Tạo cơ chế chủ động cho địa phương
Xã Dương Xá là nơi đặt trạm y tế lưu động của huyện Gia Lâm từ 6/12 với nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện Gia Lâm giao UBND xã Dương Xá là “tư lệnh” trong công tác hậu cần, phục vụ ăn ở, đồ dùng cho nhân lực của trạm cũng như các F0 đang điều trị.
Theo bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá, ngoài những lực chuyên trách như công an, y tế, những lực lượng xung phong tự nguyện làm việc tại trạm gồm: dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ… cũng đang làm việc rất trách nhiệm.
Qua quá trình theo dõi những lực lượng làm việc không hưởng lương ngân sách, trên tinh thần tự nguyện, không có ai ca thán và phàn nàn. Tuy nhiên, dưới góc độ lãnh đạo địa phương bà Thúy luôn trăn trở để tìm nguồn vật chất động viên cho những tình nguyện này. “Chúng tôi cũng cảm động và đánh giá cao bản lĩnh của những tình nguyện viên dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng nhiệt tình tham gia vì cộng đồng.
Địa phương rất muốn có một chút kinh phí bù đắp cho những tình nguyện viên nhưng hiện chưa tìm ra cách gì". Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ quy định hỗ trợ: Mức 130.000 đồng/ngày đối với tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia phòng, chống dịch. Những tình nguyện viên là sinh viên các trường y, không hưởng lương ngân sách được huy động tham gia chống dịch được trợ cấp từ 150.000 đến 300.000 đồng đối với từng nhiệm vụ cụ thể và có thể được chi phụ cấp thêm tới 70% so với quy định.
Trao đổi về những nội dung trên, bà Thúy cho biết, địa phương mong mỏi hướng dẫn cụ thể từ cấp trên để có căn cứ áp dụng, chi trả cho những tình nguyện viên tại trạm y tế lưu động. Mỗi tình nguyện viên không hưởng lương trước đây mới chỉ được UBND xã chu cấp 3 bữa ăn/ngày. Giá trị mỗi suất cơm cũng không khác gì đối với các F0 đang được điều trị và theo dõi tại Trạm. “Trường hợp có ngân sách cấp cho các tình nguyện viên, chúng tôi sẽ chi trả khẩn trương để kịp thời động viên anh em”, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thúy, có một thực tế nữa, mỗi “tăng” làm việc tại trạm y tế lưu động là 14 ngày. Khi có người mới tới, vật dụng cá nhân của người cũ như (chăn, màn, chiếu…) sẽ rất khó tái sử dụng lại. Vì bản thân người mới cũng không muốn sử dụng những đồ dùng đó với lý do đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Trong khi để giặt giũ những vật dụng kể trên lại rất khó khăn, do không thể mang ra ngoài giặt được.
Phó Chủ tịch xã Dương Xá nhìn nhận, dẫu rằng có nguồn dự phòng nhưng khi số F0 vào nhiều, khiến lực lượng làm việc tại trạm phải nhường số chăn, màn đó nhưng để được cấp mới thì phải qua rất nhiều thủ tục. “Chúng tôi cũng không biết mua dự trữ bao nhiêu vật dụng cá nhân để dự phòng, vì số F0 mỗi ngày mỗi khác, khiến địa phương rất bị động. Hơn nữa, mua nhiều vật dụng cũng có thể dẫn tới lãng phí”.
Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) Nguyễn Đức Bình cũng nêu một thực tế, khi dịch bùng phát, lãnh đạo xã cũng kêu gọi xã hội hóa công tác phòng, chống dịch. Nhiều mạnh thường quân cũng đã hỗ trợ bằng hiện vật và tiền mặt. Tuy nhiên, kinh phí không nhiều nên cũng trông chờ kinh phí từ cấp trên để bù đắp cho các tình nguyện viên làm việc tại trạm.
Nỗi lo thiếu nhân lực y tế
Theo một số chuyên gia y tế, do dịch kéo dài nhiều năm, lực lượng y tế nhất là y tế cơ sở đã rất mệt mỏi và áp lực. Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 đang đến rất gần, tuy nhiên số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội không giảm. Điều này đang đặt ra một thực tế đối với Hà Nội là nguy cơ thiếu nhân lực y tế làm việc tại các trạm y tế lưu động.
Về nội dung trên, bác sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn dịch đang diễn biến phức tạp dẫn tới khối lượng công việc rất nhiều, nhân viên trạm y tế lưu động phải làm việc cả đêm rất vất vả. Từ khi có dịch COVID-19 đến nay, nhiều bác sĩ, y tá trên địa bàn quận không chịu được áp lực đã xin nghỉ việc.
Đại diện Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng nêu một vấn đề khác nữa, trên địa bàn nhiều bác sĩ đã nghỉ hưu muốn tham gia giúp đỡ cộng đồng nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình. Do họ sợ người thân của mình làm việc xuyên Tết, môi trường nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình nên đã tìm cách ngăn cản.
Bày tỏ trăn trở nỗi lo thiếu nhân viên tại trạm y tế lưu động trên địa bàn, ông Vương Quốc Tiến, Phó Chủ tịch UBND phương Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) chỉ ra, làm việc tại Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là các thành viên được về nhà sau mỗi ca trực. Còn khi vào làm việc tại trạm y tế lưu động là xác định làm việc liên tục khoảng 14 ngày, không được về nhà. Chính vì thế việc lựa chọn người làm việc tại trạm địa phương cân nhắc kỹ để khi “vào vai” là đáp ứng được các yêu cầu công việc.
Qua kiểm tra tại một số trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, chỉ trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình oxy, thuốc theo danh mục… Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, một số trạm y tế lưu động cần phải xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn. Ngoài ra, mỗi trạm cần ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được nhiều trường hợp F0 hơn nữa để y tế cơ sở giữ được vai trò trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch.
Bài cuối - Giữ vững vai trò trụ cột, trọng yếu