống khủng bố. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), một trong những nhóm khủng bố độc ác và mạnh nhất thế giới, đã xuất hiện từ cuộc xung đột ở Syria.

Mặc dù Syria cùng với lực lượng các quốc gia đã làm suy yếu IS, đẩy chúng tới bờ vực sụp đổ nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc. Từ cuộc chiến này, ông Daniel L. Byman, thành viên cấp cao Trung tâm Chính sách Trung Đông, đã rút ra một số điều về cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

1. Nội chiến và khủng bố luôn đồng hành

Syria là ví dụ điển hình nhất cho thấy khủng bố sống khỏe nhờ nội chiến tại các nước Hồi giáo. Mặc dù có nhiều lý do khiến các cá nhân tham gia nhóm khủng bố, ví dụ như bị xã hội bỏ rơi, thiếu việc làm, bị nhiễm tư tưởng cực đoan…, nhưng chính chiến tranh là nhân tố chủ chốt.

Nội chiến đẻ ra khủng bố.

Bản thân cuộc chiến ở Syria cũng đã khiến nhiều người Hồi giáo ở châu Âu tình nguyện gia nhập IS. Họ thường coi mình là những tay súng chiến đấu vì tự do chứ không phải là khủng bố.

Afghanistan, Algeria, Chechnya, Iraq, Liban, Somalia và Yemen là các ví dụ cho thấy các cuộc xung đột luôn đẻ ra các nhóm khủng bố mới hoặc giúp những nhóm khủng bố đang tồn tại trở nên mạnh hơn.

Chiến tranh là lý do để khủng bố tuyển mộ thêm quân và khiến những người đã là khủng bố trở nên nguy hiểm hơn nhờ có thêm kinh nghiệm chiến đấu.

Chiến tranh cũng thường giúp các nhóm khủng bố tự do trong hành động. IS là một ví dụ như vậy. IS thường chiếm các vùng mà chính quyền Syria không kiểm soát hoặc kiểm soát yếu ớt. Chúng lợi dụng khoảng trống quyền lực để phát triển tại nơi đó.

Dù không phải cứ có nội chiến là sẽ nảy sinh khủng bố thánh chiến, nhưng đó là rủi ro có thật và đã xảy ra nhiều lần.

2. Khủng bố bị chia rẽ nặng nề

Trong các cuộc chiến này, Mỹ và các nước khác không phải là những người duy nhất căm ghét và tìm cách tiêu diệt các tay súng thánh chiến. Bản thân các tay súng thánh chiến cũng căm thù và giết chóc lẫn nhau, thường là với số lượng lớn.

IS ban đầu là một nhóm tách ra từ nhóm Jabhat al-Nursa (nhóm này cũng tách ra từ mạng lưới al-Qaeda). Các thủ lĩnh trung thành với al-Qaeda của Jabhat al-Nursa tại Syria đấu đá với những thủ lĩnh đi theo một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq.

Bản thân IS cũng chống lại một loạt nhóm thánh chiến ở Syria, kể cả những nhóm trùng tư tưởng với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS.

Cuộc đấu đá nội bộ này đã làm một số thành viên vỡ mộng và góp phần làm suy yếu phong trào thánh chiến khủng bố.

Ngay cả khi các tay thánh chiến không chống lại nhau thì phong trào này cũng có nguy cơ chia rẽ rất cao. Các vấn đề gây chia rẽ gồm vai trò lãnh đạo, mức độ bạo lực, thời điểm tuyên bố nhà nước…

Gần đây, nhóm al-Qaeda đã chịu một đòn giáng mạnh khi chi nhánh ở Syria, vốn là chi nhánh quan trọng nhất, đã công khai phản đối Ayman al-Zawahiri làm thủ lĩnh.

Nếu các lực lượng chống khủng bố nắm rõ và tìm cách tận dụng bất đồng nội bộ trên, họ có thể đẩy nhanh cuộc chiến tới thắng lợi.

3. Bất đồng giữa các nước đối địch lộ rõ


Mặc dù phần lớn các bên đều không thừa nhận điều này, nhưng trong thực tế, Iran, Hezbollah và các nhóm Shiite ở Iraq đều cùng một phía với Mỹ, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trên mặt trận chống IS.

Tuy nhiên, việc ở cùng mặt trận không có nghĩa là mối quan hệ giữa họ tốt hơn, vì mỗi bên đều có một mục đích riêng ở Syria.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ sợ người Kurd ở Syria thành lập nhà nước riêng. Iran tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Syria và hậu thuẫn cho Chính phủ Syria. Trong khi đó, Israel sợ bạo lực ở Syria tràn vào lãnh thổ.

Do đó, chống khủng bố không phải là chất keo gắn kết mọi thứ với nhau, mà trái lại, thành công trong chống khủng bố lại khiến cho bất đồng giữa các bên về các vấn đề khác hiện lên rõ hơn.

4. Bài học cho Mỹ

Nhu cầu điều phối giữa các đồng minh, vốn là vai trò của Mỹ, trở nên rõ ràng hơn bao giờ. Tuy nhiên, sau khi thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố IS ở Syria, vai trò dẫn đầu của Mỹ trở nên mờ nhạt. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ lúc đầu không quan tâm tới cuộc xung đột ở Syria. Ngay cả khi đã thành lập một liên minh chống khủng bố nhưng Mỹ lại không có một chính sách rộng với toàn bộ cuộc xung đột ở Syria.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, vai trò của Mỹ trong dẫn dắt liên minh chống khủng bố cũng không hề rõ ràng hơn. Khi các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tăng cường can dự vào Syria, Mỹ hầu như không nỗ lực để kiểm soát tình hình.

Người Kurd ở Syria được Mỹ hỗ trợ vũ khí chống khủng bố.

Trong thực tế, Bộ Ngoại giao, quân đội và Nhà Trắng đều bắn tín hiệu khác nhau tới Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đưa binh sĩ vào khu vực do người Kurd ở Syria kiểm soát.

Mỹ cũng tỏ ra mờ nhạt khi xây dựng lực lượng đồng minh ở Iraq hay Syria. Cho dù mất nhiều năm và đổ hàng tỷ USD để huấn luyện, các lực lượng Iraq vẫn tháo chạy trước một đội quân IS bé hơn và ít vũ khí hơn, để cho IS càn quét cả khu vực phía Tây Iraq năm 2014.

Tại Syria, nỗ lực xây dựng lực lượng đối lập “ôn hòa” của Mỹ cũng thất bại. Việc Mỹ huấn luyện cho các lực lượng này là một nhiệm vụ chính trị và kỹ thuật nhưng Mỹ lại thường sử dụng cách này để né tránh việc phải đưa ra các quyết định chính trị khó khăn.

Syria không phải là Iraq. Iraq không phải là Afghanistan. Cuộc xung đột tiếp theo liên quan tới khủng bố toàn cầu sẽ là một cuộc chiến hoàn toàn khác. Nhưng nếu có thể học các bài học trên, Mỹ có thể thể hiện tốt hơn hoặc ít nhất cũng không làm tình hình xấu đi.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tỷ phú Bill Gates cảnh báo tiền ảo gây nhiều cái 'chết thật'
Tỷ phú Bill Gates cảnh báo tiền ảo gây nhiều cái 'chết thật'

Nhà sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates cho rằng tiền ảo đang “sát hại con người một cách trực tiếp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN