Cuộc sống là để cho đi
Vốn là giáo viên trường Mần non nhưng trong những ngày dịch bệnh còn căng thẳng thành phố Hà Nội chưa cho học sinh đi học trở lại, Nguyễn Thị Phương Hoa đã xung phong tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng xã Yên Thường (Gia Lâm) từ ngày 7/2021.
Khi tình hình dịch tại địa phương đã ổn định, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tạm nghỉ, Hoa lại đề xuất với chính quyền xã được tham gia cùng các y bác sĩ của trạm y tế lưu động cứu chữa bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn. Nguyện vọng của Hoa được chính quyền địa phương chấp nhận. Từ ngày 20/12, cô giáo mầm non 26 tuổi, nhỏ nhắn có nước da bánh mật, khá xinh xắn đã được “biên chế” về Trạm Y tế lưu động của huyện Gia Lâm đặt tại xã Dương Xá.
Là phụ nữ duy nhất của Trạm nên Phương Hoa được phân công công việc nhẹ nhàng hơn các nam giới. Hàng ngày Hoa có nhiệm vụ tiếp nhận hàng tiếp tế của các gia đình, người thân để chuyển cho những người đang trong diện cách ly, điều trị tại Trạm. Hết giờ, Hoa tham gia nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp chỗ ở cho mấy anh em trong Trạm.
Hoa tâm sự, công việc không quá vất vả nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lây bệnh. Chính vì lẽ đó, khi quyết định tham gia trạm y tế lưu động, cô đã không cho người yêu biết chuyện. Nhưng đến khi không thể dấu được nữa, Hoa bị người yêu trách móc rất nhiều... Bàn tay Hoa bám chặt vào thành chiếc giường tầng tại Trạm Y tế lưu động, vẻ mặt xúc động cho biết cô chấp nhận khi người yêu không đồng cảm. Môi mím lại ngăn cảm xúc yếu đuối, Hoa cho rằng: “Ai cũng chỉ lo cho mình thì các bệnh nhân COVID-19 sẽ thế nào. Cuộc sống là để cho đi”.
Không còn trẻ như Phương Hoa, chị Mai Thị Tươi (Phúc Lợi, Long Biên) năm nay đã trên 50 tuổi. Chị Tươi là người xung phong để được làm việc trong Trạm Y tế lưu động phường Phúc Lợi - nơi chuyên thu gom, điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ trên địa bàn toàn quận.
Dáng vẻ khỏe mạnh trong bộ quần áo dân quân tự vệ màu xanh lá, chị Tươi hàng ngày làm nhiệm vụ theo dõi các camera được lắp đặt trong khu cách ly để phát hiện và nhắc nhở những trường hợp không bệnh nhân không tuân thủ quy định. Ngoài nhiệm vụ đó ra, khoảng 11 giờ và 18 giờ hàng ngày, chị cùng với những tình nguyện viên khác chia các phần cơm cho bệnh nhân.
Chị kể, công việc không vất vả nhưng bó buộc về thời gian. Khi vào trong Trạm, chị sẽ làm việc liên tục 14 ngày không ra ngoài. Trong lúc rảnh rỗi chị cũng tranh thủ đọc tin tức trên chiếc điện thoại thông minh cũ. Qua đó chị biết về tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội, những ngày cuối năm 2021 lên tới hơn 2.000 ca dương tính. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng như hiện nay, có thể khiến những tình nguyện viên như chị cùng đội ngũ y bác sĩ phải đón Giao thừa trong trạm y tế lưu động.
Nói về thu nhập, mong muốn của mình, chị Tươi hồn hậu: “Mình làm ở đây chỉ vì cộng đồng và nhân dân nên cứ đi làm thôi, chứ chả mong muốn gì nữa. Dịch diễn biến phức tạp, mỗi người hãy cùng chung tay để dịch bệnh mau qua”.
Không lăn tăn về chế độ đãi ngộ
Qua gặp gỡ anh Ngô Văn Được (tình nguyện viên Trạm Y tế lưu động Dương Xá – Gia Lâm), anh Nguyễn Văn Khanh (tình nguyện viên Trạm Y tế lưu động Việt Hùng - Đông Anh), được biết các anh đều là những cựu chiến binh đã từng có mặt chiến đấu ở một số chiến trường, hiểu rõ giá trị của sự sống nên đã tình nguyện tham gia vào Trạm Y tế lưu động của địa phương, đóng góp công sức nhỏ bé của mình chiến đấu với kẻ thù vô hình COVID-19.
“Khi tham gia công việc tại Trạm, gia đình cũng khuyên từ chối”, người đàn ông trung niên mang dáng vẻ chất phác Nguyễn Văn Khanh bắt đầu câu chuyện của mình và cho biết, bản thân anh cũng đã từng là F0 và được chữa khỏi nên thấu hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ khi cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Do đó, anh quyết định tình nguyện làm việc tại Trạm mà không hề quan tâm đến chế độ cho mình: “Nếu lăn tăn về chế độ đãi ngộ thì tôi đã không làm”.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng, thành phố Hà Nội đã triển khai thành lập các trạm y tế lưu động tại cơ sở nhằm thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, tận dụng mọi cơ sở là trụ sở doanh nghiệp, nhà cộng đồng, trường học, chung cư, huyện đã lập các trạm y tế lưu động với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nhằm chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 trong bối cảnh mới.
Việc chủ động chăm sóc và điều trị ca F0 ngay trên địa bàn, giúp bệnh nhân không phải đi cách ly xa, tạo tâm lý yên tâm, đồng thời huyện còn sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế tại địa phương giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên nên đây là mô hình chăm sóc sức khỏe từ cơ sở rất phù hợp.
Cùng với Hoài Đức, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã xây dựng phương án và “kích hoạt” trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhìn nhận, dù thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt nhưng những cán bộ y tế trạm y tế lưu động đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trạm y tế lưu động là bước chuyển đổi nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Bài 3 - Thích ứng với bối cảnh mới