Nhìn lại năm 2021: Hà Nội vững vàng vượt khó, hoàn thành mục tiêu kép

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện trong năm 2021 được đánh giá khốc liệt nhất trước tới nay. Hà Nội đã có thiệt hại về người, nhiều khu phố, tòa nhà chung cư bị phong tỏa, cách ly y tế do có người mắc COVID-19; hàng nghìn người dân được đưa đi cách ly tập trung.

Trong tình thế cam go, thành phố đã “kích hoạt” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với tinh thần khó khăn càng nhiều, quyết tâm càng lớn, triệu con tim một ý chí, cùng nỗ lực để chiến thắng dịch bệnh đưa Thủ đô vững vàng vượt qua thử thách chưa có tiền lệ.

Chú thích ảnh
Tiểu thương kinh doanh ở chợ đầu mối phía Nam chuẩn bị nguồn hàng để cung cấp cho người dân. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Linh hoạt thích ứng

Phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) hồi tháng 8 năm nay là “ổ dịch” lớn nhất thành phố Hà Nội. Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân quyết định phong tỏa cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân Trung) do ngày 23/8 qua sàng lọc phát hiện 4 trường hợp mắc COVID-19. Tính đến ngày 15/9, ổ dịch này ghi nhận hơn 500 ca dương tính SARS-CoV-2. Hàng nghìn người dân ở đây phải di dời khỏi nơi ở để giảm mật độ dân số, giảm sự lây nhiễm chéo. Thời điểm đó, mọi hoạt động kinh tế của phường này dường như “đóng băng” để phòng, chống dịch.

Từ khi dịch trên địa bàn được kiểm soát, cộng với việc thực hiện chỉ đạo “thích ứng an toàn với dịch bệnh” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các ngành nghề kinh tế của Thanh Xuân Trung lại hoạt động trở lại theo “tinh thần bình thường mới”.

Phường Thanh Xuân Trung cũng như các địa bàn khác của quận Thanh Xuân trong năm 2021 đã vượt được “sóng thần” đạt được mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra.

Ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân chia sẻ, nhờ có sự đồng lòng, dốc sức của cả hệ thống chính trị quận trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kết quả đạt được đã đúng như kịch bản đề ra. Thu ngân sách của quận đạt hơn 4.700 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch. “Bài học của quận rút ra trong trong năm 2021 là quyết liệt, nhanh chóng khống chế và khoanh vùng dịch không để phát sinh thêm “ổ dịch”. Khi công tác phòng, chống dịch được triển khai tốt, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tin tưởng và yên tâm sản xuất, giúp phục hồi kinh tế. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thích ứng với tình hình mới nên cho kết quả kinh tế, xã hội khả quan,” ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN trao đổi với ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân. Ảnh: Linh Khánh/TTXVN


Từ phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân nhìn rộng ra, có thể thấy, năm 2021 dù trải qua một năm dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, có thời điểm cả thành phố như “nghẹt thở” thực hiện mệnh lệnh “ai ở đâu, ở yên đó” để chống dịch. Trong nguy có cơ, từ khó khăn biến thành động lực cho phát triển. Hà Nội đã vượt qua được “sóng thần”, thu ngân sách tăng trưởng dương.

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn thông tin, tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến 15 giờ ngày 31/12 là 263.315 tỷ đồng, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao, đạt 104,7% dự toán thành phố giao. Trong đó, 10/19 khoản thu, lĩnh vực quan trọng hoàn thành và vượt dự toán được giao. Các khoản thu, sắc thuế chính đều có tiến độ thu khá và với mức tăng trưởng cao, như khu vực sản xuất, kinh doanh với số thu là 141.311 tỷ đồng, đạt 117,5% dự toán, tăng 17,5% so với năm 2020.

Ông Mai Sơn phân tích thêm, trước khó khăn, thách thức, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn chủ động đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến để tìm cách hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, trong đó, có riêng một cuộc đối thoại với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, thành phố đã hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hàng nghìn tỷ đồng; giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp tiền thuê đất được gia hạn và giảm là 22.604,6 tỷ đồng.... Nhờ đó, năm 2021 có 25.000 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký khoảng 345.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại giúp tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thành phố quan tâm. Việc tổ chức các phiên chợ Việt và các chuyến hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu, cụm công nghiệp hay chương trình khuyến mại đã kích thích sự lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, không bị đứt gãy. Cũng trong lúc dịch bệnh, Hà Nội đã thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ Mobile Money.

Cùng với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong năm, thành phố đã hỗ trợ cho trên 1,85 triệu lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ với kinh phí 1,13 nghìn tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,82 triệu người với kinh phí trên 1,07 nghìn tỷ đồng). Chi trả cho 1,093 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền hơn 2,68 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP...

Tiếp tục hành trình đi tới tương lai

Chú thích ảnh
Có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Đỗ Thị Thu ở thôn Cống Thần, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên có điều kiện ổn định sản xuất gia công giày, dép, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Năm 2021 đã khép lại, dù đạt được kết quả tích cực nhưng thành phố cũng chỉ ra, thu nhập đầu năm 2021 thấp hơn so với kế hoạch đề ra; khách du lịch tiếp tục giảm sâu 47%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp...

Trong năm 2022, thành phố Hà Nội nhận định, dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là xuất hiện biến chủng mới như Omicron. Nguồn lực của thành phố có hạn và sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút...Với việc nhìn thẳng vào sự thật như vậy, thành phố Hà Nội đã xây dựng những kịch bản để khôi phục, phát triển sản xuất.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2022, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả “Tổ công tác của thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19”. Thành phố triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất và chế biến tiêu thụ nông sản; thực hiện miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ...

Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai hiệu quả gói tín dụng 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố bổ sung ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp... Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2022, Thủ đô tiếp tục thực hiện chủ đề : “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Kết quả, kinh nghiệm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của năm 2021 là nền tảng vững chắc để Hà Nội bắt tay thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%. Mục tiêu tổng quát trong năm là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thành phố sẽ tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cạnh tranh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy thường xuyên đối thoại chính sách với doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Giải pháp được thành phố Hà Nội đưa ra là triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương về tài chính, ngân sách; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để khởi công, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thí điểm du lịch an toàn với COVID-19, từ đó dần mở rộng ra các địa điểm khác tuân thủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Hà Nội có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 dịch COVID-19
Hà Nội có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 dịch COVID-19

UBND thành phố Hà Nội vừa thông báo đánh giá cấp độ dịch cập nhật 9 giờ ngày 31/12/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN