Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, 15 năm qua, đội ngũ công nhân viên chức, lao động Thủ đô đã vững vàng vượt qua khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến, thích ứng với cơ chế thị trường, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ viên chức, lao động Thủ đô nỗ lực phấn đấu, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh, xứng đáng là tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn - lực lượng tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Các cấp Công đoàn đã có nhiều sáng tạo, đổi mới với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổ chức Công đoàn có nhiều đề án, giải pháp, cách làm mới, đi đầu trong xây dựng các mô hình mới, hiệu quả, có sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và đoàn viên, người lao động ghi nhận.
Xác định phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức Công đoàn, đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", Công đoàn Thủ đô đã thành lập mới 7.559 Công đoàn cơ sở, đạt 198,7% chỉ tiêu của Thành ủy; phát triển mới 682.582 đoàn viên, đạt 124,4% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn. Toàn thành phố có khoảng 270.000 doanh nghiệp và trên 2,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70,3%. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7 triệu đồng/tháng; quan hệ lao động ổn định, số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc ngày càng có xu hướng giảm so với trước. Các cấp Công đoàn đã giới thiệu 117.738 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, có 101.695 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với đó, các phong trào thi đua góp phần nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động được đẩy mạnh ở nhiều cấp, ngành. Từ thực tiễn phong trào thi đua xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc được biểu dương khen thưởng. 384.858 lượt công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; 19.464 lượt "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở và 1.789 Công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô"; 1.358 lượt cá nhân được UBND - Liên đoàn Lao động thành phố biểu dương và tặng Bằng công nhận "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô". Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người tham gia Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19", đứng thứ 2 về số sáng kiến (201.129 sáng kiến)...
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, 15 năm qua, Công đoàn đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân lao động. Qua kiểm tra, giám sát tại 3.713 doanh nghiệp, có hơn 12.000 kiến nghị được thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động; 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.
Hàng năm, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với UBND thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với người lao động. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với người lao động; trên 68% Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên (Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động).
Đặc biệt, các chương trình chăm lo phúc lợi luôn được duy trì hiệu quả. Các cấp Công đoàn chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 541 nhà "Mái ấm Công đoàn"; ủng hộ 62,2 tỷ đồng cho các Quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát động. Các cấp Công đoàn còn làm tốt Chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn", tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên. Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, người lao động vay vốn…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cấp Công đoàn Thủ đô, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động là yêu cầu cấp thiết nhưng còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động.
Đặc biệt, tình trạng nợ lương, tiền bảo hiểm xã hội còn tiếp diễn với gần 86 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, tổng số tiền trên 5.154 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách hơn 1,2 triệu người lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Trong khi đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động có lúc, có nơi còn hạn chế chưa phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động. Phong trào thi đua chưa đồng đều ở các cụm, địa phương; hình thức tổ chức còn dập khuôn, chậm đổi mới…
Thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn Thành phố; thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030. Các đơn vị tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân vững về chính trị, giỏi nghề nghiệp, đẹp về văn hóa; tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động; chăm lo, bảo vệ tốt hơn nữa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động…
Đội ngũ công nhân viên chức, lao động Thủ đô mong muốn Đảng, Nhà nước sớm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" bằng các chính sách pháp luật, góp phần xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại; tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, đào tạo lại công nhân; hoàn thiện chính sách tiền lương; quan tâm đầu tư, hoàn thiện chính sách nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp.
Các cấp chính quyền tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật Công đoàn, các chính sách bảo hiểm xã hội cho công nhân; chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia với Nhà nước ban hành các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổng Liên đoàn cần dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; có cơ chế tham gia với Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên, người lao động được thuê, thuê mua ổn định cuộc sống; khuyến khích động viên công nhân viên chức, lao động học tập nâng cao trình độ, tay nghề.